Người đồng hành giúp dân xóa nghèo
Tổ trưởng Y Sếp Niê năm nay 41 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình dân tộc Ê Đê nghèo ở buôn KNa A, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar. Ngay từ lúc học phổ thông, anh đã ao ước được cống hiến cho quê hương, mong muốn giúp chính mảnh đất - nơi mình sinh ra được phát triển hơn, bà con buôn làng có sống cuộc sống thoát cảnh đói nghèo và ổn định hơn. Năm 1998, tốt nghiệp Khoa tài chính ngân hàng thuộc Đại học Tây Nguyên, Y Sếp Niê về nhận công tác tại Công ty Cà phê Ea Tul, rồi 3 năm sau, anh được chuyển công tác sang NHCSXH vừa được thành lập tại quê nhà.
Mới đó mà đã tròn 13 năm, Y Sếp Niê đầu quân cho mặt trận xóa nghèo. Trong vai trò cán bộ tín dụng 7 năm liên tục, rồi kế đến làm Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ từ tháng 10/2010 đến nay, anh cũng không nhớ nổi mình đã trực tiếp tham gia bao nhiêu phiên giao dịch tại xã, bao nhiêu lần làm việc liên quan đến nguồn vốn tín dụng chính sách, chỉ nhớ mang máng đó là khoảng thời gian hàng ngàn ngày có nắng lửa, có mưa nguồn, gian nan vất vả vô chừng, anh vẫn tận tâm bám sát buôn làng, cùng bàn bạc với chính quyền, các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng hướng dẫn người nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi của Nhà nước đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Y Sếp Niê chia sẻ, bản thân anh có may mắn được công tác ở một tổ chức tín dụng đặc thù hoạt động vì mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nơi có nhiều nhân tố mới tích cực, đặc biệt là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện nên anh và mọi người trong đơn vị gặp rất nhiều thuận lợi về công tác tín dụng chính sách xã hội. Với đặc điểm vị trí địa lý, địa hình, dân cư huyện Cư M’gar trước đây có tới 3/4 số xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, đây được xác định là trọng điểm đầu tư các chương trình dự án cấp Nhà nước trong đó có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Khó khăn nhiều, thử thách lớn là vậy song đây cũng là địa bàn, môi trường thuận lợi để chàng trai người dân tộc Ê Đê sinh ra, lớn lên ở Cư M’gar bước vào nghề tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính Y Sếp Niê tự nhận thấy mình là người không ngại khó, ngại khổ, luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, rất thuận lợi nữa là anh được sự cảm thông khích lệ rất lớn từ gia đình, đặc biệt là từ vợ con đã cho anh có thêm động lực và niềm tin phục vụ quê hương. Chính lẽ ấy, trong quá trình công tác, anh đã lập được nhiều thành tích, từ một cán bộ tín dụng trẻ, Y Sếp Niê nhanh chóng trưởng thành, tham gia trực tiếp giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo, hộ cận nghèo, bà con dân tộc thiểu số. Cùng với đó, với chức trách công việc được giao, anh còn tích cực tổ chức, điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn chính sách hợp lý, khách quan, kịp thời đến từng đối tượng, từng buôn làng được thụ hưởng cũng như thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hàng tháng xây dựng kế hoạch giảm nợ quá hạn, kiên quyết thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý số nợ quá hạn và số tiền lãi tồn đọng do một số hộ vay chưa trả. Nhờ vậy, đến nay số xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% ở Cư M’gar còn duy nhất một xã, số hội, đoàn thể có tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn cao cũng giảm từ 15 xã xuống còn 4 xã nằm trong vùng địa bàn khó khăn.
Một trong những kết quả nổi bật của Y Sếp Niê là mạnh dạn đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo NHCSXH huyện triển khai đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách, trong đó coi trọng hàng đầu cách thức giao dịch lưu động tại địa bàn dân cư. Theo đó, NHCSXH huyện Cư M’gar đã đặt các Điểm giao dịch tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, thực hiện bố trí sắp xếp lịch giao dịch hàng tháng, đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình giao dịch và phục vụ chu đáo khách hàng, công khai số tiền dư nợ của khách hàng, các chính sách, chế độ, chủ trương mới về các chương trình tín dụng ưu đãi để mọi người dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Vào ngày giao dịch hàng tháng, mỗi khi khách hàng đến lĩnh tiền vay hoặc trả nợ, trực tiếp Y Sếp Niê và các cán bộ tín dụng đã kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác tiến hành công tác kiểm tra, đối chiếu vốn trực tiếp, nhắc nhở trách nhiệm trả nợ, nộp lãi của hộ vay. Cùng với đó các thành viên trong Tổ giao dịch lưu động luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm, công việc cụ thể trong phiên giao dịch, như chuẩn bị chu đáo sổ sách, máy tính, máy in, máy đếm tiền, soi tiền và các thiết bị bảo vệ an toàn tài sản khi đi giao dịch xã. Do vậy, công tác giao dịch lưu động tại xã ở vùng cao Tây nguyên Cư M’gar đạt tỷ lệ cho vay, thu nợ đạt trên 90% và thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, được bà con rất phấn khởi, khen ngợi, được lãnh đạo cơ sở ủng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ bố trí địa điểm rộng rãi, trang bị thêm bàn ghế, bảng tin phục vụ việc giao dịch thuận tiện, an toàn.
Ở cương vị Tổ trưởng, Y Sếp Niê đã lập nhiều thành tích và được Tổng giám đốc, UBND tỉnh Đắk Lắk, huyện Cư M’gar tặng nhiều danh hiệu thi đua cho cá nhân anh và cho tập thể Tổ Kế hoạch nghiệp vụ. Y Sếp Niê cùng với các cán bộ NHCSXH huyện Cư M’gar rất xứng đáng được đồng bào vùng cao Tây nguyên tin yêu vì họ đã trực tiếp đồng hành giúp dân xóa nghèo, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Người quản lý vốn ở huyện nghèo và không có nợ quá hạn”
- » Người cán bộ tín dụng dân tộc Khmer năng động
- » Người “chiến sĩ” trên mặt trận giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Cách mạng
- » Tổ trưởng “ba nhất”
- » “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”
- » “Điều dễ nhận thấy ở Nguyễn Quốc Tâm là tận tụy, nhiệt tình”
- » Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 tại NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi
- » Quen từng con dốc, nóc nhà
- » Tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững ở Ba Vì