NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHO VAY HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM, DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG VIỆC LÀM TRONG THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHO VAY HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM, DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG VIỆC LÀM TRONG THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Nhóm nghiên cứu đề tài DKH02B-2023
Tóm tắt: Trong những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung huy động các nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM). Giải pháp hỗ trợ vốn tín dụng chính sách trong đó nòng cốt là cho vay để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (sau đây gọi tắt là cho vay giải quyết việc làm) là công cụ quan trọng, là đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, phát triển toàn diện kinh tế xã hội tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả tập trung tìm hiểu, phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những điểm còn tồn tại, hạn chế và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm trong thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Từ khóa: Giải quyết việc làm, NHCSXH, Nông thôn mới thành phố Hà Nội, tín dụng chính sách.

tre

Làng nghề truyền thống Mây tre đan Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội
duy trì và phát triển nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

1. Đặt vấn đề
Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước. Chương trình MTQG về xây dựng NTM được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn. Hà Nội là một Thành phố đặc biệt, là trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của cả nước, tuy nhiên lại có sự phân hoá rõ rệt về kinh tế, xã hội giữa khu vực trung tâm Thành phố và khu vực ngoại thành. Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực thực hiện chương trình MTQG về xây dựng NTM tại 18 huyện, thị xã. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã, đang và sẽ tiếp tục giúp các địa phương củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM cũng như tiếp sức cho các địa phương hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu của Thành phố.
Trong điều kiện bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Thành phố có yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước đây, đòi hỏi cần tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế xã hội tại khu vực nông thôn, trong đó có giải pháp hỗ trợ vốn tín dụng chính sách, đặc biệt là vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm. Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả cho vay chương trình tín dụng này đối với xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố Hà Nội là rất quan trọng và cần thiết.
2. Thực trạng hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội
Trong thời gian qua, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là nguồn địa phương (nguồn từ ngân sách thành phố và UBND cấp huyện ủy thác sang NHCSXH) trong đó nguồn vốn được ưu tiên để phân bổ về các địa phương thực hiện chương trình NTM.
Bảng 1. Diễn biến nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm tại 18 huyện, thị xã giai đoạn 2020-2023
Đơn vị: triệu đồng

Năm

Tng ngun vn

Ngun vn Trung ương

Ngun vn đa phương

Trong đó

T trng trên tng ngun vn cho vay các chương trình ti 18 huyn, th xã

Ngun NS Thành ph

Ngun NS cp huyn

Ngun Mt trn T quc các cp

2020

3.823.913

939.066

2.884.847

2.770.657

103.082

11.109

49%

2021

5.245.266

1.326.155

3.919.111

3.775.238

132.757

11.116

59%

2022

6.768.518

1.557.450

5.211.068

5.025.752

172.662

12.654

70%

2023

8.002.398

2.095.288

5.907.110

5.680.019

213.492

13.599

75%

 

Nguồn: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội
Qua bảng trên ta thấy, nguồn vốn tăng đều qua các năm. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, 17 huyện gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn và Ba Vì và 01 thị xã Sơn Tây đã tích cực triển khai giải ngân vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bảng 2: Kết quả thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm tại 18 huyện, thị xã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2023
Đơn vị: triệu đồng

Năm

Doanh số cho vay

Số lượt khách hàng vay

Số lao động được QGVL

Tổng dư nợ

Tổng dư nợ phân theo tính chất nợ

Số khách hàng dư nợ

Dư nợ bình quân

Mức cho vay bình quân

Tỷ trọng dư nợ / tổng dư nợ các chương trình

Nợ trong hạn

Nợ quá hạn

Nợ khoanh

2020

2.256.472

50.321

51.831

3.818.533

3.817.377

964

192

91.471

42

45

49,5%

2021

2.587.314

55.320

60.852

5.243.402

5.242.308

811

282

117.420

45

47

59,1%

2022

3.129.866

62.394

68.633

6.570.351

6.569.224

686

442

139.896

47

50

68,2%

2023

3.098.181

58.368

64.205

7.739.992

7.738.779

703

510

156.570

49

53

72,5%

 

Nguồn: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội
Qua bảng số liệu trên, ta thấy nguồn vốn cho vay, doanh số cho vay, doanh số cho vay bình quân/01 khách hàng, số lượng khách hàng được vay vốn, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm tại 18 huyện, thị xã thực hiện chương trình MTQG về xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng trưởng mạnh qua các năm, trở thành chương trình tín dụng trụ cột của Chi nhánh.
Tỷ lệ thu nợ/nợ đến hạn hằng năm đều đạt trên 99,5%; nợ quá hạn và tỷ lệ nợ quá hạn trên dư nợ cho vay ngày càng giảm, nếu như năm 2020, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình trên địa bàn 18 huyện, thị xã là 0,03% thì năm 2023 là 0,009%, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình này tính trên toàn Thành phố (hiện là 0,014%).
Hiện 100% dư nợ của chương trình cho vay giải quyết việc làm tại 18 huyện, thị xã đều là phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc (tuyên truyền vận động, bình xét vay và quản lý vốn vay, kiểm tra giám sát, tập huấn…) thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Phương thức cho vay này mang tính ưu việt cao, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi.
Trên đây là những kết quả được thể hiện rõ nét qua các số liệu minh chứng. Để có cái nhìn khách quan, đánh giá sát hơn hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với khu vực nông thôn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, về mặt định tính, nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát 900 người gồm các đối tượng là khách hàng 540 người (bao gồm 450 khách hàng đang vay vốn chương trình giải quyết việc làm và 90 khách hàng không/chưa vay vốn chương trình), 180 cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã, 90 lãnh đạo UBND cấp xã của 18 huyện, thị xã thuộc khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội và 90 cán bộ Cphi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 86% số lượng được khảo sát đánh giá “Rất hài lòng” với chủ trương, chính sách của Nhà nước về chương trình cho vay giải quyết việc làm cho các đối tượng thụ hưởng, có 12% đánh giá “Hài lòng” và chỉ có 2% phiếu đánh giá “Tương đối hài lòng”; 88% số người được hỏi đánh giá nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò “rất quan trọng” trong các nguồn lực xây dựng NTM tại địa phương, 12% phiếu khảo sát còn lại đánh giá ở mức độ “quan trọng”.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm có nhiều ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của mọi tầng lớp nhân dân bởi đối tượng vay vốn của chương trình này rộng, dễ tiếp cận; lãi suất cho vay hợp lý (85% số khách hàng được khảo sát đang vay vốn xác nhận); thời gian cho vay và phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung qua các tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp (90% số khách hàng được khảo sát xác nhận).
Riêng đối với mức cho vay còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Khảo sát 450 khách hàng đang vay chương trình cho thấy, có 66% nhu cầu vay trong khoảng 200-300 triệu đồng/lao động, 28% có nhu cầu vay trong khoảng 100-200 triệu đồng/lao động, chỉ 6% có nhu cầu vay từ 100 triệu đồng trở xuống. Có nhiều ý kiến đề xuất nâng mức cho vay (mức cho vay bình quân hiện đang là 53 triệu đồng/lao động).

bth

Hộ bà Bùi Thị Hường, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
vay vốn tín dụng chính sách để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh

3. Đánh giá thực trạng hiệu quả các chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội
3.1. Những kết quả đạt được
Một là, chương trình cho vay góp phần giúp các địa phương đạt được tiêu chí Thu nhập trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Với nguồn vốn vay từ chương trình đã giúp người dân sử dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có của gia đình, tạo thêm việc làm, đa dạng hóa ngành nghề, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hai là, chương trình cho vay góp phần giúp các địa phương đạt tiêu chí Lao động. Với phương thức cho vay qua các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) do các tổ chức chính trị xã hội quản lý, không phải thế chấp tài sản, nhiều người dân nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại có thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng gia sản xuất, không những tạo việc làm cho bản thân và người thân trong gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho lao động thuê ngoài.
Ba là, chương trình cho vay giúp các địa phương đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nghèo đa chiều. Người dân nghèo, người yếu thế do thường có tâm lý e ngại khi vay vốn, sợ giao tiếp, sợ thủ tục phức tạp… nên dễ tham gia vay từ nguồn tín dụng đen hoặc bán sản phẩm non, dẫn đến tình trạng nghèo, thoát nghèo rồi lại tái nghèo. Với việc luôn được quan tâm về nguồn vốn, được hỗ trợ về cách thức làm ăn từ các tổ chức chính trị - xã hội, người nghèo và các đối tượng yếu thế tự tin đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, từ đó thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.
Bốn là, chương trình cho vay giúp các địa phương đạt được tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Năm là, chương trình cho vay gián tiếp giúp các địa phương đạt được các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự tại địa phương.
Sáu là, chương trình cho vay có nhiều ưu đãi đối với các đối tượng thụ hưởng, nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể nhân dân. Người dân tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng, đồng sức đồng lòng hưởng ứng phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” của Thành phố.
3.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất, nguồn vốn cho vay tăng trưởng hằng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn: tăng trưởng của nguồn vốn cho vay không theo kịp với tốc độ tăng trưởng của cầu lao động tại khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội.
Thứ hai, mức cho vay bình quân/người lao động còn thấp, chưa đáp ứng đủ quy mô đầu tư.
Thứ ba, đối tượng cho vay tập trung hầu hết là cho vay người lao động, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế.
Thứ tư, một số khó khăn, vướng mắc trong cơ chế nghiệp vụ đang là rào cản đối với một số trường hợp trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay.
Thứ năm, trình độ, năng lực của cán bộ tín dụng, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV còn hạn chế.
Thứ sáu, năng lực, trình độ, nhận thức của người dân khu vực nông thôn Thủ đô Hà Nội về xây dựng nông thôn mới cũng như thông tin về việc tiếp cận vốn tín dụng chính sách số lượng lớn để đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thứ nhất, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Chi nhánh Thành phố và NHCSXH nơi cho vay cần tiếp tục khai thác lợi thế, tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp tham mưu cho UBND cùng cấp tăng cường bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH, rà soát lại các nội dung, các quỹ đang hoạt động từ nguồn vốn ngân sách địa phương để tập trung vào một đầu mối là NHCSXH; tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý, sử dụng nguồn lãi thu được từ chương trình cho vay, đặc biệt là lãi thu được từ nguồn ngân sách địa phương, quy định tỷ lệ cố định từ lãi thu được dành cho công tác đào tạo, tập huấn, hội thảo, thăm quan học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù cho phép các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác xây dựng các dự án thu hút hội viên tham gia vào sản xuất quy mô lớn tập trung theo chuỗi giá trị hoặc cơ chế cho vay đối với các chương trình, dự án cụ thể được giao cho cơ quan, đơn vị chủ quản chủ trì xây dựng (ví dụ như dự án phát triển làng nghề, chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP được giao cho phòng kinh tế hoặc phòng Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng, dự án liên quan đến phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải do phòng dân tộc thực hiện….), nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất.
Thứ hai, nhóm giải pháp về nguồn vốn, điều hành, phân bổ kế hoạch: xây dựng kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn cần lưu ý đến tiến độ xây dựng NTM tại từng địa phương; phân bổ vốn kịp thời, hợp lý phù hợp với thời vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng từng thời kỳ.
Thứ ba, nhóm giải pháp về nâng cao năng lực, kỹ năng của cán bộ triển khai thực hiện, cũng như nâng cao trình độ của khách hàng trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay của chương trình, cần xây dựng các kho bài giảng trực tuyến, cẩm nang tín dụng đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; sử dụng ứng dụng Quizizz để hỗ trợ kiểm tra, đánh giá trong đào tạo, tập huấn.
Thứ tư, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong đó cần duy trì, thực hiện tốt và tiếp tục phát huy hiệu quả các phương thức tuyên truyền hiện có đồng thời cũng nên tận dụng các nền tảng xã hội như youtube, tiktok, facebook… để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi hơn.
Thứ năm, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát để ngăn ngừa rủi ro phát sinh như tập trung quan tâm phát huy vai trò giám sát của cả hệ thống chính trị và của toàn dân đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội
Với chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội sẽ trở thành công cụ đắc lực, chung tay giúp sức cho các địa phương trong xây dựng NTM, tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Thành ủy, UBND Thành phố trong việc chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.