Cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách

27/11/2014
(VBSP News) Hà Giang có 6 huyện trong “top” 62 huyện nghèo của cả nước, trong đó có 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Với tổng diện tích tự nhiên 2.356km, trên 80% diện tích là núi đá vôi, nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, vách dựng đứng cao vút, các trũng sâu hun hút. Khó khăn muôn vàn, nhưng mỗi độ mùa về cao nguyên lại bạt ngàn màu xanh của lúa, ngô, đậu, cây trái trổ bông. Và, ngày nay thêm màu xanh của cây cỏ, nuôi bò thoát nghèo và làm giàu…
Trồng cỏ nuôi bò vỗ béo hướng đi chính giúp dân thoát nghèo trên cao nguyên đá Đồng Văn

Trồng cỏ nuôi bò vỗ béo hướng đi chính giúp dân thoát nghèo trên cao nguyên đá Đồng Văn

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ trên độ cao 1.400m so với mực nước biển. Đây là nơi cư trú của 17 dân tộc anh em (hơn 250 nghìn người), trong đó đông nhất là dân tộc Mông (chiếm trên 70%). Thiếu đất, thiếu nước bởi địa hình núi cao, độ dốc lớn, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt nên bao năm qua cái đói, cái nghèo trở thành bạn đồng hành như hình với bóng với người dân cao nguyên đá. “Không phải do lười đâu. Mình vẫn trồng ngô vào các hốc đất, nhưng đất ít quá. Đất ít thì ít cây. Ít cây thì ít quả. Quả ít thì mình đói thôi” - khó mà bẻ được cái lý của người Mông khi cắt nghĩa đói nghèo. Thực tế nghiệt ngã, buộc lãnh đạo tỉnh Hà Giang từ nhiều nhiệm kỳ phải xác định đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để chủ động an ninh lương thực.

“Hiện đại hóa, công nghiệp hóa ở đâu không biết, trên vùng cao nguyên đá này người dân phải thấy được con bò, bể nước, mái nhà. Đó là tiêu chí an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân nhìn thấy để “ăn yên, ở yên” ổn định, phát triển kinh tế” - lãnh đạo tỉnh Hà Giang khẳng định. Sau nhiều thập kỷ mày mò, cuối cùng thế hệ lãnh đạo mới ở Hà Giang đã tìm được hướng đi phù hợp, đề ra 15 chương trình hành động, trong đó tập trung phát huy nội lực, giúp nhau thoát nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh nắm bắt, tranh thủ kịp thời, triển khai có hiệu quả các chương trình của Chính phủ đối với huyện 30a, hỗ trợ gạo cho người dân giữ rừng, cho học sinh vùng cao… tạo thêm nguồn lương thực, khuyến khích người dân tập trung thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và dịch vụ du lịch.

Sau gần 4 năm triển khai, tại buổi làm việc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong dịp về thăm và làm việc với tỉnh Hà Giang (tháng 8/2014), Chủ tịch tỉnh Đàm Văn Bông tự tin, phấn khởi báo cáo với Tổng bí thư: “Sau rất nhiều năm xin gạo cứu đói của Chính phủ, từ năm 2013 và sang năm 2014 cả tỉnh Hà Giang nói chung và 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, cơ bản đã chủ động đảm bảo an ninh lương thực”. Thông tin sốt dẻo trên đã được Tổng bí thư hoan nghênh.

“Không xin gạo cứu đói” là đoạn cuối của một quá trình…

Các huyện vùng thấp nỗ lực cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, có điều kiện sản xuất thêm vụ 3. Vùng không có điều  kiện thì tận dụng đất trồng thêm một vụ ngô. Tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài việc tăng vụ ngô, người dân được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi của NHCSXH, tập trung nuôi bò vỗ béo để bán. Tiền bán gia súc quay lại mua thêm bò gầy vỗ béo, mua lương thực để ăn, nên đời sống người dân được cải thiện. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ Thào Văn Chính, cho biết: toàn xã có 956 hộ, trong đó có trên 70% hội viên đã, đang vay vốn NHCSXH, với dư nợ 2,8 tỷ đồng. Cách đây 6 năm, ông Chính cũng đã vay vốn NHCSXH và đã trả hết nợ, còn lãi 2 con bò sinh sản. Nhờ có tiền bán bò gia đình ông đã dựng được nhà mới, mua sắm ti vi, xe máy…

Ông Sùng Mí Thề - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, khẳng định: Chương trình phát triển chăn nuôi bò hàng hóa nói chung và nghề nuôi vỗ béo bò thịt kết hợp trồng cỏ nói riêng, đã tạo ra bước chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế của huyện; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, mức thu nhập bình quân đầu người của huyện từ 2,6 triệu đồng/người năm 2006, đến nay đạt gần 6 triệu đồng/người và đang tiếp tục tăng lên một cách bền vững. Thông qua các dự án, NHCSXH đã tiếp sức cho hộ nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi. Tính đến hết nay, NHCSXH huyện Mèo Vạc đạt tổng dư nợ gần 170 tỷ đồng, đạt 99,6% so với kế hoạch, dư nợ tăng so với đầu năm trên 1,4 tỷ đồng, với gần 1.800 hộ vay, bình quân dư nợ 18 triệu đồng/hộ.

Nắm bắt phong trào, tỉnh Hà Giang cũng đã mở rộng “đầu tư có thu hồi vốn” để quay vòng vốn, giúp bà con dân tộc thiểu số nuôi bò kết hợp trồng cỏ thu lợi ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn. Đây là nghề kinh doanh mới, ra đời trong thời kỳ đổi mới ở cao nguyên đá Đồng Văn, vừa thoát nghèo hiệu quả, vừa góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn miền núi.

Bài và ảnh Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác