Gỡ khó cho thanh niên trên bước đường khởi nghiệp

05/01/2019
(VBSP News) Hiện nay, phong trào thanh niên khởi nghiệp ngày càng phát triển sâu, rộng trong xã hội với những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, vẫn còn nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh Long An chưa thể thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình do gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn và đầu ra sản phẩm chưa thật sự ổn định.
Để đầu ra hàng hóa nông sản ổn định, đoàn viên thanh niên cần thay đổi tư duy sản xuất, sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn an toàn

Để đầu ra hàng hóa nông sản ổn định, đoàn viên thanh niên cần thay đổi tư duy sản xuất, sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn an toàn

Khó tiếp cận nguồn vốn vay

Long An hiện có hơn 312 nghìn thanh niên, chiếm gần 22,5% dân số và hơn 50% lực lượng lao động toàn tỉnh Long An, trong đó thanh niên nông thôn chiếm trên 70% thanh niên toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 12.873 hộ thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với số tiền 325 tỷ đồng, chủ yếu thông qua NHCSXH và Chương trình 120 của TW Đoàn. Tuy nhiên, so với nhu cầu vay vốn hỗ trợ việc làm, phát triển SXKD trong thanh niên, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm chỉ mới đáp ứng được 30% - 35%.

Anh Lê Hoài Hận, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, trăn trở: “Theo quy định của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, để được vay vốn, thanh niên phải xây dựng phương án kinh doanh, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại và tài sản bảo đảm thế chấp. Tuy nhiên, hiện nay, các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đều có quy mô nhỏ, lẻ. Còn NHCSXH chỉ ưu tiên cho hộ nghèo, mà đa số thanh niên không thuộc diện này vì nhiều thanh niên sống chung với gia đình và theo quy định, trong một hộ gia đình, chỉ giải quyết cho một đầu mối đứng ra vay (thông thường là cha hoặc mẹ) nên khi có nhu cầu vay vốn thì thường không được giải quyết.

Với 30 triệu đồng vay NHCSXH theo diện hộ nghèo chỉ đủ để xây dựng chuồng trại, trong khi đó, phải mất khá nhiều chi phí cho việc mua con giống, thức ăn. Vì vậy, đối với những thanh niên mới gây dựng cơ sở thì số tiền khá hạn hẹp”, anh Nguyễn Văn Đại, ngụ ấp 2, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ bộc bạch.

Theo Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Hưng, Trần Hữu Hiệp, so với các hội, đoàn thể khác thì hiện nay, việc hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, phát triển SXKD trong hội viên, đoàn viên, thanh niên gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là chính sách còn bó hẹp. Vả lại, thủ tục vay ủy thác của ngân hàng còn quá rườm rà; các biểu mẫu phải cập nhật thường xuyên chiếm nhiều thời gian công tác của đoàn, hội, đội, nên nhiều tổ chức Đoàn Thanh niên chưa “mặn mà”.

Lo lắng đầu ra sản phẩm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả: Trồng rau màu, thanh long, chanh không hạt, nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản,… Tuy nhiên, do đầu ra cho các sản phẩm chưa thật sự ổn định, nên thanh niên còn “ngại” trong quá trình khởi nghiệp.

“Hầu hết lực lượng thanh niên trong ấp làm nghề nông, chủ yếu là sản xuất thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, thời gian qua, giá cả thị trường khá bấp bênh, thường rơi vào cảnh “được mùa - rớt giá”. Trong khi đó, hiện nay, thanh niên chưa tìm được giải pháp cụ thể về quy hoạch sản xuất, kết nối thị trường trong và ngoài nước nhằm góp phần giữ ổn định giá thanh long”, Bí thư chi đoàn ấp An Tập, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Phan Châu Linh nói.

Theo anh Đinh Bạt Quy, ngụ ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, việc áp dụng KHCN tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi là yếu tố tất yếu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, thanh niên vẫn còn gặp nhiều bất cập, khó khăn: Khu vực nào, mô hình nào thì áp dụng KHCN gì và mua ở đâu để bảo đảm chất lượng thì chưa có định hướng rõ ràng. Những cây trồng, vật nuôi không nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) của tỉnh thì khi thanh niên thực hiện có được hỗ trợ vốn hay không và thị trường tiêu thụ sản phẩm như thế nào?,…

Tập trung gỡ khó

Câu chuyện khởi nghiệp và những khó khăn, vướng mắc trên bước đường lập thân, lập nghiệp được nhiều bạn trẻ chia sẻ, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh trong cuộc đối thoại trực tiếp cuối năm 2018 với chủ đề: “Công tác chăm lo, phát triển toàn diện thanh niên”.

Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần yêu cầu, các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện cần tích cực tập trung tham mưu, đề xuất cũng như đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai, thực hiện tốt các chính sách dành cho thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên thanh niên được học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện. Đặc biệt, quan tâm, hỗ trợ vốn, giúp thanh niên tự khẳng định mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp, thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp trong thanh niên thời kỳ hội nhập. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để SXKD mang lại hiệu quả kinh tế cao, đoàn viên thanh niên phải biết vận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có, phát huy hơn nữa tinh thần chịu khó học hỏi, kiên trì khởi nghiệp mới đi đến thành công.

Thông tin từ NHCSXH tỉnh, hiện nay, đơn vị thực hiện ký kết các văn bản liên tịch với hội, đoàn thể cấp tỉnh; NHCSXH cấp huyện ký văn bản liên tịch với 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện và hợp đồng ủy thác với các hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã. Theo đó, đến nay, tổng dư nợ cho vay ủy thác thông qua các hội, đoàn thể đạt trên 2.985 tỷ đồng, trong đó Đoàn Thanh niên quản lý 330 tỷ đồng. Qua đó, giúp các hội viên, đoàn viên thanh niên vay vốn phục vụ SXKD, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời, nâng cao chất lượng, củng cố, phát triển tổ chức Đoàn; làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên khu vực nông thôn.

Hiện nay, các mẫu biểu theo dõi vốn ủy thác cho đoàn viên thanh niên được triển khai, thực hiện trên toàn tỉnh một cách thống nhất, ổn định, đơn giản, dễ thực hiện và không chiếm nhiều thời gian của các hội, đoàn thể. Ngoài ra, hội, đoàn thể và NHCSXH các cấp còn họp giao ban định kỳ 3 tháng/lần đối với cấp tỉnh, 2 tháng/lần đối với cấp huyện và 1 tháng/lần đối với cấp xã. Nội dung các phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất giải pháp thực hiện kỳ tiếp theo nhằm phối hợp thực hiện hoàn thành nhiệm vụ.

“Để đầu ra hàng hóa nông sản ổn định, thanh niên cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang nhu cầu thị trường, bán những gì thị trường cần, không bán những gì mình có; tăng cường sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa. Đặc biệt, sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn an toàn, cao hơn là đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; sản phẩm có bao bì, nhãn mác, có thể truy xuất nguồn gốc; có đầu mối giao nhận, có thể cung cấp số lượng, chất lượng hàng hóa theo yêu cầu. Khi sản phẩm bảo đảm các tiêu chí trên, các doanh nghiệp, hợp tác xã thanh niên cần kịp thời thông tin về sở (mặt hàng, số lượng, khả năng cung ứng, thông tin liên hệ, nhu cầu kết nối,…) để làm cầu nối kết nối tiêu thụ, thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu, tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước, cung cấp thông tin lên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh www.tradelongan.com; kết nối mở gian hàng trên các trang bán hàng online: Lazada.vn, sendo.vn,…”, Giám đốc Sở Công Thương Lê Minh Đức cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở NNo&PTNT Đinh Thị Phương Khanh, hiện nay, Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC được thực hiện ở 78/192 xã, phường, thị trấn, 12/15 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo tập trung xây dựng 16 hợp tác xã điểm ƯDCNC, phấn đấu đến năm 2019, mỗi huyện, thị xã, thành phố trong vùng chương trình có 1 HTX điểm với quy trình, cách làm cụ thể, được chuẩn hóa để người dân dễ thấy và dễ làm theo. Đối với những cây trồng, vật nuôi không nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh, tùy từng nội dung, cơ chế hỗ trợ khác nhau: Đào tạo, tập huấn khi tham gia cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao KHKT từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngành,…

Theo Phong Nhã Báo Long An

Các tin bài khác