Bước chuyển lớn trong nhận thức và hành động
Đưa vào Nghị quyết việc uỷ thác nguồn vốn
Phóng viên: Ông có thể điểm qua những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn?
Trả lời: Thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm… là điều dễ nhận thấy nhất ở Hàm Thuận Nam. Với việc bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện; dốc toàn tâm, toàn lực hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng… là minh chứng cho sự thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Tính đến nay, chúng tôi bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH cho vay đạt trên 4 tỷ đồng. Năm 2018, HĐND huyện điều chỉnh Nghị quyết giao UBND huyện bố trí 500 triệu đồng; hàng năm, căn cứ khả năng nguồn thu ngân sách, huyện chủ động sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, hỗ trợ cho NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay giảm nghèo.
Công tác phối hợp giữa NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng uỷ thác cũng được nâng cao. Hiện nay, NHCSXH huyện thực hiện tổ chức giao dịch tại 13 Điểm giao dịch xã, thị trấn. Việc phối hợp này đã giúp các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng hoạt động; tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giúp người nghèo có điều kiện được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao dân trí… Hiện, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với NHCSXH huyện tham gia quản lý trên 9.000 hộ vay vốn, với số tiền 240 tỷ đồng, chiếm trên 99,9% tổng dư nợ tín dụng.
Ngược lại, năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% thôn, khu phố của huyện; chuyển tải kịp thời đồng vốn tới tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát.
Khoảng cách giàu nghèo dần thu hẹp
Phóng viên: Kết quả đó đã tác động như thế nào đến đời sống của người dân Hàm Thuận Nam nói chung, hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn nói riêng?
Trả lời: Đúng như những gì chúng tôi đã nhận định khi triển khai Chỉ thị số 40. Nguồn vốn này đã góp phần giúp huyện thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Giúp cho hệ thống dân - chính - Đảng ngày càng gắn bó; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, qua nguồn vốn đã có hơn 1.300 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 512 lao động; trên 500 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 13.586 công trình NS&VSMTNT, 12 căn nhà ở cho hộ nghèo và các hộ gia đình có thu nhập thấp…
Từ những kết quả nêu trên, có thể khẳng định Chỉ thị số 40 là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, là kim chỉ nam quan trọng trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Khó, cũng sẽ bố trí!
Phóng viên: Vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 như thế nào, thưa ông?
Trả lời: Trước hết, tôi xin khẳng định, dù khó khăn đến đâu, huyện cũng sẽ cân đối dành một nguồn lực ủy thác sang NHCSXH huyện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay trong điều kiện tối đa có thể. Năm qua, mặc dù nguồn thu của toàn huyện còn thấp, song trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của HĐND huyện cũng đã ghi rõ sẽ bố trí ít nhất 500 triệu đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách. Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 40, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Rà soát, đáp ứng đủ nguồn vốn một cách nhanh nhất, đơn giản nhất đến đúng đối tượng. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với đơn vị có liên quan tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ các hoạt động khuyến công, nông, lâm, ngư; hỗ trợ kỹ thuật, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị số 40; kịp thời khen thưởng, động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để thực hiện Chỉ thị tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Từ khi có Chỉ thị số 40 đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn Hàm thuận Nam đạt 245 tỷ đồng, với trên 9.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. |
Bài và ảnh Thái Bình
Các tin bài khác
- » Dưỡng mạch nguồn vốn xoay chuyển đói nghèo
- » Quảng Nam: Tạo sức bền phát triển kinh tế
- » Đà Nẵng: Chỉ thị số 40 đi vào thực tế cuộc sống
- » Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên hành trình giảm nghèo của Cao Bằng
- » Quyết sách mang tính đột phá
- » Hưng Yên: Tín dụng chính sách thúc đẩy kinh tế địa phương
- » Hải Dương: Động lực phát triển kinh tế bền vững
- » Hà Nội đi đầu từ cơ chế đặc thù riêng có
- » Xuân sớm xứ “Mường Trời”