Hân hoan miền trung du Yên Thế
Lãnh đạo NHCSXH huyện Yên Thế cho biết: Năm 2016, đơn vị được giao tăng nguồn vốn hoạt động trên 22 tỷ đồng và địa phương cũng chuyển 1,4 tỷ đồng vốn ngân sách để bổ sung cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Để chuyển tải nhanh toàn bộ nguồn vốn chính sách đến đúng địa chỉ đối tượng được thụ hưởng, NHCSXH huyện Yên Thế đã phối hợp với chính quyền cơ sở và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách, duy trì hoạt động ở các Điểm giao dịch, đồng thời coi trọng việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hiện 100% số Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại khá và tốt, đạt mức dư nợ bình quân mỗi tổ từ 1,6 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể chuyên trách làm công tác ủy thác vay vốn chính sách và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đều có tinh thần trách nhiệm, quản lý và thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ ngân hàng, thực hiện ghi chép sổ sách rõ ràng, chính xác, họp bình xét công khai, dân chủ và hướng dẫn đôn đốc hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, nêu cao ý thức tự giác trong trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn.
Tiêu biểu ở xã Đồng Kỳ có Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô trong nhiều năm liền đóng vai trò “cầu nối” giữa ngân hàng với người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài nhiệm vụ bình xét hộ vay vốn, hướng dẫn người vay hoàn thiện hỗ trợ vay vốn, Tổ tiết kiệm và vay vốn còn là nơi để các thành viên học tập trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cũng như chia sẻ thắc mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng vốn để tổ ghi nhận rồi phối hợp với trưởng thôn, chi hội trưởng và NHCSXH tìm cách tháo gỡ, giải quyết. Cùng với đó, tổ đã tạo điều kiện cho các thành viên trả nợ gốc, nộp lãi đúng kỳ hạn bằng cách thông báo trước tới từng hộ vay vốn chủ động chuẩn bị tiền nộp trước ngày quy định. Nhờ vậy, suốt 5 năm liền, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Đơn cử gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, nhờ tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được vay vốn chính sách phát triển kinh tế và áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi gà đồi, bò sinh sản, tận dụng diện tích ruộng đất sẵn có luân canh gối vụ lúa, củ đậu, khoai tây… Vừa qua, gia đình ông đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, lại còn xây dựng được căn nhà 3 gian vững chắc.
Gia đình chị Hoàng Thị Hòa, người dân tộc Cao Lan, cùng ở xã Đồng Kỳ là một ví dụ điển hình về sự “hồi sinh” của giống cam ngọt Bố Hạ. Chỉ khoảng 7 năm trước thôi do cuộc sống gia đình quá khó khăn, chị để 2 đứa con nhỏ ở nhà đi làm ăn xa. Lăn lộn buôn bán ở chợ biên giới Lạng Sơn rồi dạt cả sang Quảng Ninh buôn đồng nát. Cuộc sống bươn chải vất vả mà cũng chẳng kiếm được là bao đã đưa bước chân chị trở về quê. Thật may đúng lúc đó xã có chủ trương đẩy mạnh phát triển cây ăn quả. Cũng như nhiều hộ nghèo khác, gia đình chị được vay vốn chính sách và hỗ trợ giống cam mới để trồng thay thế giống cũ và theo học khóa tập huấn hướng dẫn trồng, chăm sóc cam sạch, an toàn theo quy trình VIET GAP do trung tâm khuyến nông huyện tổ chức. Sau một thời gian chăm chỉ lao động giờ đây diện tích trồng cam sạch của gia đình chị Hòa mở rộng tới 2ha và mang lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ Nguyễn Hữu Khải, công tác giảm nghèo đã được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và bà con trong xã tích cực thực hiện, đặc biệt cùng với sự tập trung phát huy lội lực và hiệu quả hoạt động của các cấp các ngành, mỗi năm xã Đồng Kỳ có hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách để đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chăm lo học hành cho con em… Gần 20 tỷ đồng vốn chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 108 hộ, chiếm 8,4% và 191 hộ cận nghèo, chiếm 5,7% tổng số hộ trong toàn xã.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH VÙNG TÂY NAM BỘ: “Xé rào” đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo
- » “Bảo bối” thoát nghèo của người Khmer
- » Nâng cao chất lượng tín dụng - Thay đổi từ nhận thức
- » NHCSXH làm việc với Nhóm đánh giá độc lập của Ngân hàng Thế giới về dự án phát triển Ngành lâm nghiệp
- » Chất lượng tín dụng NHCSXH thị xã Kỳ Anh: Vững như “kiềng 3 chân”
- » Dân bản Hát Lếch thoát nghèo nhờ nuôi gia súc
- » Bảo đảm nước sinh hoạt của người dân trong mùa khô
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách nơi xứ dừa
- » Gia Lâm tiếp sức ngành nghề
- » Thành công từ sự đồng thuận