Vốn chính sách trên vùng miền núi dân tộc Yên Lập

12/05/2017
(VBSP News) Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp đồng bào miền núi giảm nghèo, từng bước hoà nhập tiến kịp với miền xuôi. Cùng với các Chương trình 135, 134, định canh định cư, tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện thể hiện rõ là công cụ đắc lực, hiệu quả trong giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi dân tộc tỉnh Phú Thọ.
Năm 2009, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ ở thôn Đình, xã Thượng Long được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng nuôi gà và mua máy xay xát, kinh tế gia đình từ chỗ thiếu trước, hụt sau, đến nay mỗi năm trừ chi phí, gia đình cũng thu được 150 triệu đồng

Năm 2009, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ ở thôn Đình, xã Thượng Long được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng nuôi gà và mua máy xay xát, kinh tế gia đình từ chỗ thiếu trước, hụt sau, đến nay mỗi năm trừ chi phí, gia đình cũng thu được 150 triệu đồng

Vào những ngày này, chúng tôi đến thăm Thượng Long - xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập, cách thành phố Việt Trì 80 cây số đường xuyên rừng, đèo dốc quanh co. Tay bắt mặt mừng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kim Thành sôi nổi nói chuyện với khách: Mấy năm gần đây, nhờ nguồn vốn ưu đãi, xã nghèo Thượng Long đã chuyển đổi mạnh các loại cây trồng, vật nuôi, đạt giá trị kinh tế hàng hóa cao; cụ thể là gần 1.000 hộ đồng bào dân tộc Mường, Dao ở 14 thôn trong xã đã sử dụng 27 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư trồng 718ha ngô lai, thâm canh trên 400ha chè theo công nghệ Viet Gap, phát triển đàn trâu bò lên 1.088 con. Cho dù một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như đường đi lối lại chưa thật nhẵn, rộng rãi, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn còn ít nhưng cảnh lầy lội ngày mưa, bụi bận ngày nắng cũng như tệ nạn du canh du cư, đốt phá rừng bừa bãi đã lùi vào dĩ vãng. Đồng bào ai cũng phấn chấn, mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay tập trung đầu tư cho sản xuất, cải thiện cuộc sống, chăm chút việc học tập của con em mình.

Còn khi đến xã Hưng Long, gặp Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Hữu Tuấn, câu chuyện của chúng tôi rôm rả xoay quanh chủ đề tác động của nguồn vốn ưu đãi với chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện miền núi Yên Lập. Ông Tuấn hồ hởi cho biết: 9 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện triển khai cùng một số chương trình dự án khác đã tạo đà để xã nghèo Hưng Long có thêm sức mạnh mới bứt phá trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhờ đó, các giống cây trồng trước đây có năng suất thấp nay đã là cây trồng chủ lực của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao như cây ngô, cây chè. Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết đang đặt ra ở vùng dân tộc miền núi, nhất là hỗ trợ cho xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào tháng 11/2016.

Qua 2 câu chuyện với đại diện chính quyền, đoàn thể cấp xã ở vùng miền núi dân tộc Yên Lập đã phản ánh mức độ ảnh hưởng của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, một chính sách chủ lực trong hệ thống chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Nhà nước ta hiện nay. Hiện NHCSXH huyện Yên Lập đang cho vay trên 324 tỷ đồng với 11 chương trình tín dụng ưu đãi cho khoảng 12 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trải rộng khắp thôn, bản, khu dân cư trên địa bàn.

Để sử dụng nguồn vốn ưu đãi đạt hiệu quả cao, cán bộ tín dụng chính sách cùng cán bộ các cấp hội từ huyện đến cơ sở ở vùng miền núi dân tộc Yên Lập đã phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ các giống cây, con năng suất chất lượng thấp sang trồng trọt, chăn nuôi các loại giống mới có năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Xây dựng các mô hình sản xuất như giống ngô, lúa lai mới, trâu bò sinh sản theo quy mô trang trại, mô hình trồng và chế biến thức ăn gia súc. Qua thực tế cho thấy, từ những chủ trương, cách thức tổ chức cụ thể tại cơ sở, nhất là việc giúp hội viên tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nhiều năm trở lại đây, phong trào nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển.

Tiêu biểu là các hội, đoàn thể ở xã Thượng Long đã làm tốt công tác nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi gần 20 tỷ đồng cho hơn 1.100 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời còn phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, giúp hộ vay vốn biết cách lồng ghép sử dụng vốn vay và đưa KHKT vào sản xuất. Gia đình bà Hà Thị Mức, người dân tộc Mường ở xóm Đồng Chung từ  hộ nghèo của xã đã vươn lên làm ăn khá giả nhờ 2 lần tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản và cải tạo khu đất hoang trồng mía, ngô. Hiện nhà bà Mức đang sở hữu đàn trâu, bò 8 con cùng 8 sào cỏ voi, 1,5ha mía đồi, ngô lai, đạt mức thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Cũng như bà Mức, gia đình ông Ngọc Văn Tỵ ở thôn Đình đã sử dụng 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn chăn nuôi ngan vịt, mở lò ấp gà giống… “Từ nguồn vốn ưu đãi, tôi gây dựng cơ sở chăn nuôi tổng hợp, đến nay kinh tế gia đình ổn định, thoát hẳn nghèo khó đấy”, ông Tỵ cho biết.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Yên Lập Nguyễn Xuân Thành, cũng như gia đình bà Mức, ông Tỵ, nhiều hộ dân nơi đây đã tham gia vay vốn, sử dụng vốn vay của NHCSXH đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế và trả lãi, gốc đúng hạn, do đó ngân hàng rất yên tâm xét duyệt, tạo điều kiện giúp bà con tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng với tất cả các chương trình tín dụng, đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Để tín dụng chính sách trên vùng miền núi, dân tộc phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới NHCSXH tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Yên Lập nói riêng sẽ nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng chương trình tín dụng và rà soát đối tượng có đủ điều kiện được vay vốn để cho vay, tạo cơ hội cho họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, ổn định và nâng cao cuộc sống.

Bài và ảnh Phương Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác