Dòng vốn chính sách nở hoa phượng đỏ
Gia đình anh Lê Quốc Thảo ở thôn 4, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, với 25 triệu đồng được vay từ chương trình giải quyết việc làm, cùng vốn của gia đình, đã mạnh dạn cải tạo hơn 3 sào ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và ao nuôi cá. Sau 3 năm, giờ khu vườn nhà anh đã như một trang trại với nhiều cây ăn quả đặc sản cho giá trị kinh tế cao, mỗi năm thu lãi cả trăm triệu đồng.
Khởi nguồn từ 50 triệu đồng, gia đình anh Nguyễn Văn Chinh ở thôn Đông, xã Lê Lợi, huyện An Dương lúc đầu mua 2 con hươu, vài tổ ong lấy mật. Nhờ chịu khó học hỏi kiến thức, hươu nhà anh phát triển tốt, anh trả nợ đúng hạn rồi được ngân hàng cho vay tiếp. Có vốn, anh lại tái đầu tư vào hươu, hiện đàn hươu nhà anh đã có 30 con, 200 đàn ong trị giá tiền tỷ. Gia đình anh được chính quyền và ngân hàng đánh giá là hộ vay sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. Anh Chinh cho biết: “Chúng tôi cảm ơn nguồn vốn ưu đãi, nó thực sự là khởi nguồn cho kinh tế gia đình tôi”.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Lan ở thôn 9, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Năm 2014, gia đình chị được vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chuồng trại nuôi lợn. Từ những lứa lợn ấy, gia đình từng bước bớt khó khăn. Sau 3 năm, chỉ còn một kỳ nữa là chị trả đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Chị Lan xúc động kể: “Gia đình mới ra ở riêng, lại gặp vô vàn khó khăn bởi không có nhiều ruộng để sản xuất, đất ruộng cũng cằn cỗi nên năng suất cây trồng chẳng là bao. Được vay 25 triệu đồng, lại được tư vấn để chăn nuôi lợn, gia đình tôi rất vui và cám ơn ngân hàng rất nhiều”.
Về huyện đảo Cát Hải, chúng tôi đến Điểm giao dịch xã Văn Phong. Hôm đó là thứ Bẩy nhưng theo lịch đã đăng ký, bà con vẫn đến giao dịch đông đủ, người trả lãi, người vay tấp nập. Ở đây nhiều xã có đến 80% hộ dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản, để có phương tiện, ngư cụ tốt, họ cần khá nhiều vốn. Chị Nguyễn Thị Thanh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ xã Văn Phong cho biết: “Tổ của chị có 47 hội viên, dư nợ hơn 1,3 tỷ đồng. Vì ít đất canh tác nên hộ vay trong tổ đa phần đầu tư vào đánh bắt thủy sản, một số ít cải tạo ao, hồ nuôi cá, tôm. Đồng vốn tuy còn nhỏ nhưng đã giúp nhiều hộ có cơ hội lớn để vươn lên”. Điển hình, gia đình anh Nguyễn Cảnh Chung ở xóm Đình, xã Hoàng Châu được vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo đã cải tạo hàng ngàn mét vuông ao nuôi tôm, cá quảng canh, đem lại hiệu quả cao.
Đến gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng cùng ở xã Hoàng Châu đúng lúc hai vợ chồng anh đang miệt mài vá lại những tấm lưới để chuẩn bị cho chuyến đi đánh bắt xa bờ cả tuần. Anh Hùng tâm sự: “Gia đình được vay từ chương trình hộ nghèo, đầu tư mua ngư cụ để đánh bắt hai sản, vốn này đã giúp gia đình nhiều lắm. Hiện chúng tôi đã trả hết gốc, lãi vay cho ngân hàng. Bây giờ cơ bản không còn nghèo, nhưng thực tế gia cảnh còn khó khăn, muốn có thêm vốn để mua sắm ngư cụ loại tốt đánh bắt dễ dàng hơn”.
Nhìn lại từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn TP Hải Phòng đã có hơn 8.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay ưu đãi, giúp 3.398 hộ xây dựng 6.796 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; hơn 300 hộ vay duy trì và tạo việc làm ổn định; hàng ngàn mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vay ưu đãi. Đó không những là thành quả, mà còn là niềm tự hào của những cán bộ tín dụng chính sách nơi đây.
Giám đốc NHCSXH TP Hải Phòng Nguyễn Ngọc Sơn tâm sự: “Sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã nâng cao hiệu quả và chất lượng tín dụng chính sách. Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức được quyền lợi cũng như trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn; thực hiện giám sát hộ vay cũng như Tổ tiết kiệm và vay vốn, việc thực hiện ủy thác của các hội, đoàn thể… Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của chi nhánh nhằm đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước với các đối tượng chính sách”.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách trên vùng miền núi dân tộc Yên Lập
- » Vĩnh Linh giảm nghèo nhanh, bền vững
- » Đồng hành với người hoàn lương
- » Tiền Giang nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Người trẻ về quê làm giàu sau sự cố môi trường
- » Huy động tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã
- » Góp phần bảo đảm an sinh xã hội
- » Hiệu quả từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Thắp sáng ước mơ tự tin vững bước tương lai
- » Trao “cần câu”, xoay chuyển nhận thức