VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030

          Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu về vai trò của tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng triển khai TDCSXH trong thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, tác giả chỉ ra những mặt được, những khó khăn hạn chế, tồn tại và đề xuất một số giải pháp để TDCSXH tiếp tục góp phần thực hiện thành công chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn tới.

          Từ khóa: Chương trình MTQG, NHCSXH, Dân tộc thiểu số và miền núi

1. Đặt vấn đề

Đến năm 2023, nước ta có 53 DTTS với 14.119.256 người, với hơn 3,6 triệu hộ (chiếm 14,68% tổng dân số cả nước), cư trú thành cộng đồng. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Tuy nhiên, vùng DTTS&MN đang là nơi có trình độ, nhận thức không đồng đều, phát triển KT-XH chậm nhất cả nước. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS thì thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số là DTTS chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Do đó, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, TDCSXH được xác định là một giải pháp trong triển khai Đề án tổng thể để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và ngày 26/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Với nhiệm vụ đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án SXKD tạo sinh kế cho đồng bào DTTS đã được giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện đồng bộ nhiều chương trình tín dụng chính sách cho gần 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa. Nguồn vốn từ TDCSXH đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế hộ gia đình DTTS nói riêng và hộ nghèo nói chung như tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, như: các chương trình TDCSXH đang triển khai chưa bao trùm được hết các đối tượng thụ hưởng chính sách, trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế dẫn đến chưa quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, sự hỗ trợ, phê duyệt tại một số địa phương còn chậm. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải đánh giá thực trạng và vai trò cụ thể của TDCSXH đối với đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian qua để đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu, quan điểm, giải pháp của Quốc hội đề ra trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới.

2. Thực trạng TDCSXH góp phần thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2023

 

Trong giai đoạn 2021-2023, vốn TDCSXH tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng bào vùng DTTS&MN được tiếp cận hầu hết các chương trình TDCSXH do NHCSXH triển khai. Ngoài các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…, đồng bào vùng DTTS&MN còn được thụ hưởng các chương trình TDCSXH riêng, theo từng vùng miền. 

tdnn

Biểu đồ 1. Kết quả cho vay tại vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023

Biểu đồ 1 cho thấy, dư nợ cho vay tại vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023. Có thể thấy, tổng dư nợ cho vay đối với người đồng bào DTTS tăng đều qua các năm, từ 46.158 tỷ đồng năm 2021 lên đến 56.004 tỷ đồng năm 2023. Khu vực Bắc Bộ là nơi thu hút nguồn vốn TDCSXH lớn nhất dành cho đồng bào DTTS, chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng dành cho đồng bào DTTS trên toàn quốc. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì Bắc Bộ, đặc biệt là Tây Bắc Bộ là khu vực tập trung đông đồng bào DTTS nhất cả nước. Đứng thứ hai và thứ ba về tỷ trọng dự nợ lần lượt là khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên (khoảng 33%) và khu vực Nam Bộ (khoảng 8%).

tdnn2

Biểu đồ 2. Tỷ lệ đồng bào DTTS được vay vốn tại NHCSXH trên tổng số đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023

Biểu đồ 2 thể hiện, tỷ lệ đồng bào DTTS được vay vốn tại NHCSXH trên tổng số đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023. Có thể thấy, số đồng bào DTTS được vay vốn tại NHCSXH so với tổng số DTTS toàn quốc có xu hướng giảm nhẹ từ 46,33% (2021) xuống còn 43,68% (2023). Tỷ lệ này giảm chủ yếu là do chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào kết thúc vào năm 2020, chưa được ban hành thay thế kịp thời trong đầu giai đoạn 2021-2025 (đến giữa năm 2020, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP mới được ban hành). Ngoài ra, các xã thuộc khu vực II, III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg đạt nông thôn mới không được thụ hưởng chính sách tín dụng tại vùng khó khăn. Đây là các địa bàn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống.

Bảng 1. Dư nợ bình quân/hộ đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023

                                                                                                                                  Đơn vị: triệu đồng, khách hàng

 Chỉ tiêu                      

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Dư nợ

46.158.571

50.401.863

56.003.577

Số hộ ĐBDTTS còn dư nợ

1.467.488

1.439.816

1.424.599

Dư nợ bình quân 01 hộ ĐBDTTS

31,45

35,01

39,31

(Nguồn: Báo cáo thống kê của NHCSXH)

Tuy số lượng hộ đồng bào DTTS giảm dần qua các năm nhưng tổng dư nợ có xu hướng tăng lớn và tăng đều qua các năm. Điều này giúp dư nợ trung bình/hộ tăng lên, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trong điều kiện giá cả tăng và việc phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh quy mô lớn trong đồng bào DTTS. Bảng 1 thể hiện dư nợ bình quân/hộ ĐBDTTS giai đoạn 2021-2023 cho thấy, dư nợ bình quân với hộ đồng bào DTTS tăng từ 31,45 triệu đồng năm 2021 lên 39,31 triệu đồng năm 2023.

tdnn3

Biểu đồ 3: Tỉ lệ nợ quá hạn của khách hàng DTTS tại NHCSXH giai đoạn 2021-2023

 Biểu đồ 3 cho thấy, tỷ lệ nợ quá hạn của hộ đồng bào DTTS tại NHCSXH giai đoạn 2021-2023. Tỷ lệ nợ quá hạn của hộ đồng bào DTTS tại NHCSXH giai đoạn 2021-2023 được cải thiện rõ rệt và có xu hướng giảm dần. Trong khi năm 2021, tỷ lệ này đạt mức 0,34% trên toàn quốc thì năm 2022 giảm xuống 0,19% và chỉ còn 0,14% năm 2023. Mức tỷ lệ giảm tương ứng và có phần hiệu quả hơn so với khu vực đồng bào DTTS&MN nói chung từ 0,22% năm 2021 xuống 0,17% năm 2022 và 0,16% năm 2023. Khu vực Nam bộ có dư nợ quá hạn cao hơn rõ rệt so với các địa bàn khác, năm 2021 lên đến 3,11%. Rõ ràng năng lực sử dụng đồng vốn TDCSXH của hộ đồng bào DTTS khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, có thể thấy năm 2022 và năm 2023 tình hình đã được cải thiện rõ rệt hơn, khi năm 2022 đã giảm xuống 1,29% và năm 2023 đã giảm xuống mức dưới 1%, chỉ còn 0,83%. Điều này là kết quả sau những nỗ lực của NHCSXH trong việc áp dụng chặt chẽ các phương án, kế hoạch cụ thể và dài hạn nhằm củng cố chất lượng hoạt động tín dụng tại khu vực này, cũng như những nỗ lực trong phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị chức năng như cơ quan khuyến nông, đào tạo, tập huấn trong việc hướng dẫn và đào tạo người dân trong làm ăn đồng thời trong sử dụng vốn.

TDCSXH cũng đã góp phần trực tiếp trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình MTQG đối với đồng bào DTTS. Một trong số các mục tiêu cơ bản và quan trọng hàng đầu của các chương trình TDCSXH là giúp hộ nghèo vươn lên thoát khỏi nghèo đói, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bảng 2 cho thấy số hộ DTTS thoát nghèo luôn duy trì mức tăng trong những năm gần đây. Trên toàn quốc có khoảng 164.778 hộ thoát nghèo năm 2021 và tăng 1,34 lần, lên tới 220.799 hộ vào năm 2023. Trong 03 vùng, Bắc Bộ luôn là khu vực chiếm tỷ lệ hộ thoát nghèo lớn nhất, chiếm khoảng 38% đến 45% tổng số hộ đồng bào DTTS thoát nghèo trên cả nước.

Bảng 2: Số hộ DTTS thoát nghèo trong toàn quốc giai đoạn 2021-2023

Năm

Toàn quốc

Bắc Bộ

Trung bộ - Tây Nguyên

Nam Bộ

Số KH

%

Số KH

%

Số KH

%

Số KH

%

2021

164.779

100

61.803

37,51

60.908

36,96

42.068

25,53

2022

198.492

100

86.809

43,73

71.585

36,06

40.098

20,20

2023

220.799

100

100.392

45.47

71.193

32.24

49.214

22.29

(Nguồn: Báo cáo thống kê của NHCSXH)

Ngoài những chương trình tín dụng thông thường, còn có một số chương trình tín dụng tập trung hỗ trợ tạo việc làm đã được NHCSXH triển khai như: Chính sách hỗ trợ về đất sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS nghèo,.. Kết quả tạo việc làm từ các chương trình TDCS tại NHCSXH trong thời gian 2021-2023 thể hiện biểu đồ 4 cho thấy, số lượng việc làm được tạo ra tương đối lớn và có xu hướng tăng. Cả 3 khu vực trên toàn quốc đều có sự gia tăng đáng kể. Khu vực tạo được nhiều việc làm nhất là khu vực Nam Bộ với khoảng trên 6.000 đến gần 9.000 gia đình được hỗ trợ có việc làm mỗi năm.

tdnn4

Biểu đồ 4: Số lượng hộ DTTS được hỗ trợ tạo việc làm

Bên cạnh đó, TDCS cũng phát huy vai trò trong việc hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu như nhà ở, nước sạch, y tế, vệ sinh môi trường cho đồng bào DTTS. Biểu đồ 5 cho thấy, kết quả số công trình nhà ở được xây dựng cho đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2021-2023, toàn quốc đã xây dựng, sửa chữa, cải tạo 445.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho hộ đồng bào DTTS. Năm 2021 là năm có số lượng công trình nhà ở cho các hộ DTTS cao nhất trong giai đoạn 2021 - 2023. Riêng tại khu vực Bắc Bộ đạt 6.600 công trình nhà ở đã được xây dựng, sửa chữa cho đồng bào DTTS, các khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ khoảng gần 3.000 đến trên 4.300 công trình nhà ở cũng đã hoàn thành từ vốn TDCSXH. Năm 2021 có số căn nhà được xây dựng cao hơn các năm về sau, do năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các chính sách cho đồng bào DTTS đã được ban hành và bước đầu giải ngân từ năm 2021-2025. Đến năm 2023 tỉ lệ giải ngân giảm xuống do một phần nhu cầu của các hộ có tên trong danh sách thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở đã được vay vốn từ các năm trước.

tdnn5

Biểu đồ 5: Số lượng hộ DTTS được hỗ trợ tạo việc làm

Biểu đồ 6 thể hiện số công trình nước sạch cho hộ DTTS giai đoạn 2021-2023. Có thể thấy rõ vai trò của TDCSXH trong việc giúp bà con tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và sức khỏe, hỗ trợ hiệu quả cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu.

tdnn6

Biểu đồ 6: Số công trình nước sạch cho hộ DTTS giai đoạn 2021-2023

Để làm rõ hơn về hiệu quả và vai trò của TDCSXH đối với thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH với đồng bào DTTS&MN, nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát với cho 06 đối tượng, bao gồm khách hàng là người dân, hộ vay vốn (507 phiếu); Khách hàng là doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã (182 phiếu); Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Tổ trưởng Tổ TK&VV (628 phiếu); Trưởng thôn (240 phiếu); Các phòng ban cấp huyện và NHCSXH (280 phiếu) và Chủ tịch UBND cấp xã (282 phiếu) tại 24 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh thuộc các vùng miền trên toàn quốc, tập trung vào các tỉnh có nhiều hộ đồng bào DTTS và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Theo kết quả khảo sát cho thấy, có 92% người được hỏi đánh giá vốn TDCSXH đã giúp tăng thu nhập của hộ gia đình vay vốn, 88% đánh giá đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS&MN. Khả năng tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, đặc biệt từ phía NHCSXH giúp cho người dân tăng thêm sự tự tin, để sẵn sàng hiện thực hóa nhu cầu vay vốn. Việc nắm bắt các thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi tốt cũng giúp người dân gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, tự tin hơn khi bắt tay vào các chu trình sản xuất, đầu tư làm ăn, kinh doanh có hiệu quả hơn. Có 88% số người được hỏi cho biết, họ đã biết đến các chương trình vay vốn cho vùng đồng bào DTTS&MN tại NHCSXH và 96% trong số đó đã được NHCSXH phục vụ.

3. Đánh giá vai trò của TDCSXH trong góp phần thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN

          3.1. Những mặt được

Thứ nhất: Các chương trình TDCSXH dành cho người nghèo, đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác được thiết kế thuận lợi cho từng đối tượng thụ hưởng với quy định cụ thể về điều kiện theo từng chương trình tín dụng. Các chương trình TDCSXH đã góp phần tăng khả năng tiếp cận được nguồn vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn TDCSXH tiếp tục được quan tâm đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào DTTS&MN, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện giúp trên 6,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay trên 292.360 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2023). Nhờ tiếp cận các sản phẩm tín dụng của NHCSXH, nhiều đồng bào DTTS&MN được vay vốn, có điều kiện phát triển kinh tế để thoát nghèo cũng như đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chi phí học tập cho con em. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm cho thấy các sản phẩm TDCSXH đã được triển khai hiệu quả, góp phần gia tăng cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình là hộ nghèo, đối tượng chính sách, đặc biệt là hộ DTTS tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới…và giảm bất bình đẳng kéo dài cho những đối tượng này.

Thứ hai: Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thiết kế thành một chuỗi các sản phẩm TDCSXH phù hợp với tiến trình phát triển của các đối tượng thụ hưởng từ hộ nghèo, đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ DTTS, người lao động đảm bảo việc thoát nghèo bền vững. Thiết kế lãi suất cho vay phù hợp với từng đối tượng (hộ nghèo là 6,6%/năm, hộ đồng bào DTTS bằng 50% mức lãi suất cho vay hộ nghèo…). Đặc biệt, đối với hộ DTTS, lãi suất cho vay của số sản phẩm tín dụng 0%/năm, 1,2%/năm hoặc bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo đã tạo điều kiện cho hộ DTTS sử dụng vốn với chi phí thấp, tạo động lực cho họ mạnh dạn vay vốn để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Việc thiết kế mức lãi suất phù hợp với định hướng chuyển dần thiết kế các chính sách từ “cho không” sang “hỗ trợ có điều kiện”, đồng thời hướng đến tầm nhìn dài hạn về nguyên tắc thị trường trong việc xác định mức lãi suất cho vay tại các sản phẩm tín dụng, gia tăng trách nhiệm của người vay trong tính toán làm ăn hiệu quả để trả được nợ lãi, nợ gốc, từng bước xóa đi tính ỷ lại, trông chờ vào bao cấp, cho không của các đối tượng chính sách.

Thứ ba: NHCSXH đã thiết lập phương thức quản lý và cách thức tác nghiệp hiệu quả, đặc thù riêng có, phù hợp với cấu trúc chính trị của Việt Nam. Theo đó, TDCSXH tại vùng đồng bào DTTS nói riêng, TDCSXH trên toàn quốc nói chung được thiết kế theo phương thức cho vay trực tiếp và cho vay uỷ thác. Trong đó, phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội (CT-XH) chiếm tỷ trọng lớn (99,5%) đã giúp NHCSXH công khai hóa, xã hội hóa hoạt động TDCSXH, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của tổ chức CT-XH, người dân được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua các sản phẩm TDCSXH của NHCSXH (98,8% số người được khảo sát đánh giá việc vay vốn thông qua Tổ TK&VV và tổ chức CT-XH đạt hiệu quả). Thông qua việc ủy thác cho vay, các tổ chức CT-XH có thể hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật SXKD như trồng trọt, chăn nuôi…(73,6% số người được khảo sát đánh giá được hỗ trợ về kỹ thuật SXKD, 57,9% đánh giá được hỗ trợ về đầu vào cho SXKD, 54,3% được hỗ trợ về đầu ra cho SXKD), đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị khác, góp phần tiết giảm chi phí xã hội. Sản phẩm TDCSXH gắn liền với hoạt động của Tổ TK&VV dưới sự quản lý của tổ chức CT-XH, chính quyền địa phương cấp xã, đảm bảo việc thực hiện chính sách được dân chủ, công khai. Cùng với đó, việc triển khai các sản phẩm TDCSXH trực tiếp đến người dân tại điểm giao dịch xã, với việc ủy nhiệm thu tiền lãi, tiền gửi tổ viên cho Tổ trưởng Tổ TK&VV đã tiết kiệm chi phí đi lại của người dân.

3.2. Những tồn tại, hạn chế

Thứ nhất: Với chính sách giảm nghèo đa chiều, với sự biến động giá cả thị trường thì các chương trình TDCSXH đang triển khai chưa bao trùm được hết các đối tượng thụ hưởng chính sách, một số chương trình vẫn hạn chế đối tượng có nhu cầu tiếp cận vốn vay; mức cho vay chưa thỏa mãn nhu cầu của đối tượng thụ hưởng, chưa phù hợp với đối tượng đầu tư.

Thứ hai: Hiện nay, tại vùng đồng bào DTTS&MN có rất nhiều hộ dân tộc thiểu số (không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) tham gia vào các dự án phát triển sản xuất kinh doanh của địa phương, cần có sự khuyến khích, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Việc chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là hộ nghèo, hộ cận nghèo, dẫn đến một bộ phận người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách để tham gia các dự án phát triển của vùng miền. Hộ người kinh nghèo không thuộc xã đặc biệt khó khăn nhưng sinh sống tại các xã khu vực I, II theo Quyết định số 861/QĐ-TTg chưa được thụ hưởng chính sách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Thứ ba: Trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế. Một bộ phận đồng bào DTTS vay vốn chưa biết cách quản lý và sử dụng vốn vay, nên hiệu quả sử dụng vốn thấp, ít cải thiện được thu nhập và tiềm ẩn nguy cơ mất vốn, khó trả nợ đúng hạn.

Thứ tư:Tại một số địa phương việc phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề còn chậm dẫn đến việc giải ngân của NHCSXH còn chậm. Đối với dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, dược liệu quý: một số địa phương chưa hình thành dự án đầu tư cụ thể; chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ; mức cho vay đối với dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn thấp.

4. Một số giải pháp phát huy vai trò của TDCSXH trong thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN

Thứ nhất: Nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đồng bào DTTS&MN, bao gồm:

- Nghiên cứu đề nghị ban hành chương trình cho vay phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng với đối tượng là Hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, hộ đồng bào DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS&MN.

- Cho phép áp dụng sản phẩm cho vay theo hạn mức tín dụng đối với doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác có tham gia phát triển mô hình, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Thứ hai: Nhóm giải pháp về phát triển quy mô, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS&MN, bao gồm:

- Nghiên cứu đề nghị nâng mức cho vay để phù hợp với biến động giá cả thị trường và nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, cụ thể: (i) Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất ở; (ii) Mức cho vay tối đa là 200 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ nhà ở; (iii) Mức cho vay tối đa là 200 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; (iv) Mức cho vay tối đa là 500 triệu đồng/hộ và 10 tỷ đồng/doanh nghiệp, cơ sở SXKD đối với cho vay phát triển theo chuỗi.

- Nghiên cứu mở rộng đối tượng thụ hưởng để tạo động lực, khuyến khích đồng bào DTTS mạnh dạn đầu tư, phát triển SXKD để tạo sự chuyển biến đột phá trong vùng: (i) hộ gia đình DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS&MN được thụ hưởng toàn bộ chính sách cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; (ii) Hộ cận nghèo DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS&MN, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại các xã khu vực I, II theo Quyết định số 861/QĐ-TTg được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; (iii) Hộ gia đình có mức sống trung bình được thụ hưởng chính sách cho vay theo chuỗi giá trị, cho vay phát triển các dự án sinh kế cộng đồng.

Thứ ba: Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN, bao gồm:

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vốn vay, đảm bảo công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo vốn TDCSXH được sử dụng hiệu quả, chất lượng.

- Nâng cao kỹ năng sản xuất cho khách hàng vay vốn. Trong đó, NHCSXH và chính quyền địa phương cần phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức CT-XH với hoạt động TDCSXH.

- Xây dựng phần mềm kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia để triển khai hiệu quả, đúng quy định các sản phẩm TDCSXH để triển khai, cho vay đúng quy định theo từng sản phẩm TDCSXH.

Thư tư: Nhóm giải pháp bổ trợ bao gồm:

- Chính quyền địa phương cần phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức CT-XH với hoạt động TDCSXH. Định kỳ tổ chức các khóa tập huấn về kỹ thuật SXKD theo đặc trưng của từng địa phương; thường xuyên quan tâm, tăng cường đào tạo lại trong quá trình khách hàng sử dụng vốn đầu tư SXKD.

- Thường xuyên rà soát và xây dựng hình thành dự án đầu tư cụ thể tại địa phương, lập danh sách đối tượng thụ hưởng ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt dự án phát triển sản xuất. Tập trung phát triển xây dựng nghiên cứu, thiết kế các hình thức hợp tác, liên kết giữa các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình, theo chuỗi giá trị trong SXKD nhất là trong sản xuất nông nghiệp với hình thức khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đưa ứng dụng công nghệ cao vào trong SXKD tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có thể tham gia, tiếp cận để đảm bảo đạt năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, có giá trị kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để có thể ứng dụng được các giải pháp nêu trên vào trong thực tiễn, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, Tác giả đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với các bộ, ban ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới. Trong đó, với chính quyền địa phương các cấp đề nghị sớm nghiên cứu áp dụng các giải pháp trên trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG. Cân đối bố trí vốn ngân sách của địa phương bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác để ủy thác cho NHCSXH nhằm hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các chương trình MTQG: phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế, hỗ trợ cải thiện nhà ở tại địa phương.