Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 1: “Giấc mơ có thật” ở Quảng Nam)
Mấy năm “chờ” vốn
Đưa chúng tôi tới thăm nhà anh Trịnh Văn Kiên, chị Tống Thị Thảo Ngọc ở đường Trần Văn Ơn, khối 5, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, ông Nguyễn Thọ Pha - Chủ tịch UBND phường khoe: “Nhà này vừa tân gia hôm qua đấy”.
Trong ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, ít đồ đạc nhưng ngập tràn hạnh phúc, thân phụ của anh Kiên mới từ Bắc vào thăm con nhân dịp có nhà mới không giấu nổi niềm vui: “Các cụ ta bảo, đàn ông có ba việc lớn: Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, Kiên đã nhập ngũ hai chục năm nay, vợ chồng các cháu sống với nhau 18 năm nay, con cái cũng đều sắp lớn cả, giờ có căn nhà mới của riêng các cháu, bố mẹ già chúng tôi ngoài quê cũng an lòng”.
Anh Kiên và chị Ngọc cũng vui quýnh lên, đi ra vào trò chuyện với khách. 18 năm nay, từ khi cưới nhau, vợ chồng anh chị ở chung với các anh chị em trong một căn nhà nhỏ do bố mẹ chị Ngọc để lại. Là lính Biên phòng, quanh năm xa nhà, hết đi đồn núi lại xuống đồn biển, mới về công tác ở đơn vị đóng ở thành phố, gần vợ gần con hơn, anh Kiên cũng thấm thía hơn nhu cầu về một chỗ ở chu đáo khi các con bắt đầu lớn khôn. Bao năm tích cóp, anh chị mua được mảnh đất hơn trăm mét vuông ở thành phố mới Tam Kỳ.
“Mấy năm nay, từ khi luật có quy định về cho vay mua, xây mới, sửa chữa nhà ở, vợ chồng chúng tôi trông ngóng lắm. Chúng tôi đọc báo, xem ti vi, lên mạng tìm hiểu. Đầu tháng 5 vừa rồi, chúng tôi khởi công nhà, bắt đầu sử dụng số tiền tiết kiệm và mượn của bà con. Vừa khởi công được ít ngày thì được tin Chính phủ có vốn cho vay, chúng tôi chạy ngay ra phường hỏi thủ tục rồi về cùng với Tổ tiết kiệm và vay vốn chuẩn bị hồ sơ vay vốn”, anh Kiên kể.
“Anh Kiên ra UBND phường, gặp tôi, hỏi: Anh ơi em phải làm sao? Hộ khẩu của em ở đơn vị theo quy định của Quân đội mà thủ tục vay vốn Chương trình nhà ở xã hội qua NHCSXH lại yêu cầu vợ chồng phải cùng hộ khẩu tại địa chỉ xây nhà”, Chủ tịch Nguyễn Thọ Pha kể - Thế là chúng tôi hỏi các cơ quan chuyên môn về hộ khẩu rồi cùng anh Kiên tìm ra giải pháp phù hợp với quy định pháp luật để anh chị có thể hoàn thiện hồ sơ vay vốn chính sách chương trình cho vay nhà ở xã hội”.
Giờ đây, việc lớn thứ ba trong đời theo quan niệm của người xưa đã được anh Kiên thực hiện trọn vẹn, với sự hỗ trợ một phần từ 400 triệu đồng vay ưu đãi qua NHCSXH. Có ngôi nhà khang trang, chị Ngọc yên tâm quay lại nghề dạy học, áp lực trả nợ không quá lớn phần nào tạo động lực cho gia đình anh chị tiếp tục những mục tiêu lớn hơn trong đời.
Ở một góc khác của thành phố Tam Kỳ, tại khu phố Mới, phường Tân Thạnh, gia đình ông Trương Văn Ngô và bà Trần Thị Thu Thủy đang bận rộn hoàn thiện căn nhà mới. Ông Ngô công tác ở Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Tam Kỳ “quản lý quỹ đất của cả thành phố đấy nhưng hai vợ chồng được đền bù giải phóng mặt bằng lô đất nho nhỏ này mãi chưa xây được nhà vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn”.
Ông Ngô cũng biết đến chính sách cho vay nhà ở xã hội, suốt mấy năm nay “canh từng diễn biến nhỏ, chờ trông ngày Nhà nước có tiền cho chúng tôi vay”. Nay, với 400 triệu đồng vay được từ chương trình, gia đình ông bà có cơ hội xây được một ngôi nhà đẹp đẽ đàng hoàng, để “Tết này cả gia đình được ở nhà mới”.
Về việc triển khai cho vay Chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Nguyễn Thọ Pha - Chủ tịch UBND phường An Sơn kể: Khi tỉnh phân khai vốn, nhiều hộ dân đã nộp đơn xin vay chương trình này. Rà soát từ Tổ tiết kiệm và vay vốn, rồi lên phường, “so bó đũa chọn cột cờ”, đợt đầu chỉ 2 hộ trong phường được vay, nhưng nhu cầu vay chương trình này trên địa bàn phường còn rất lớn.
Thống nhất trong chỉ đạo và đồng bộ trong triển khai
Quảng Nam là một trong những địa phương thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội quyết liệt và cũng là địa phương giải ngân nhanh nhất với số tiền giải ngân Chương trình nhà ở xã hội đến thời điểm này là 37 tỷ đồng.
Chia sẻ về việc triển khai chương trình này tại buổi Tọa đàm “Cho vay mua nhà ở xã hội - hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho hay, tại Quảng Nam, nhu cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là đối với người thu nhập thấp.
“Ngay cả những đối tượng không được thụ hưởng chính sách họ cũng rất đồng tình ủng hộ bởi đối tượng được vay vốn có thể là một họ hàng nào đó trong gia đình của họ, và việc vay vốn đó có thể giải quyết chỗ ở không chỉ cho đối tượng được vay, mà cả các thành viên trong gia đình họ. Vì vậy, chính sách về cho vay nhà ở xã hội nhận được sự vào cuộc, đồng tình rất lớn từ nhân dân”, ông Phan Thái Bình nói.
Theo ông Bình, đối với chính sách cho vay nhà ở xã hội, Quảng Nam đã có sự chuẩn bị cho vay ngay từ khi chính sách mới được ban hành. Năm 2018, Quảng Nam được phân bổ 50 tỷ đồng nhưng trong một thời gian rất ngắn, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, các sở, ngành, hội đoàn thể, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của người dân, đến tháng 10/2018, Quảng Nam đã giải ngân được 37 tỷ đồng Chương trình cho vay nhà ở xã hội.
“Như vậy, từ nay đến cuối năm chỉ còn phải giải ngân 13 tỷ đồng. Tôi cho rằng, với đà này, chỉ trong vòng một tháng nữa là Quảng Nam có thể hoàn thành việc giải ngân số vốn được phân bổ”, ông Bình nói - “Vì sao có sự giải ngân nhanh? Là nhờ có sự chỉ đạo thống nhất và triển khai đồng bộ của các cơ quan hữu trách, cùng với nhu cầu thực sự của người dân. Khi các cấp chính quyền và người dân cùng hiểu rõ chính sách thì triển khai nhanh. Đơn cử như khi làm hồ sơ, thủ tục mà vướng ở cấp cơ sở, lúc đó chính quyền cơ sở vào cuộc sẽ giải quyết nhanh chóng”.
Qua thực tiễn thực hiện tại Quảng Nam, ông Bình cho rằng, một trong những vướng mắc hiện nay vẫn là nguồn vốn. “Qua khảo sát, đánh giá kế hoạch việc thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, Quảng Nam luôn triển khai “làm trước một bước”. Cụ thể, năm 2018 kết thúc ngân sách chính sách xong thì kế hoạch năm 2019 đã sẵn sàng.
Dự kiến ban đầu, nguồn vốn nhu cầu của năm 2018 cũng như mỗi năm Quảng Nam cần khoảng 300 tỷ đồng. Ví dụ trong năm 2018, Trung ương phân bổ cho Quảng Nam là 50 tỷ đồng, mới chỉ đáp ứng 16% nhu cầu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là năm đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình này, điều đáng ghi nhận là sự vào cuộc của các cấp, ngành cũng như sự chủ động tìm hiểu chính sách của người dân”, ông Bình cho biết.
Thứ nữa, để việc cho vay có hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ lãi suất, ông Bình cho rằng, để bảo đảm chặt chẽ, tránh việc trục lợi chính sách thì chọn đối tượng phải chính xác. Xác định được chính xác đối tượng có nghĩa là đã thẩm định được đối tượng, không để diễn ra tình trạng trục lợi, vay từ ngân hàng này rồi sang ngân hàng khác gửi.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện chính sách cho vay ưu đãi Chương trình cho vay nhà ở xã hội, thực tiễn áp dụng tại Quảng Nam cũng như nhiều địa phương cho thấy, còn không ít vướng mắc như vấn đề hộ khẩu, chứng từ, số lượng dự án nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu…
Vượt qua những “rào cản” này như thế nào để chính sách đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ, phát huy thực sự hiệu quả an sinh xã hội quan trọng của chính sách đang là một trong những vấn đề được các Sở, ngành hữu trách như Xây dựng, NHCSXH, các địa phương quan tâm, tháo gỡ, cũng được hàng triệu người thu nhập thấp ngóng trông mỗi ngày.
Bài và ảnh Hoàng Thủy
Các tin bài khác
- » Vay vốn trồng hoa kiểng, thoát nghèo sau 2 năm
- » “Khởi nghiệp” từ vốn vay ưu đãi Quỹ quốc gia việc làm
- » Tổng kết khóa đào tào cán bộ lãnh đạo chi nhánh cấp tỉnh
- » Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên thí điểm chi trả tiền DVMTR qua tài khoản NHCSXH
- » Niềm vui nhân lên từ nguồn vốn chính sách
- » Triệu Sơn phá thế thuần nông
- » Tiếp tục nghiên cứu cung cấp dịch vụ tài chính công nghệ số cho người có thu nhập thấp
- » Những “chiến sĩ ngân hàng” nơi biển trời Tổ quốc
- » Hiệu quả an sinh vững chắc của vốn chính sách tại tỉnh Đắk Nông
- » Bà Pinh làm kinh tế giỏi