Xuân về trên quê hương búp sen hồng

25/01/2020
(VBSP News) Mùa xuân đã về mang bao niềm vui cho người dân trên quê hương đất Việt. Hòa chung trong không khí đó, niềm hân hoan phấn khởi của những hộ nghèo đang dần thoát nghèo tại Đồng Tháp lại được nhân lên gấp bội khi được Nhà nước hỗ trợ vốn vay.

sen-dong-thap-muoi-1-copy

Luồng gió mời từ Chỉ thị số 40

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị số 40, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động; đồng thời chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn  bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố hàng năm tùy vào tình hình thực tế, bố trí ngân sách và chuyển từ 500 triệu - 1 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Từ đó đến nay, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng mỗi năm cùng với nguồn vốn của tỉnh, các địa phương đều ủy thác sang NHCSXH tỉnh Đồng Tháp để cho vay. Hiện tổng nguồn vốn địa phương ủy thác đạt 373 tỷ đồng, trong đó năm 2019 là 58 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết: “Để nâng cao trách  nhiệm  của địa phương trong việc cùng với Trung ương thực hiện tốt tín dụng chính sách, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố mỗi năm chuyển 500 triệu đồng để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, góp phần hoàn thành mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

“Cần câu” cho người nghèo

Hoạt động tín  dụng  chính sách xã hội ở tỉnh Đồng Tháp đã được 17 mùa xuân. Thông qua nguồn vốn đã góp phần cải thiện cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, góp phần ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế và tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo, xây dựng NTM tại địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc cho biết, người dân ở đô thị đất đai ít nên rất cần vốn phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, làm bột gạo, trồng hoa cảnh, buôn bán nhỏ… Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ TP Sa Đéc Trần Thị Hoàng Phương cho biết, nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều chị em thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu. Như chị Ngô Thúy Linh nhờ nguồn vốn vay đã mở rộng diện tích trồng hoa cảnh và vợ chồng chị đã tận dụng như một cơ hội để làm giàu. Còn chị Nguyễn Thị Thảo cũng đã thoát nghèo từ việc tận dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư mua máy làm bột gạo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và rất nhiều chị em phụ nữ khác mở quán ăn, giải khát… tự giúp mình thoát nghèo và còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trong khi đó, thông qua nguồn vốn ưu đãi có nhiều nông dân nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo. Trong căn nhà khang trang, CCB Trần Văn Quyết ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cười tươi: “Nhờ vay vốn nuôi bò mà tôi thoát nghèo đó”. Ông Quyết thoát nghèo là nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Chính nhờ được hỗ trợ “cần câu”, nên theo ông Huỳnh Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, để giúp người dân có vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện gia đình, cải thiện đời sống, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để cho vay đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Tín dụng chính sách xã hội đã được quan tâm

Nói về hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Giám đốcNHCSXH tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho biết: “Hiện NHCSXH đang cho vay 14 chương trình có tổng dư nợ 3.318 tỷ đồng, tăng trưởng so với năm 2018 hơn 6%, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên”.

Nông dân làng hoa Sa Đéc vay vốn chính sách trồng hoa cây cảnh

Nông dân làng hoa Sa Đéc vay vốn chính sách trồng hoa cây cảnh

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đồng Tháp, nhận thức, quan điểm của lãnh đạo, chính quyền địa phương đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh Đồng Tháp  đã  bổ sung 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. 100% huyện, thị xã, thành phố chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để       cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.

Giám đốc NHNN tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Quế đánh giá cao việc thực hiện chức năng giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua giám sát của MTTQ các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể và cả những cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tổ chức quy trình nghiệp vụ theo các quy định của Trung ương đến cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị; tăng cường công tác huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; chất lượng và hiệu quả của các Điểm giao dịch.

Bài và ảnh Hồng Cúc

Các tin bài khác