Tín dụng chính sách động lực xóa đói, giảm nghèo

19/09/2019
(VBSP News) Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, dự án và chính sách để thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) ra đời đã tạo bước ngoặt lớn trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Bình về vai trò, vị trí hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Hộ nghèo và các đối chính sách được tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn vay

Hộ nghèo và các đối chính sách được tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn vay

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Trịnh Đình Dương khẳng định: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH tỉnh cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay để đầu tư SXKD, con em học tập, học nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm… là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được toàn xã hội đồng tình ủng hộ, góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Quảng Bình, sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2014 đến ngày 30/6/2019, doanh số cho vay của 3 chương trình, gồm: hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đạt trên 1.279 tỷ đồng với 41.700 lượt hộ vay vốn; tổng dư nợ đạt trên 700 tỷ đồng với gần 18.400 hộ đang còn dư nợ.
Kể từ khi có Chỉ thị số 40 đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đã tăng 38,5 tỷ đồng, chiếm 69,9% tổng số nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 44.900 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm thường xuyên cho trên 11.500 lao động, đưa tỷ lệ lao động thất nghiệp chung toàn tỉnh từ 2,38% (năm 2014) xuống còn 1,98% (năm 2018); hỗ trợ 3.700 hộ nghèo và 88 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn để xây dựng mới và sửa chữa nhà ở…
Đặc biệt, thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình chị Nguyễn Thị Lành ở thôn 10, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Chị Lành cho biết, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chị quyết định đăng ký với Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua Hội Phụ nữ gần 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp. Nhờ chịu khó học tập kinh nghiệm và cần cù, mô hình mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và có phần tích lũy để gia đình thoát khỏi hộ nghèo năm 2017.
Hay như ông Nguyễn Văn Hồng ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ, năm 2016, thông qua NHCSXH huyện, ông vay 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi dê. Với những kiến thức đã được tích lũy qua sách báo, internet và từ thực tiễn, ông bắt tay vào mua giống dê núi về chăn thả trên diện tích 3ha tại khu vực núi đá vôi. Từ 5 con ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình phát triển gần 40 con. Giá bán trên thị trường từ 3,5-4 triệu đồng/con đã giúp gia đình ông Hồng có nguồn thu ổn định và thoát nghèo bền vững…
Có thể nói, việc thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng của Nhà nước, NHCSXH tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc giảm dần tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,23% năm 2014 xuống còn 7, 23% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); giảm từ 14,42% năm 2016 xuống còn 6,14% năm 2019 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2015 - 2020).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở các địa phương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Đó là công tác thông tin, tuyên truyền đã được quan tâm, nhưng việc tiếp cận các thông tin của người lao động, đối tượng chính sách vay vốn vẫn còn chưa đầy đủ, tạo vướng mắc cho người lao động; một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn nên một số hộ vay vốn gặp khó khi sử dụng nguốn vốn tín dụng ưu đãi và để xảy ra tình trạng nợ quá hạn; mức cho vay còn thấp so với nhu cầu thực tế của đối tượng vay vốn và giới hạn về đối tượng vay khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn hạn chế (chỉ 190 khách hàng được vay vốn trên 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm); một bộ phận hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS còn thụ động trong sử dụng nguồn vốn vay, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước…
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Trịnh Đình Dương, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền cần dành nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40. Theo đó, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành và người dân hiểu rõ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan cần tích cực phối hợp với NHCSXH để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, tạo điều kiện cho người nghèo và các hộ chính sách khác tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn vay và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các đối tượng; có sự phối, kết hợp giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư để triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình phát triển kinh tế…
Cùng với đó, chính quyền địa phương thường xuyên công khai, minh bạch các đối tượng được thụ hưởng và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi dưới nhiều hình thức để người dân biết và tham gia đôn đốc, giúp đỡ các đối tượng vay vốn ưu đãi. Mặt khác, công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay vốn ưu đãi cần được tăng cường nhằm bảo đảm việc vay vốn tín dụng được thực hiện thuận lợi, thông suốt, đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng có hiệu quả.

Thùy Lâm

Các tin bài khác