Tín dụng chính sách trên vùng đất Tổ

19/09/2019
(VBSP News) Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đã trở thành động lực quan trọng giúp Phú Thọ đạt được kết quả khả quan trong hành trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
NHCSXH huyện Thanh Sơn giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Yên Lãng

NHCSXH huyện Thanh Sơn giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Yên Lãng

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn coi việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động hiệu quả như hỗ trợ cơ sở vật chất làm việc, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách; MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính và tổ chức chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Phú Thọ đạt 4.160 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 48,8 tỷ đồng, tăng 26,4 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40; tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn địa bàn đạt hơn 4.045 tỷ đồng, tăng 113 tỷ đồng so với cuối năm 2014; nợ quá hạn hiện chỉ chiếm tỷ lệ 0,13%/tổng dư nợ; thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn quốc.

Nhiều hộ gia đình vay vốn đầu tư trồng chè cho hiệu quả kinh tế cao

Nhiều hộ gia đình vay vốn đầu tư trồng chè cho hiệu quả kinh tế cao

Nhờ nguồn vốn ưu đãi vay của NHCSXH, nhiều hộ trong huyện đã đầu tư phát triển kinh tế, đời sống sung túc. Như gia đình bà Hà Thị Mơ ở xóm Bình, xã Mỹ Thuận đã sử dụng 40 triệu đồng từ vốn vay chương trình cho vay hộ nghèo để mua một cặp bò sinh sản và cải tạo khu đất trồng lúa năng suất thấp thành vườn chè cành giống mới hơn 1ha. Đến nay, đàn bò của gia đình đã có 4 con và vườn chè cũng cho thu hái mỗi năm 3 - 4 lứa, mỗi lứa hái hơn 1 tấn búp tươi, thu lãi hàng trăm triệu đồng. “Vui vì thoát cảnh túng thiếu, nhưng gia đình tôi vẫn mong muốn được vay vốn ưu đãi tiếp để đầu tư mở rộng thâm canh vườn chè, chăn nuôi thêm trâu bò để thoát nghèo dài lâu”, bà Mơ chia sẻ.
Cũng là đối tượng hộ nghèo được vay vốn NHCSXH, anh Trần Văn Định ở thôn Mín 2 đã sử dụng vốn vay để đầu tư mua máy thiết bị, lập xưởng sản xuất chè khô và thâm canh 2ha mía. Hiện mỗi ngày xưởng chè của anh thu khoảng 4 tạ chè nguyên liệu, giải quyết việc làm cho 5 lao động; cùng với đó mỗi vụ thu hoạch hơn 2 tấn mía, thu lãi 200 - 300 triệu đồng/năm.
Bí thư huyện ủy Tân Sơn Phạm Thanh Tùng, cho biết: Trước đây, huyện Tân Sơn có đến 14/17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 82% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 50%. Nhưng nay Tân Sơn đã đổi thay toàn diện, chính thức được ẩn danh “đệ nhất” nghèo của tỉnh Phú Thọ và xóa tên trong danh sách các huyện nghèo nhất của cả nước. Có được kết quả trên là nhờ sự góp sức chung lòng của các cấp ngành, các chương trình dự án, trong đó phải kể đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Cuộc hành trình vì sự nghiệp giảm nghèo bền vững và an sinh, công bằng xã hội còn tiếp diễn. Trước yêu cầu của thực tế, NHCSXH tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã ban hành, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần đắc lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nói chung.

Đông Dư - Trần Việt

Các tin bài khác