Vốn chính sách cùng người dân Cần Thơ phục hồi, phát triển kinh tế (Bài 2 - Tôn vinh, phát huy giá trị nông sản Việt)

27/04/2022
(VBSP News) Cần Thơ đang trên đường trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL vào năm 2030. Bởi thế, Cần Thơ đã xác định rõ những việc cần phải làm; trong đó, phát triển du lịch, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng được chú trọng, bởi đây sẽ là miền đất hứa cho tất cả những ai yêu mảnh đất “gạo trắng nước trong” và thích hợp cho đông đảo người dân, kể cả hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác cùng tham gia.
image001

Nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời giúp gia đình ông Huỳnh Hữu Lợi (áo trắng) - Chủ cơ sở “Hủ tíu 6 Hoài” khôi phục sản xuất

Người nghèo “sống khỏe” tại quê nhà

Đến quận Ninh Kiều, nhiều du khách viếng thăm cơ sở sản xuất “Hủ tíu 6 Hoài” nổi tiếng ở khu vực 7, phường An Bình. Bởi tại đây, du khách không chỉ được thưởng thức món ẩm thực đặc sắc của vùng sông nước miền Tây mà còn được tự tay tạo ra những sợi hủ tiếu thơm, dai và “sạch chuẩn món ngon mẹ nấu”.

Tuy nhiên, ít ai biết, ông Huỳnh Hữu Lợi - chủ cơ sở “Hủ tíu 6 Hoài” lại đi lên từ chính những đồng vốn tín dụng chính sách. Năm 2019, gia đình ông được Hội Phụ nữ phường bình xét cho vay 100 triệu đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH quận Ninh Kiều. Hoạt động được 1 năm thì dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở phải đóng cửa theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

“Không thể kể hết những khó khăn của thời gian đó!”, ông Lợi bắt đầu câu chuyện. Ông cho hay, trong thời gian tạm dừng hoạt động, gia đình tập trung tự sửa sang lại cửa hàng và lên kế hoạch cho thời điểm kinh doanh tiếp theo. May mắn hơn, khi dịch tạm lắng, gia đình ông lại tiếp tục được vay 220 triệu đồng chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ NHCSXH. Nhờ đó, cả gia đình đã bắt tay vào sản xuất, chế biến; đồng thời, vừa bán hàng trực tiếp, vừa bán hàng online. Nhờ vậy, cuộc sống và công việc SXKD của gia đình đã mau chóng ổn định.   

Gia đình ông Nguyễn Văn Ánh ở khu vực 3, phường Ba Láng được Phòng giao dịch NHCSXH quận Cái Răng cho vay 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Từ nguồn vốn này, gia đình ông Ánh đã thực sự thoát nghèo bền vững, không còn thấp thỏm lo sợ vì cái nghèo quay trở lại bất cứ lúc nào.

Gia đình ông Ánh đã dùng toàn bộ số vốn, mạnh dạn đầu tư vào ruộng dưa leo; nhờ liên tiếp trúng mùa, được giá nên gia đình thu lãi khá cao. Dưa thu hoạch đến đâu, đều được các nhà hàng thu mua đến đó. “Chúng tôi vô cùng phấn khởi. Dù dịch bệnh kéo dài, công việc sản xuất không thuận lợi nhưng cuộc sống gia đình không bị xáo trộn quá nhiều. Nay, cả thành phố đang bắt tay vào phục hồi và phát triển kinh tế, gia đình tôi lại háo hức xuống ruộng. Chắc chắn, với lượng khách du lịch đang ngày một tăng mạnh trở lại, chúng tôi sẽ có những vụ mùa bội thu”, ông Ánh phấn khởi nói.

Ông Lợi, ông Ánh chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp người dân ở TP Cần Thơ sống khỏe ngay tại quê nhà với sự hỗ trợ của tín dụng chính sách. Theo thống kê của chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 60 lượt hộ nghèo, hơn 1.000 hộ cận nghèo và 4.215 hộ mới thoát nghèo có vốn để SXKD; giải quyết việc làm cho 35.688 lao động; giúp cho 1.174 HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; giúp cho 27 người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 30.803 lượt lao động…

Hơn 100 tỷ đồng cho vay phục hồi du lịch

Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch, chi nhánh đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với NHCSXH lập danh sách, rà soát nhu cầu vốn của các đối tượng có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn di sản phi vật thể “Chợ nổi Cái Răng”, tổ chức bình xét và giải ngân kịp thời, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng và đạt được một số kết quả.

Đến nay, nguồn vốn cho vay để đẩy mạnh phát triển du lịch là 112 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt hơn 114,5 tỷ đồng với 2.358 khách hàng được vay vốn. Trong đó, cho vay các thương hồ tại Chợ nổi Cái Răng và Phong Điền là hơn 32,8 tỷ đồng với 710 khách hàng được vay vốn; cho vay để phát triển du lịch sinh thái là 81,723 tỷ đồng với 1.648 khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đạt hơn 62 tỷ đồng, với 1.520 khách hàng còn dư nợ; trong đó, cho vay đối với các thương hồ tại chợ nổi Cái Răng và Phong Điền là 232 khách hàng, với dư nợ là hơn 10,5 tỷ đồng; cho vay để phát triển du lịch sinh thái là 1.288 khách hàng, với dư nợ là hơn 51,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, đến thời điểm này, toàn thành phố chưa phát sinh nợ quá hạn và nợ khoanh.  

Từ nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do ngân sách thành phố chuyển sang để đẩy mạnh phát triển du lịch đã giúp cho các hộ tiểu thương trên sông có vốn để mua sắm hoặc sửa chữa các phương tiện ghe thuyền; có vốn để mua hàng hóa, trái cây để bán trên chợ nổi, góp phần cải thiện cuộc sống, giải quyết việc làm trong hộ, duy trì ngành nghề truyền thống của gia đình; các hộ gia đình, cơ sở sản xuất có thêm nguồn vốn để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch vườn, xây dựng homestay để phục vụ các du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần cùng với địa phương phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”.

Cùng với đó, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: mô hình trồng nho thân gỗ, làm bánh dân gian ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; mô hình nuôi cá lóc ở phường Bùi Hữu Nghĩa; mô hình bán ăn uống, trái cây, giải khát… trên chợ nổi Cái Răng, điểm tham quan vườn trái cây Vàm Xáng, vườn trái cây Chín Hồng Phong Điền; khu du lịch Ngôi Sao Việt, Cái Răng; vườn cò Bằng Lăng, Thốt Nốt.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác