Thực hiện Chỉ thị số 40 ở Yên Bái: Tăng trách nhiệm, rõ hiệu quả
Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt với NHCSXH, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Là tỉnh còn khó khăn nên nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới là rất lớn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH báo cáo NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến ngày 30/6/2019, nguồn vốn Trung ương cấp đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 1.278 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014.
Với nguồn tín dụng ưu đãi trên, trong 05 năm qua, các hộ vay vốn đã đầu tư, chăm sóc, cải tạo, trồng mới 53.094ha rừng, 3.226ha chè, 408ha cây ăn quả; mua 49.909 con trâu, bò và 40.68 con lợn, 66.322 con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 53.508 công trình nước sạch, công trình vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn; 1.595 HSS được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ 2.404 hộ nghèo làm nhà ở; tạo thêm 5.446 việc làm mới cho người lao động. Vốn tín dụng ưu đãi thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống và từng bước thoát nghèo… Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh mỗi năm từ 3 - 4%, mức sống bình quân của hộ nghèo cũng nâng lên so với trước.
Để trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Yên Bái xác định phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển nguồn lực con người, cải thiện và nâng cao mức sống của các tầng lớp nhân dân, giảm dần chênh lệch về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội giữa các khu vực trong tỉnh.
Trong các mục tiêu định hướng đến năm 2030, có các nhóm mục tiêu liên quan mật thiết đến các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đó là: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 78%; bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 18.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm trên 4%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, một trong những giải pháp quan trọng là tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ nói chung, nguồn lực giảm nghèo nói riêng mà tín dụng chính sách có vai trò quan trọng. Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các Ban, ngành, đoàn thể, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40; tăng cường tập trung các nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để đầu tư dưới hình thức tín dụng, hạn chế hình thức cấp phát, cho không; hàng năm trích một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, lồng ghép các dự án phát triển kinh tế, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật với tín dụng chính sách để nâng cao hiệu quả nguồn vốn; rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người vay đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại cơ sở.
Để chính sách quan trọng này phát huy hơn nữa hiệu quả, Chính phủ cần nâng mức cho vay tối đa của nhóm chương trình tín dụng phục vụ SXKD lên mức 100 triệu đồng/hộ để tạo điều kiện cho hộ vay đầu tư dự án có hiệu quả; kéo dài thời gian cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ SXKD; nâng mức cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức học phí và giá cả thị trường hiện nay.
Giai đoạn 2014 - 2019, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã cho 129.176 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với doanh số 3.850 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách; 84.000 hộ gia đình vay vốn với tổng dư nợ 2.994 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm trên 60% tổng dư nợ. Tỷ trọng vốn đầu tư vào hoạt động SXKD, phát triển kinh tế hộ gia đình chiếm 86,5%, vốn đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội chiếm 13,5%. |
Lê Phiên/Báo Yên Bái
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, hướng đến giảm nghèo bền vững
- » Huyện lúa Đức Thọ khởi sắc từ nguồn vốn ưu đãi
- » Hòa Bình tích cực đưa Chỉ thị của Đảng vào cuộc sống
- » Hòa Bình tạo đột phá trong tín dụng chính sách
- » Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai
- » Tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai
- » Vốn chính sách giúp đồng bào vùng cao Gia Lai giảm nghèo