Thoát nghèo ở nơi “chảo lửa, túi mưa”
Phát huy vai trò cơ sở
Có thể nói, những năm gần đây nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn… Trong đó, việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40 được đẩy mạnh từ cấp cơ sở, với sự tham gia trực tiếp của những người đứng đầu; bắt đầu từ các Bí thư, Trưởng thôn đã làm tốt vai trò trách nhiệm giám sát, tham gia chứng kiến bình xét đối tượng cho vay, sử dụng vốn vay, đôn đốc các hộ vay vốn trả nợ gốc và lãi đến hạn; bên cạnh chứng kiến, xác nhận ủy quyền các thành viên trong hộ gia đình vay vốn. Tại thôn Gia Thịnh, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ có 508 hộ dân với tổng dân số 883 nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và làm nghề mộc truyền thống. Nhu cầu vay vốn lớn, số người thiếu việc làm và chưa có việc làm còn nhiều, nguy cơ tái nghèo luôn tiềm ẩn…
Bí thư Chi bộ thôn Gia Thịnh Nguyễn Văn Hiệp cho biết: “Xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 là giải pháp quan trọng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chi bộ và Ban công tác Mặt trận thôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, chỉ đạo họp bình xét cho vay đúng đối tượng, theo dõi sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc xử lý kịp thời các khoản nợ đến hạn, thực hiện các biện pháp kiên quyết để thu hồi nợ; tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách”.
Hiện nay thôn Gia Thịnh có 188 hộ đang vay vốn tại NHCSXH, chiếm tỷ lệ 37% tổng số hộ trong thôn với số tiền vay 6,8 tỷ đồng. Ý thức của hộ vay vốn được nâng lên, nguồn vốn được đầu tư có hiệu quả. Hộ vay đã có ý thức xác định đến hạn là trả nợ nên đảm bảo khả năng an toàn vốn không có nợ xấu, lãi tồn đọng…
Xã Kỳ Ninh là một trong 9 xã nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng của thị xã Kỳ Anh. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, chính quyền xã luôn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thị xã Kỳ Anh trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, thực hiện nhiều giải pháp để thu nợ quá hạn, phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện…
Chủ tịch UBND xã Lê Công Đường chia sẻ: cấp ủy, chính quyền xã đã có những nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. “Trên cương vị là Chủ tịch UBND xã, tôi đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng của NHCSXH trên địa bàn; đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định; thu nợ thu lãi đúng theo quy định, thực hiện quản lý vốn và bảo tồn nguồn vốn. Đồng thời, đề xuất tham mưu với Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã những vấn đề về chính sách tín dụng cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân địa phương”.
05 năm qua trên địa bàn xã có hơn 325 lượt hộ vay vốn NHCSXH, góp phần cải thiện cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn. Hơn 166 hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi. Chất lượng tín dụng chính sách tại Kỳ Ninh không ngừng được củng cố, nâng cao, 4 năm gần đây xã không phát sinh nợ quá hạn…
Bước đột phá của tín dụng chính sách
Trên thực tế, sau 05 năm triển khai tổ chức và thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã đồng nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Từ đó, thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách; đồng thời quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả trong thực tế…
Đặc biệt, hàng năm Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đồng thời ưu tiên hỗ trợ ngân sách trang bị, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Ở cấp huyện, thị xã hàng năm trích ngân sách tối thiểu 250 triệu đồng chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách…
Phát huy vai trò của các đoàn thể, đến nay các Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã phối hợp với NHCSXH, chính quyền các cấp thành lập 3.558 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 118.368 thành viên. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, minh bạch, công khai, thông qua nhiều khâu giám sát, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn được cho vay kịp thời, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và NHCSXH tỉnh hỗ trợ người vay vốn trong công tác áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn; tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, bảo quản, tìm đầu ra và định hướng tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn vay.
Giám đốc NHCSXH Hà Tĩnh Lưu Văn Minh cho biết: Chi nhánh thường xuyên tăng cường kiểm soát nội bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng. Nhờ triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các cơ chế, nghiệp vụ; vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng, hộ nghèo… Các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, do vậy chất lượng tín dụng được củng cố, nâng cao, nợ quá hạn luôn thấp toàn hệ thống. Đến 30/6/2019 nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ.
Đến nay, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 36.950 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 37.127 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, quê hương, không còn HSSV phải bỏ học vì không trang trải được chi phí…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Hà Tĩnh đã có những bước tiến cơ bản về công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong đó, việc thực hiện Chỉ thị số 40 với cơ quan tham mưu là NHCSXH đã tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị.
Vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn đã giúp bà con nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen tồn tại trong nông thôn; gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm; góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn mới ngày càng khởi sắc… ở nơi được ví như “chảo lửa, túi mưa”.
Bài và ảnh Nghi Lộc
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chỉ thị số 40 của Đảng trên vùng cao biên giới Đa Krông
- » Tín dụng chính sách trên vùng đất Tổ
- » Ngân hàng Chính sách tỉnh Xieng Khuang (Lào) thăm và làm việc tại NHCSXH tỉnh Nghệ An
- » Người huyện nghèo được vay 100% vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động
- » Sức lan tỏa từ một chủ trương lớn của Đảng
- » CÂU CHUYỆN VAY TRẢ
- » Đoàn giám sát Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại tỉnh Đồng Tháp