Vốn chính sách cùng người dân Cần Thơ phục hồi, phát triển kinh tế (Bài 1 - Đồng cam cộng khổ với người khó khăn )
Sẵn sàng nguồn vốn
Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, Lăng Chánh Huệ Thảo, năm 2022, chi nhánh được giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ là 36,955 tỷ đồng (bao gồm: cho vay NS&VSMTNT 11,348 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 20,571 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 3,416 tỷ đồng; hộ nghèo 1,620 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ngân sách thành phố đã chuyển sang 52 tỷ đồng để cho vay NS&VSMTNT, cho vay giải quyết việc làm, chi nhánh đã tập trung huy động nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng.
Đến 31.3.2022, chi nhánh đã huy động được hơn 389,6 tỷ đồng từ vốn ủy thác địa phương, tăng hơn 57,2 tỷ đồng so với đầu năm (+17,21%). Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thành phố và quận, huyện là hơn 388,5 tỷ đồng, tăng hơn 57,2 tỷ đồng so với đầu năm (+17,27%) so với năm 2021, hoàn thành 114,4% chỉ tiêu giao năm 2022. Nguồn vốn từ ngân sách thành phố là hơn 358,1 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng (+16,98%) so với năm 2021. Nguồn vốn từ ngân sách quận, huyện là hơn 30,3 tỷ đồng, tăng hơn 5,2 tỷ đồng (+20,74%) so với năm 2021.
Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động khác đạt hơn 555,5 tỷ đồng, tăng hơn 36,5 tỷ đồng (+7,04%) so với năm 2021; với 9/9 đơn vị đều có số dư tăng, một số Phòng giao dịch có số dư tăng cao so với năm 2021 như: Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền. Đáng chú ý, riêng số dư tiền gửi của tổ chức và cá nhân đạt hơn 213,4 tỷ đồng, tăng hơn 28,2 tỷ đồng (+15,28%) so với năm 2021.
Đến hết tháng 3.2022, tổng dư nợ 14 chương trình cho vay của chi nhánh đạt hơn 3.225 tỷ đồng, với 88.429 khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 88,7 tỷ đồng (+2,83%) so với năm 2021; hoàn thành 66,72% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ năm 2021. Dư nợ tăng tập trung ở một số chương trình tín dụng: giải quyết việc làm tăng hơn 44,8 tỷ đồng, cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất tăng hơn 42,2 tỷ đồng, NS&VSMTNT tăng hơn 23,4 tỷ đồng, hộ cận nghèo tăng hơn 3,7 tỷ đồng… Điển hình một số Phòng giao dịch có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cao so với năm 2021 như: Thới Lai, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và Cái Răng.
Chú trọng chất lượng tín dụng
Trong bối cảnh đại dịch COVID -19 bùng phát phức tạp, dữ dội, việc duy trì được một nguồn lực phục vụ cho nhu cầu SXKD của bà con đã khó, chưa nói đến việc huy động vốn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính, việc bảo đảm an toàn nguồn vốn và gia tăng giá trị nguồn vốn càng khó hơn gấp bội lần, do những rủi ro mà COVID-19 gây ra.
Đứng trước thách thức trên, chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ qua hạn phát sinh. Thông qua 2.037 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 85 xã, phường, thị trấn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải kịp thời tới đúng đối tượng thụ hưởng, giúp bà con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Đến ngày 31.3.2022, doanh số cho vay của toàn chi nhánh đạt hơn 289,3 tỷ đồng với 8.329 lượt hộ được vay vốn; tập trung chủ yếu vào các chương trình như: cho vay giải quyết việc làm, hộ mới thoát nghèo, người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và cho vay hộ cận nghèo.
Nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn chi nhánh là hơn 10,9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,34% trên tổng dư nợ), tăng 365 triệu đồng (+3,44%) so với năm 2021; trong đó, nợ quá hạn là 6,907 tỷ đồng (tỷ lệ 0,21%), tăng 496 triệu đồng (+7,74%) so với năm 2021. Trong đó, 4/9 đơn vị có nợ quá hạn giảm (Ninh Kiều, Bình Thủy, Phong Điền và Cái Răng), giảm nhiều nhất là Ninh Kiều (- 66 triệu đồng); các đơn vị còn lại có nợ quá hạn tăng, tăng nhiều nhất là Thốt Nốt (+185 triệu đồng). Nợ khoanh là 4,083 tỷ đồng (tỷ lệ 0,13%), giảm 131 triệu đồng (-3,11%) so với năm 2021.
Đặc biệt, nguồn vốn đã đến tay 3.220 hộ đồng bào DTTS với tổng trị giá hơn 55,6 tỷ đồng. Qua đó, giúp bà con DTTS đầu tư làm vườn, mua bán, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, trang trải chi phí học tập cho học sinh sinh viên, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh…; giúp chính quyền thành phố ổn định trật tự an toàn xã hội khi đại dịch đi qua.
Bài và ảnh Thái Bình
Các tin bài khác
- » Yên Thành giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Đẩy mạnh tín dụng chính sách cho giảm nghèo và an sinh xã hội
- » Để tín dụng chính sách thực sự là “đòn bẩy” giúp nông dân thoát nghèo
- » Cho vay ưu đãi HSSV: Đưa chính sách mới vào cuộc sống
- » Bình Dương nỗ lực trên hành trình giúp dân làm giàu
- » Hậu Giang sẽ triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NĐ-CP
- » Tín dụng chính sách thổi bùng ý chí vươn lên thoát nghèo
- » Tây Ninh đồng hành cùng người dân phục hồi sản xuất
- » Đắk Nông tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tại xã
- » Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Quảng Ngãi đạt hơn 4.090 tỷ đồng