“Đổi đời” từ vốn tín dụng chính sách
Chị H’Nhi Adrơng là người dân tộc Êđê ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana hồ hởi khoe, trước đây gia đình chị khó khăn lắm, thuộc diện hộ nghèo, không có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Cây cà phê trên rẫy không phát triển nổi, chỉ “được chăng hay chớ” nên “cái bụng” thường đói, nghèo khổ quanh năm.
Đến năm 2005, được tuyên truyền, vận động, gia đình mạnh dạn vay 7 triệu đồng của NHCSXH và chị đã mua ngay một con trâu đực để đi cày thuê, kéo guồng bóc tách hạt ngô cho đồng bào các dân tộc trong buôn làng. Tích cóp dần từng đồng vốn, gia đình không những mua được vật tư, phân bón chăm sóc vườn cà phê lên xanh tốt mà đến năm 2008 đã trả hết nợ vay cũ. Gia đình chị tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay vốn để đầu tư thâm canh cây cà phê, lúa nước, ngô lai… Năm 2014, gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ vườn cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi.
Hiện nay, gia đình chị H’Nhi Adrơng có trên 1,4ha cà phê, 50 trụ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, 1,1ha ruộng nước, 6 sào rẫy khác trồng hoa màu, chăn nuôi thêm bò, lợn… Mỗi năm, thu nhập từ 140 triệu đồng trở lên đã giúp gia đình chị H’Nhi Adrơng có “của ăn, của để”, đầu tư xây dựng lại ngôi nhà sàn, mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống như máy cày tay, bơm nước, xe máy, ti vi, tủ lạnh; có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học…
Các gia đình chị H’Wen Ktla, anh Y Đuan ở buôn Chóa, xã Ea Na hay gia đình anh Y Gim Byă ở buôn Căm; chị H’Yuôr thị trấn Buôn Trấp… cùng nhiều hộ khác cũng “đổi đời” từ nguồn vốn vay của NHCSXH.
Nguồn vốn này giúp đồng bào đầu tư thâm canh mở rộng diện tích cà phê, ngô lai, phát triển chăn nuôi lợn, bò… Các hộ không những trả nợ đúng kỳ hạn, thoát được nghèo mà còn khấm khá, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Có của ăn của để, đồng bào tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có (nhường nguồn vốn ưu đãi để đồng bào nghèo, cận nghèo khác vay) để đầu tư phát triển sản xuất, giúp vốn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hộ gia đình khác trong buôn, trong thôn vươn lên thoát nghèo…
NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Phòng giao dịch trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tại Điểm giao dịch xã; đồng thời, giảm thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn dễ dàng, thuận tiện.
Đặc biệt, NHCSXH tỉnh đã duy trì tốt hoạt động tại hàng trăm Điểm giao dịch xã, thị trấn; thực hiện giao dịch cố định vào các ngày trong tháng ngay tại cơ sở. Tại mỗi Điểm giao dịch xã đều công khai bảng biểu về chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay; công khai dư nợ và các văn bản mới liên quan đến tín dụng chính sách… Từng Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH tỉnh cũng hoạt động hiệu quả nên tỷ lệ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi tại các Điểm giao dịch luôn đạt từ 90% trở lên.
Doanh số cho vay trong 5 tháng đầu năm 2017 của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đạt gần 632 tỷ đồng với 26.493 hộ được vay vốn, đạt trên 99,5% kế hoạch dư nợ, tăng trưởng 4,4%. Theo kế hoạch, năm 2017, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk tập trung tăng trưởng dư nợ từ 10% trở lên, chủ yếu cho vay tại các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Quang Huy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng vốn nặng tình đồng đội
- » “Ba cây chụm lại...”
- » Xín Mần phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Giúp nhà nông “luyện chiêu” tích tiểu thành đại
- » Tiếp sức để vườn cây ăn trái vượt hạn, mặn
- » Hiệu quả của tín dụng chính sách ở Cẩm Khê
- » Đồng hành cùng người hoàn lương
- » Địa chỉ tin cậy của người nghèo
- » NHCSXH tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thi: “Nghiệp vụ giỏi tín dụng chính sách xã hội”
- » Hân hoan miền trung du Yên Thế