Dân bản Hát Lếch thoát nghèo nhờ nuôi gia súc

26/05/2017
(VBSP News) Những năm gần đây, thu nhập, mức sống của bà con dân tộc Thái ở bản Hát Lếch, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) không ngừng được nâng lên từ chăn nuôi trâu, bò, dê... Nhiều hộ đã thoát được nghèo từ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi gia súc...
Nuôi trâu, bò, dê là mô hình thoát nghèo phù hợp với điều kiện của mỗi hộ dân bản Hát Lếch

Nuôi trâu, bò, dê là mô hình thoát nghèo phù hợp với điều kiện của mỗi hộ dân bản Hát Lếch

Chọn gia súc làm con nuôi chính

Trên đường vào bản Hát Lếch, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp những đàn trâu, bò, dê… có tới cả trăm con đang được dân trong bản lùa đi chăn thả. Ông Hoàng Văn Hỏa - Bí thư chi bộ bản Hát Lếch cho biết: “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, cách đây 12 năm, người dân bản Hát Lếch đã di chuyển đến bản này, dành mảnh đất quê cũ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Sau 12 năm đến nơi ở mới, cả bản đã có 52 hộ, 249 nhân khẩu.

Nhờ có những thuận lợi về cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư, bà con tích cực tăng gia lao động sản xuất, đẩy mạnh thâm canh cây lương thực kết hợp với chăn nuôi. Do diện tích đất canh tác hạn chế nên chi bộ bản đã vận động bà con tăng cường phát triển đàn gia súc như trâu, bò, dê…”.

Theo ông Hỏa, ban đầu, việc vận động bà con mua trâu, bò, dê về nuôi gặp nhiều khó khăn. Chi bộ bản đã chỉ đạo các gia đình đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Dần dần thấy hiệu quả, nhiều hộ khác đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gia súc. Hiện nay, cả bản có gần 50 con trâu, 100 bò, trên 200 con dê và nhiều gia súc, gia cầm khác. Có nhiều gia đình nuôi từ 4 đến 5 con trâu bò và hàng trăm con dê, ngựa…

Được vốn ưu đãi “trợ lực”

Ông Hoàng Văn Ơn, 1 người dân bản Hát Lếch cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện đói nghèo của bản. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2009, gia đình tôi đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư mua 2 con bò sinh sản, 10 con dê về nuôi. Mới đầu chưa quen nên nuôi cũng thấy lo. Nhưng khi đàn vật nuôi phát triển tốt, ít bệnh tật, các thành viên trong gia đình ai cũng phấn khởi. Hiện nay, gia đình tôi có 10 con bò, trên 20 con dê, mỗi năm xuất bán ra thị trường, thu từ 40 - 50 triệu đồng.

Cũng giống như gia đình ông Ơn, nhà anh Lò Văn Lả cũng thoát nghèo từ việc sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư nuôi trâu bò. Anh Lả cho biết: “Tôi cũng vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để chăn nuôi gia súc. Nuôi trâu, bò, dê rất dễ bán, giá lại ổn định ở mức khá cao. Trung bình 1 con bò 1 năm tuổi bán giá từ 10 đến 15 triệu đồng, trâu từ 15 đến 20 triệu đồng/con, dê từ 1 đến 2 triệu đồng/con. Nhà nào có đàn gia súc là thấy có người đến hỏi mua, nên trong bản ai cũng đầu tư chăn nuôi…”.

Cũng theo anh Lả thì không chỉ riêng gia đình anh mà còn có hàng chục hộ trong bản Hát Lếch được vay vốn NHCSXH để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; cho con em đi học nghề, cao đẳng, đại học; xóa nhà tạm… “Ngân hàng cho vay vốn, và còn phối hợp tập huấn khuyến nông, tư vấn cho chúng tôi về phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cách nhận biết các loại dịch bệnh thường xuất hiện ở gia súc, gia cầm. Nhờ thế mà bản đã đẩy lùi được cái đói, cái nghèo…”.

Ở Hát Lếch, nhờ có sự hỗ trợ của vốn vay ưu đãi mà nhiều hộ đang từng bước vươn lên làm giàu. Số hộ nghèo của bản hiện giảm xuống chỉ còn 5 hộ. Sắp tới, dân Hát Lếch sẽ được tập huấn, hướng dẫn trồng cỏ phục vụ chăn nuôi…

Bài và ảnh Công Định

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác