Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An

27/01/2020
(VBSP News) Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào đời sống, có tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách tỉnh Nghệ An. Đồng vốn ưu đãi đã và đang tạo “cú hích” để nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Lương Văn Bảo vay vốn ưu đãi nuôi bò

Anh Lương Văn Bảo vay vốn ưu đãi nuôi bò

“Cú hích” để thoát nghèo

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương. Chứng kiến cơ ngơi của gia đình, nhiều người không ngờ chỉ 5 năm trước, đây là một trong những hộ khó khăn nhất của xã. Bữa trưa chưa qua đã lo bữa tối, lam lũ quanh năm nhưng cái nghèo vẫn đeo bám…

Tìm cách thoát nghèo, năm 2014 chị vay 44,2 triệu đồng từ NHCSXH để trồng rừng. Sau đó, chị mạnh dạn vay tiếp vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Đến nay, trang trại của gia đình có diện tích gần 10ha. Trong đó, có các khu chuồng trại chăn nuôi gà, ao thả cá, trồng keo lá tràm… Hiện nay, với việc phát triển kinh tế trang trại, doanh thu của gia đình thu gần trăm triệu đồng mỗi năm. Từ khó khăn, gia đình đã thoát nghèo bền vững.

Tương tự là gia đình anh Lương Văn Bảo, dân tộc Thái ở xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp. Năm 2014, anh Bảo vay 30 triệu nuôi bò sinh sản và xây dựng truồng trại. Năm 2017, sau khi trả hết nợ cũ, anh tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng nuôi bò sinh sản. Nhờ nuôi bò, trồng mía, đến nay gia đình đã thoát được nghèo. Từ một thành viên vay vốn, anh Lương Văn Bảo đã trở thành Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn có 59 thành viên là đồng bào DTTS, tham gia đầy đủ các khóa tập huấn do ngân hàng tổ chức. Thông qua đó, anh càng hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, lợi ích của nguồn vốn chính sách, rồi về phổ biến lại cho các hội viên.

Giám đốc NHCSXH huyện Quỳ Hợp Nguyễn Thanh Hải cho biết, dù còn những khó khăn, song các thành viên trong tổ luôn trả nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các hội viên trong tổ đã phát huy được nguồnvốn vay, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Từ nhận thức đến hành động

Có thể khẳng định, ở Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc thực hiện Chỉ thị số 40 đạt được những kết quả tích cực. Đây là một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân. Đặc biệt, đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Tại Nghệ An, sau khi có Chỉ thị số 40, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 463/KH-UBND. Trong đó, Chỉ thị số 29-CT/TU yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền; tập trung huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Hàng năm, UBND tỉnh, huyện, ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho các đối tượng chính sách, ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng có đối tượng chính sách lớn…

Đến nay, NHCSXH tỉnh Nghệ An đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 8.361 tỷ đồng. Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết, nguồn vốn ưu đãi luôn được quan tâm, tăng cường. Bên cạnh đó, ngân hàng còn tích cực huy động các nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống, củng cố nguồn lực cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Song song đó là tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách ở Nghệ An cũng không ngừng được củng cố,  nâng cao. Nợ  quá hạn hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ 0,14% tổng dư nợ (giảm 0,09% trước khi có Chỉ thị số 40).

Tuy nhiên, trên thực tế Nghệ An là một tỉnh lớn, dân số đông, đối tượng chính sách nhiều, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn… Bởi vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cơ sở cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; đồng thời, quan tâm tập trung nguồn lực, bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay từ ngân sách địa phương, tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động ổn định, bền vững góp phần vào sự phát triển quê hương xứ Nghệ.

Bài và ảnh Nghi Anh

Các tin bài khác