Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách nơi xứ dừa

24/05/2017
(VBSP News) Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Bến Tre được cho vay đúng đối tượng, đúng dự án sinh kế và được theo dõi, quản lý chặt chẽ của các tổ chức hội, đoàn thể, Trưởng ấp và Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nguồn vốn cho vay nước sạch giúp gia đình ông Bùi Văn Liêm ở ấp Thạch Lợi, xã Bình Thạnh, huyện Thạch Phú nâng cao chất lượng cuộc sống

Nguồn vốn cho vay nước sạch giúp gia đình ông Bùi Văn Liêm ở ấp Thạch Lợi, xã Bình Thạnh, huyện Thạch Phú nâng cao chất lượng cuộc sống

Khi người dân được vay vốn

Triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, sau 5 năm nguồn vốn của NHCSXH đầu tư vào Bến Tre nhiều hơn và song hành với đó là chất lượng được nâng lên rõ rệt. Chính vì vậy, trong chuyến về miền Tây lần này chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi bên cạnh những vườn dừa - một cây đặc sản ở Bến Tre, là những mô hình trồng trọt chăn nuôi hiệu quả nhờ tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi.

Là một trong những thanh niên điển hình của địa phương, anh Nguyễn Thanh Hiệp ở ấp Thạch Quý A, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú đã nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn chính sách để phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả.

Anh Hiệp cho biết, cách đây gần 3 năm, qua các phương tiện truyền thông anh biết đến NHCSXH đang cho vay các chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, trong đó có chương trình giải quyết việc làm. Với khao khát muốn phát triển sản xuất ngay tại quê hương mình nên anh Hiệp đã mạnh dạn vay vốn tại NHCSXH. Cầm 20 triệu đồng vay cùng với chút vốn liếng gia đình cho, anh Hiệp mua một cặp bò sinh sản về nuôi và mua cá giống về thả ao.

“Lúc đầu tôi cũng chỉ có vài con bò và nuôi thí điểm ít cá. Sau thấy thuận buồm xuôi gió mới tiếp tục mở rộng thêm”, anh Hiệp chia sẻ. Đến nay, đàn bò của anh Hiệp đã có tới 7 con. Cứ khoảng 6 tháng anh lại xuất chuồng một vài con bò thịt, sau đó lại mua bê về nuôi bổ sung. Thu nhập từ bò và ao cá mỗi tháng cũng khoảng 7 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi của anh Hiệp được các đoàn viên thanh niên trong xã đến học hỏi kinh nghiệm.

Chăn nuôi bò là một trong những mô hình hiệu quả ở huyện Thạnh Phú

Chăn nuôi bò là một trong những mô hình hiệu quả ở huyện Thạnh Phú

Cũng ở xã Bình Thạnh, hộ ông Bùi Văn Liêm ở ấp Thạch Lợi lại được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để xây dựng công trình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và tưới cây, rau màu. Ông Liêm cho biết, trước đây gia đình phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, nhưng từ khi được vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gia đình đã xây được bể nước, hệ thống lọc để có nước sạch sử dụng. Ngoài ra, ông còn xây dựng được hệ thống tưới tiêu nước để trồng cây ăn trái và vườn rau “tự cung tự cấp” trong gia đình.

Ông Huỳnh Hiếu Trung - Giám đốc NHCSXH huyện Thạch Phú cho biết, hiện nay, tại địa bàn có tổng số 36.585 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 14,52%, hộ cận nghèo 5,48%. Đa số người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi, xây dựng các công trình nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phối hợp chặt chẽ trong triển khai cho vay

Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt hơn 2.016 tỷ đồng với 135.206 hộ vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách được bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi trên địa bàn. Trong giai đoạn 2012 - 2016, NHCSXH tỉnh Bến Tre đã cho 65.048 người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Nguồn vốn ưu đãi cũng đã giúp cho 26.397 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; 4.303 hộ mới thoát nghèo vay vốn tiếp tục SXKD, giải quyết tốt tình trạng tái nghèo; tạo việc làm ổn định cho 9.691 lao động; 21.778 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng 91.632 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Để đạt được hiệu quả về tín dụng chính sách, phải nói rằng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đóng vai trò rất quan trọng. Ông Lê Văn Khuyên - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bến Tre cho biết, từ khi thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức hội và UBND cấp xã gắn tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư và chuyển giao công nghệ.

Người nghèo và các đối tượng chính sách được tập huấn, hỗ trợ xây dựng dự án làm ăn để thoát nghèo bền vững. Đối với các xã xây dựng nông thôn mới, chi nhánh tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT các cấp ưu tiên phân bổ nguồn vốn để thực hiện tốt các tiêu chí.

Đặc biệt, khi thực hiện Đề án đa dạng sinh kế và chương trình khởi nghiệp thoát nghèo bền vững, chi nhánh phối hợp với Sở LĐTB&XH cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, đúng dự án và được theo dõi, quản lý chặt chẽ của Trưởng ấp và Ban giảm nghèo.

“NHCSXH tỉnh Bến Tre cũng đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, ông Lê Văn Khuyên nhấn mạnh và cho rằng, chính nhờ có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp ủy, chính quyền nên NHCSXH thực hiện tốt kế hoạch tín dụng, huy động vốn được giao.

Đặc biệt, các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao đến cấp ấp, được bình xét cho vay, giải ngân kịp thời, đúng đối tượng; Tổ chức tốt việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Các địa phương, cấp hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ nợ quá hạn từ 1% trở lên phải xây dựng và thực hiện hiệu quả phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

Vì thế, chất lượng tín dụng từng bước đi vào ổn định, bền vững. Tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, kiện toàn; thực hiện tốt các công việc được ủy nhiệm; duy trì sinh hoạt tổ định kỳ, bình xét cho vay công khai, dân chủ và chỉ xét cho vay khi người vay có dự án khả thi, có thiện chí trả nợ, đôn đốc hộ vay trả nợ đúng hạn, gửi tiết kiệm theo quy ước tổ.

Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá chiếm tỷ lệ 96,78%. Các Điểm giao dịch xã hoạt động theo đúng quy chế, các hạn chế trong hoạt động tín dụng chính sách được giải quyết kịp thời.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nguồn vốn ngân sách của tỉnh Bến Tre đã được chuyển sang ủy thác cho NHCSXH giải ngân đến tháng 4/2017 là trên 16,4 tỷ đồng, giúp nhiều người nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Bài và ảnh Trang Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác