Tín dụng chính sách xã hội tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: Trong những năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ luôn tập trung ưu tiên nguồn lực để bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo từ nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của cộng đồng, doanh nghiệp và các địa phương, cả nước đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo mà Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,55% (bình quân giảm 300 nghìn hộ/năm), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 5,5%/năm; cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo được cải thiện rõ rệt, đời sống người nghèo được cải thiện, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (hộ nghèo, HSSV và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện trên 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác sang NHCSXH thực hiện. Đến 31/12/2019, tổng dư nợ đạt 206.805 tỷ đồng, tăng 64.277 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong giai đoạn 2016 đến hết năm 2019, đã có trên 8,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 245.224 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động (trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.
Mô hình tổ chức quản trị của NHCSXH mang tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp với sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. Đây là hướng đi đúng, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả; đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt của chính quyền cấp xã.
Với cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tổ chức gần 11 nghìn Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% thôn ấp, bản làng.
Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Điều này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đánh giá: “Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là một trong những “Điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội thời gian qua vẫn còn những thách thức, đó là: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều. Một số vùng, địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao. Đối tượng thụ hưởng một số chương trình tín dụng như cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận. Tại một số nơi, công tác phối hợp giữa hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
“Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt được hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng thông tin.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành khẳng định: “Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”. Cho biết những năm qua các cấp Hội Nông dân luôn đồng hành cùng NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, đó là chuyển cách làm từ “cho con cá bằng đưa cần câu” cho người nghèo. Qua đó đã thúc đẩy họ làm ăn, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần sự ỷ lại để vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, tín dụng chính sách là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, và đã có tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào DTTS theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua đã giúp cho gần 11.000 hộ trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10.500 lao động; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,67% xuống còn 2,85% cuối năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Quyến ở thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo. Tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Hội Bắc và được bình xét cho vay 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, từ 2 con bò cái, gia đình bà đã phát triển lên 4 con. Quyết tâm tạo thêm nguồn vốn lâu dài, năm 2018, sau khi trả hết số vốn vay hộ nghèo, bà mạnh dạn đề nghị vay tiếp 30 triệu đồng từ chương trình vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng chăn nuôi bò sinh sản và trồng thêm 2,5ha keo. Tuy nhiên khó khăn ập đến khi người con đầu bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc chồng bà bị tai nạn và ra đi mãi mãi. Từ một gia đình bình thường, giờ mất đi trụ cột lao động chính, kinh tế gia đình bấp bênh, luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, các con có nguy cơ phải bỏ dở việc học. Được NHCSXH cho vay chương trình tín dụng HSSV, con bà đã tốt nghiệp đại học loại giỏi và có việc làm ổn định.
Đánh giá cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, trên cơ sở các nguồn lực huy động được, NHCSXH đã triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho 9 chương trình tín dụng lớn là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NS&VSMTNT, giải quyết việc làm, HSSV, tín dụng đối với vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào DTTS với dư nợ chiếm tới 98%. Ngoài việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được nâng lên. Trong khi nợ xấu của nền kinh tế lớn thì nợ quá hạn các chương trình tín dụng chính sách xã hội chỉ chiếm tỷ lệ 0,7%.
“Có thể nói, NHCSXH và chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững gắn với các Đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước - NHCSXH - các tổ chức hội, đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.
Nêu lên những nguyên nhân của sự thành công, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại, trong đó có việc vốn của các địa phương ủy thác qua NHCSXH còn khiêm tốn. Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua NHCSXH trên 100 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương; tổ chức huy động tốt các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân với công tác này; tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH.
“Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ, để có mức vốn của Nhà nước và có nguồn gốc Nhà nước đủ lớn cho NHCSXH, có cơ chế cho ngân hàng tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình, giải quyết sinh kế, vươn lên làm giàu”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo Phó Thủ tướng, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và đảm bảo hoạt động ổn định của NHCSXH, tính tới việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã miền núi và đồng bào DTTS được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam, NHCSXH chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện chính sách như nâng mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và chương trình tín dụng NS&VSMTNT,…
Hoan nghênh TP. Hồ Chí Minh có chủ trương hàng năm bổ sung ít nhất 600 tỷ đồng cho vay các đối tượng chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị HĐND, UBND các tỉnh, thành phố khác tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
“Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH. 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng kêu gọi.
Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của NHCSXH tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. MTTQ mở rộng cuộc vận động “Vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội, không để phát sinh nợ đọng, nợ khoanh mới. Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành không để nợ nghĩa vụ của Nhà nước đối với NHCSXH. Bên cạnh đó, yêu cầu NHCSXH làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để người nghèo và các đối tượng chính sách khác hiểu được chính sách nhân văn tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.
Nhóm PV
Các tin bài khác
- » Gala Cặp lá yêu thương Tết Canh Tý - Con là nắng
- » Điều hành chính sách tiền tệ, giữ nền tảng vĩ mô ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao
- » THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI CỦA THỐNG ĐỐC NHNN VIỆT NAM
- » Thông báo tuyển dụng lao động năm 2020
- » Tết thoát nghèo
- » NHCSXH làm việc với Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở CHLB Đức
- » Kết nối ước mơ đến trường cho những trẻ em nghèo Bình Phước
- » Hỗ trợ đắc lực cho người dân thoát nghèo
- » Hà Tĩnh vẫn đi lên hát bài ca Đảng bắt nhịp cho ta
- » Tín dụng chính sách ở miền biên viễn Tây Nam