Mang xuân ấm đến cho người nghèo

05/02/2020
(VBSP News) Khép lại năm Kỷ Hợi, toàn tỉnh Sơn La có hàng nghìn hộ nông dân, đối tượng chính sách thoát nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ nghèo có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, làm mới và cải tạo các công trình nước sạch và vệ sinh; nhiều HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hàng nghìn người được tạo việc làm ổn định... Hơn thế, tín dụng chính sách đã tác động không nhỏ đến việc thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân, giúp những người nghèo và đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, tự tin bước sang xuân mới Canh Tý.
Phụ nữ nghèo xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai vay vốn ưu đãi phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Phụ nữ nghèo xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai vay vốn ưu đãi phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Để quản lý nguồn vốn tín dụng, NHCSXH đã triển khai mô hình hoạt động Điểm giao dịch tại trụ sở UBND của 204/204 xã, phường, thị trấn và hàng tháng tổ chức giao dịch vào ngày cố định để giải ngân, thu nợ trực tiếp đến người vay; công khai các chế độ, chính sách; dư nợ, tiết kiệm của các hộ gia đình đang vay vốn trên địa bàn; thông báo các quy định mới, lãi suất, mức vay của các chương trình tín dụng qua bảng thông tin, thông báo chính sách, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực hiện chính sách tại cơ sở.
Bên cạnh đó, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng thông qua ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Nhờ đó, việc bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay được thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, có sự tham gia giám sát của người dân, của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở và Trưởng bản, tiểu khu.
Giám đốc NHCSXH huyện Vân Hồ Phạm Việt Hải cho biết: Làm tín dụng ở địa bàn với 10/14 xã vùng III, 61 bản đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của địa phương và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp trong huy động vốn; cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích để phát huy hiệu quả đồng vốn. Các cán bộ tín dụng chính sách ngoài việc phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ còn phải nhiệt tình, trách nhiệm, đi sâu, đi sát nắm chắc thực tế. Điều cơ bản, không chỉ đơn thuần đưa cho họ cần câu, mà phải giúp người dân “cách câu được cá” tức là cách làm ăn, phát triển sản xuất bền vững từ nguồn vốn chính sách.
Tín dụng chính sách có tác động không nhỏ đến việc thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân, biết thực hành tiết kiệm để đầu tư vào sản xuất. Có nhiều mô hình SXKD từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã phát huy hiệu quả. Với 15 chương trình tín dụng ưu đãi, triển khai đến 100% các xã, bản của  tỉnh, đến cuối năm 2019, tổng dư nợ cho vay đã đạt trên 4.300 tỷ đồng, giúp 31.794 lượt hộ được vay vốn; trong đó, trên 15.498 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo; 1.512 lượt hộ mới thoát nghèo, 4.370 lượt cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; 576 căn nhà được xây dựng, 22 HSSV được vay vốn, 6 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 1.801 lao động được tạo việc làm, 6.866 lượt khách hàng vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Từ nguồn vốn được vay, năm 2019, toàn tỉnh có 9.972 hộ thoát nghèo.
Bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ có 65 hộ, trong đó 55 hộ tham gia vay vốn NHCSXH để phát triển sản xuất. Năm 2017, 10 hộ dân của bản cùng vay vốn NHCSXH để trồng cây ăn quả đã quyết định thành lập HTX nông nghiệp Tiến Thành để hợp tác phát triển sản xuất. Hiện, HTX có 61ha cây ăn quả. Riêng năm 2019, HTX thu 135 tấn quả, gồm 50 tấn nhãn, 20 xoài, còn lại là cam, bưởi, thu trên 2,5 tỷ đồng. Ông Vũ Minh Trang, thành viên HTX cho biết: Năm 2015, tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để cải tạo 1,5ha nhãn và chuyển đổi 1,5ha đất nương sang trồng cây nhãn, xoài, cam, bưởi. Sau 4 năm trồng, chăm sóc cây ăn quả và tham gia làm thành viên HTX để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, gia đình tôi đã trả hết nợ. Năm nay, riêng nhãn quả, gia đình tôi thu gần 60 triệu đồng.
Còn hộ gia đình anh Hàng A Vạng, tiểu khu Pa Khen I, thị trấn nông trường Mộc Châu, năm 2012 vay 30 triệu đồng mua 2 con bò cái nền, trồng 2.000m² mận hậu xen su su để có tiền trả lãi hàng tháng và tham gia gửi tiền tiết kiệm. Đồng thời, anh nhận thầu thêm 2ha đất để trồng ngô, trồng cải lấy hạt. Sau 3 năm, cây mận hậu cho thu hoạch cộng với sản phẩm từ cây ngô, cải trên mảnh đất nhận thầu, gia đình anh đã trả được nợ vay đúng hạn. Đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, có 1ha mận hậu, trong đó 200 cây đã cho thu hoạch, 1 cặp bò sinh sản, 2 con lợn nái, 1.800 gốc su su và đã xây được nhà ở. Với quyết tâm thoát nghèo bền vững, năm 2017, anh tiếp tục mở dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng, hiện tại, thu nhập từ chăn nuôi, mận hậu, su su, cải khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đồng hành cùng người dân, nguồn vốn chính sách là minh chứng khẳng định tính nhân văn của chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực quan trọng, hiệu quả trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng NTM, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh Nguyễn Yến

Các tin bài khác