Niềm vui nhân lên từ nguồn vốn chính sách

15/11/2018
(VBSP News) Từ hai chương trình cho vay là hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm được thực hiện thời gian đầu thành lập, sau 16 năm NHCSXH huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã cho vay 17 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 378 tỷ đồng, tăng 366 tỷ đồng, gấp 34 lần so với năm 2002.
Người nghèo ở Thanh Hóa đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã để nhận vốn vay

Người nghèo ở Thanh Hóa đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã để nhận vốn vay

 

16 năm qua, đồng vốn tín dụng ưu đãi đã đến tận nơi ở của các đối tượng thụ hưởng chính sách là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS Mường, Thái… và đã giúp cho nhiều gia đình ở Bá Thước thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn rộng lớn miền Tây xứ Thanh.

Giám đốc NHCSXH huyện Bá Thước, Trịnh Anh Tuấn cho biết: Để giúp người dân vay vốn thuận lợi và có nguồn vốn chủ động phát triển kinh tế, đơn vị đã tổ chức tốt việc tiếp nhận, huy động các nguồn vốn từ TW, ngân sách địa phương, tiền gửi tiết kiệm của các doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả, đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, đáng chú ý là NHCSXH huyện Bá Thước làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của ngành ngân hàng về tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Từ nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền được thực hiện chính xác, cụ thể, dễ hiểu cùng với phương thức cho vay được đổi mới, đơn giản hóa về thủ tục hồ sơ vay vốn đã giúp cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vừa có nhận thức đúng đắn, vừa dễ dàng tiếp cận với tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, phấn đấu vượt lên thoát nghèo.

Cùng với đó, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng tín dụng chính sách ở vùng cao Bá Thước được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, 9 tháng năm 2018, NHCSXH huyện đã đôn đốc thu hồi nợ quá hạn được 40 triệu đồng. Do đó, số nợ khoanh giảm 269 triệu đồng so với đầu năm và tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ còn chiếm 0,1% tổng dư nợ. Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng luôn được củng cố, sắp xếp lại hiệu quả, với 349/350 tổ xếp loại tốt, khá (duy nhất có 01 tổ xếp loại trung bình); các mô hình sử dụng vốn vay ưu đãi kết hợp với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất có hiệu quả kinh tế cũng được tổng kết, nhân rộng trong toàn huyện.

Tiêu biểu có xã Thiết Ống, huyện Bá Thước với 19 thôn, bản mấy năm qua được nguồn vốn ưu đãi làm “bà đỡ” đã thực hiện 4 mô hình nuôi dê, thỏ và 5 mô hình nuôi bò sinh sản đạt thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Năm 2018, NHCSXH tiếp tục đầu tư nhân rộng 6 mô hình giảm nghèo gồm 2 mô hình chăn nuôi tổng hợp và 4 mô hình trồng bưởi da xanh với 84 hộ gia đình tham gia 30 tỷ đồng vốn ưu đãi đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 29,7% năm 2012 xuống còn 10,8% năm 2017, trong đó 12/19 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, toàn xã Thiết Ống phấn đấu cuối năm 2018 được xếp trong tốp đầu về thành tích giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Bá Thước.

Đến thăm hộ gia đình vay vốn ưu đãi Phạm Bá Hoan, người dân tộc Mường ở thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống chúng tôi vui mừng nhận thấy khung cảnh vườn đồi, vườn rừng xanh. Trong ngôi nhà sàn mới dựng, ông Hoan kể cách đây không lâu gia cảnh còn túng thiếu, chỗ ở xập xệ, dột nát. Từ nguồn vốn vay hộ nghèo 8 năm trước với 20 triệu đồng và các đợt vay tiếp theo số tiền nhiều hơn dành cho những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và hộ cận nghèo, gia đình đã đầu tư công sức, tính toán hợp lý sử dụng tiền vay, áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để làm kinh tế trang trại tổng hợp. Nhờ sự kiên trì sản xuất, ngày nay gia đình ông Hoan đã có một cơ ngơi khá đồ sộ trên tổng diện tích 3.500m2. Ngoài rừng keo, 2ha luồng, gia đình còn thâm canh vườn cây ăn quả với 150 gốc bưởi da xanh, 200 cây cam Vinh, kết hợp với chăn nuôi đàn bò 14 con, 2 dẫy chuồng xây kiên cố nuôi lợn thịt, lợn giống hàng trăm con, thu nhập bình quân khoảng 250 triệu đồng/năm.

Bấy lâu nay, người dân vùng núi cao Bá Thước có niềm vui thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Để niềm vui ấy được nhân lên, NHCSXH tập trung huy động nguồn lực, tăng trưởng dư nợ, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện lồng ghép vốn vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, tích cực đào tạo, tập huấn kỹ thuật mới về sản xuất cho người dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ưu đãi trong chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Đông Dư - Hà Giang

Các tin bài khác