Động lực để phụ nữ làm giàu

26/08/2013
(VBSP News) Sau 10 năm thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với NHCSXH cung cấp một lượng lớn vốn tín dụng tới phụ nữ nghèo, tạo điều kiện giúp chị em đầu tư phát triển sản xuất, chăm lo cho các con ăn học, vươn lên ổn định cuộc sống.
Mô hình giảm nghèo bền vững của chị em phụ nữ ở vùng sâu, xa của tỉnh Đắk Lắk là trồng hồ tiêu

Mô hình giảm nghèo bền vững của chị em phụ nữ ở vùng sâu, xa của tỉnh Đắk Lắk là trồng hồ tiêu
                                                                                                                                          Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Vươn lên từ nguồn vốn ưu đãi

Nhìn cơ ngơi khang trang, ít ai biết từ năm 2010 trở về trước, gia đình chị Hoàng Thị Duyên, dân tộc Nùng ở thôn 17B, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Vào lập nghiệp ở Đắk Lắk từ năm 1990, không tài sản, đất đai, và phải đi làm thuê, anh chị đã dành dụm mua được 6 sào ruộng, nhưng không có vốn đầu tư nên năng suất thấp, thu nhập chỉ đủ nuôi 6 miệng ăn trong nhà. Trước tình cảnh đó, năm 2006, Hội Phụ nữ xã đã tín chấp với NHCSXH cho gia đình chị vay tổng cộng 11 triệu đồng để chăn nuôi lợn. Nhờ tính toán hợp lý và tận dụng nguồn cám để chăn nuôi, nên đàn lợn phát triển nhanh chóng, mỗi năm xuất bán hơn 20 con. Số tiền tích lũy được chị đầu tư trồng lúa, chăn nuôi bò, đến nay đã phát triển đàn lên 13 con. Sau 5 năm, gia đình chị không chỉ trả đủ vốn và lãi cho ngân hàng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo, mà còn trở thành “mạnh thường quân” thường xuyên hỗ trợ các hội viên phụ nữ nghèo trong thôn bằng cách tăng hoặc giảm một phần số tiền mua lợn giống và lúa.

Được bố mẹ chia cho 2ha đất, vợ chồng chị H’Mít Hmok ở buôn H’Drát, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã chăm chỉ làm thuê, tích lũy tiền để trồng cà phê; nhưng do nguồn vốn ít, không đủ mua phân bón chăm sóc, nên năng suất cà phê thấp. Qua khảo sát, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã tín chấp cho vay tổng cộng 18 triệu đồng từ NHCSXH. Theo chị, nếu tập trung hết vào 2ha cà phê thì sẽ bị “cụt vốn” và lâu thu hồi, nên chị đã phát triển chăn nuôi dê, bò, khi có vốn quay vòng thì đầu tư chăm sóc cà phê. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, từ năm 2008 đến nay, gia đình chị đã xuất bán được 12 con dê, bò, có thêm tiền mua phân bón cho cà phê. Bình quân mỗi năm gia đình chị thu được 4 tấn cà phê, với thu hoạch đó chị có thể vừa lo được cho 5 con ăn học vừa sửa chữa lại nhà cửa.

Để nguồn vốn đến tay phụ nữ nghèo

Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 19,8% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Bên cạnh việc thiếu đất sản xuất, kinh nghiệm làm ăn, nguồn lao động… thì thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo ở hầu hết các hộ. Vì vậy, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định về tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, Hội Phụ nữ đã kịp thời xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở thực hiện nhiệm vụ ủy thác của NHCSXH đối với hộ nghèo trên địa bàn. Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, các cấp hội luôn sát cánh cùng NHCSXH tỉnh thực hiện nhiều giải pháp giúp phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh nhất. Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi để hộ nghèo và đối tượng chính sách biết, Hội Phụ nữ còn tích cực tham gia cùng chính quyền, các hội, đoàn thể rà soát đối tượng hộ nghèo, phụ nữ nghèo có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH. Cách làm này bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, đưa vốn đến đúng đối tượng và tạo sự đoàn kết trong từng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, Hội Phụ nữ các cấp cũng chú trọng huy động thành viên các Tổ tiết kiệm và vay vốn tự nguyện tham gia gửi tiền tiết kiệm để chủ động được việc trả lãi và gốc cho ngân hàng khi cần thiết.

Với cách làm trên, việc thực hiện tín dụng ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua Hội phụ nữ các cấp tăng dần theo từng năm. Nếu năm 2004, Hội Phụ nữ các cấp mới chỉ nhận ủy thác và theo dõi 1 chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, dư nợ gần 23 tỷ đồng với 478 Tổ tiết kiệm và vay vốn, có 4.624 hộ vay, thì đến cuối năm 2012, đã tăng lên 9 chương trình cho vay với dư nợ 980 tỷ đồng, với 1.669 Tổ tiết kiệm và vay vốn, có 60.881 hộ vay; số thành viên vay vốn tham gia gửi tiết kiệm là 44.598 hộ với tổng số dư tiết kiệm trên 17,5 tỷ đồng.

Có thể nói, tổ chức Hội Phụ nữ các cấp tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành “cầu nối” để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi một cách nhanh chóng, thuận lợi và phát huy hiệu quả đồng vốn vay. Nhờ vậy, sau 10 năm đã góp phần giảm 107.201 hộ nghèo, cải thiện đời sống người dân.

Bài và ảnh Nguyễn Xuân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác