Làm giàu từ đồng vốn nhỏ

02/07/2016
(VBSP News) Tích cực triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, bảo đảm đưa nguồn vốn đến tận tay các đối tượng thụ hưởng, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Gia đình anh Lò Văn Ngoai ở bản Noong Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Gia đình anh Lò Văn Ngoai ở bản Noong Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Dẫn chúng tôi đi đến các hộ vay vốn ưu đãi ở xã Thanh An, một xã khó khăn của huyện Điện Biên (Điện Biên), chị Nguyễn Thị Châu - cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Điện Biên, người được giao phụ trách chuyển tải, quản lý vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã Thanh An, chia sẻ: “Kinh tế - xã hội của xã phát triển được như ngày hôm nay cũng là nhờ vốn vay chính sách. Trước kia đồng bào dân tộc tại các bản chỉ biết sống dựa vào rừng núi, kinh tế mang tính tự cấp tự túc nên cái đói cái nghèo cứ theo chân đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ khi NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, đồng bào DTTS đã có vốn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế”.

Dừng chân trước ngôi nhà sàn vừa mới dựng xong của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Tòng Văn Dũng, dân tộc Thái ở bản Phiêng Ban, xã Thanh An, chúng tôi đã nghe thấy rõ tiếng thảo luận sôi nổi của các tổ viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thấy chúng tôi tới thăm nhà, anh Dũng cho biết: “Mình làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã hơn 6 năm, hiện tại trong tổ có 49 tổ viên, dư nợ tại NHCSXH huyện Điện Biên trên 1,1 tỷ đồng. Những năm trước đây, bà con trong bản vay vốn rất ít, vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi còn gì để mang lại thu nhập, nhiều hộ vay được vốn mang về “bỏ ống tre” hàng tháng mang đi trả lãi cho ngân hàng. Cán bộ NHCSXH huyện Điện Biên cùng cán bộ xã và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay chính sách thì ngày càng có nhiều hộ vay vốn”.

Nhìn các tổ viên đang say sưa thảo luận về các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay đang đến với các bản làng ở xã Thanh An, đổi thay đến từ các chương trình tín dụng chính sách mà từng cán bộ NHCSXH huyện Điện Biên đang ngày đêm âm thầm và bằng một quyết tâm cháy bỏng để giúp bà con nơi đây thoát nghèo bền vững.

Tạm biệt xã Thanh An, chúng tôi tiếp tục hành trình đến xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo. Bà Bạc Thị Thúy - Chủ tịch UBND xã Quài Nưa tươi cười cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại xã Quài Nưa có được nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi mà nhiều hộ dân có tiền đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể, bình quân mỗi năm xã được NHCSXH phân bổ nguồn vốn ưu đãi từ 2 - 4 tỷ đồng cho bà con vay vốn để làm ăn, với số tiền đó chúng tôi đã phân bổ đồng đều cho các hộ dân có nhu cầu vay vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, chăn nuôi của bà con. Nếu không được sự hỗ trợ của vốn vay chính sách, không biết tới bao giờ các hộ đồng bào DTTS ở xã Quài Nưa mới có thể phát triển được”.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ dân vay vốn từ NHCSXH, anh Lò Văn Biến - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Noong Giáng, xã Quài Nưa cho biết: “Đối với nguồn vốn vay từ NHCSXH, căn cứ vào nhu cầu đầu tư của bà con và mục đích xin vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ tổ chức họp và bình xét một cách công khai, dân chủ, đồng thời thu thập ý kiến, nguyện vọng của dân để ưu tiên hỗ trợ theo nhu cầu thiết thực của họ. Sau đó trình lên UBND xã phê duyệt mới được vay vốn từ NHCSXH. Bởi vậy, đồng bào phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình, rất nhiều hộ đã thoát nghèo từ vốn vay NHCSXH”.

Điển hình như gia đình anh Lò Văn Ngoai ở bản Noong Giáng, xã Quài Nưa. Giống như nhiều người dân khác ở trong bản, gia đình anh quanh năm làm lụng vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cuộc sống vẫn chẳng khá hơn là bao. Năm 2009, được Hội Nông dân vận động, NHCSXH cho vay vốn, anh đã đăng ký vay 30 triệu đồng về mua trâu sinh sản và trồng cà phê, đào ao thả cá. Từ một con trâu khởi điểm, đến nay gia đình anh đã có ba con trâu, 2000m2 mặt nước nuôi cá và 2,5ha cà phê. Thu nhập từ chăn nuôi giúp gia đình anh có tích lũy để đầu tư phát triển đàn trâu, bò và đào ao thả cá. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập tới 100 triệu đồng. Không chỉ trả nợ hết ngân hàng mà gia đình anh còn có nguồn tích lũy.

Có thể khẳng định rằng, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Thông qua đó, bà con có thêm cơ hội vươn lên giảm nghèo bền vững và từng bước làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Ngọc Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác