Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Sớm hành động để hiện thực hóa các mục tiêu

24/01/2020
(VBSP News) Ngày 18/11/2019, Quốc hội thông qua Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tám ngày sau đó, Hội nghị triển khai Nghị quyết diễn ra với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. “Điều này cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của Đề án với sự phát triển của đất nước nói chung và vùng sâu, vùng xa nói riêng”, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Tích hợp chính sách cho đồng bào

Phóng viên: Thưa ông, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có tầm quan trọng như thế nào?

Trả lời: Việc ban hành Nghị quyết 88 theo tôi là một quyết định, một quyết sách đúng đắn của Quốc hội. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác Hồ về công tác dân tộc, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; đồng thời hiện thực hóa Điều 70 của Hiến pháp; để miền núi tiến kịp miền xuôi; để đồng bào, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bảo đảm công bằng xã hội và giảm nhanh khoảng cách giữa các vùng miền cũng như các cộng đồng dân tộc trong cả nước.

Như chúng ta đã biết, công tác dân tộc và chăm lo cho vùng đồng bào DTTS không chỉ bây giờ mới được quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, sự quan tâm chưa thật sự hiệu quả có nguyên nhân khách quan về điểm xuất phát thấp và điều kiện tự nhiên khó khăn; có nguyên nhân chủ quan do việc đầu tư còn dàn trải, dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực mà hiệu quả không như mong muốn. Chúng ta có tới 118 chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, miền núi nhưng lại nằm rải rác ở các lĩnh vực, các Bộ, ngành, các chương trình, đề án…

Do đó, việc ban hành Nghị quyết 88 là dịp để tích hợp các chính sách lại với nhau, trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS, miền núi. Nghị quyết 88 đã chỉ rõ các chỉ tiêu, trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên; tránh chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí và minh bạch cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Phóng viên: Nội dung cốt lõi của Đề án này là gì, thưa ông?

Trả lời: Nội dung bao trùm của Đề án là đầu tư cho vùng DTTS, miền núi. Cụ thể, tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; giúp các khu vực này phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo cơ chế, chính sách để tập trung nguồn lực; đồng thời động viên, hướng dẫn để đồng bào vươn lên, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và cuộc sống, không cam chịu đói nghèo.

Đề án cũng nêu rõ, đối tượng được hưởng lợi là các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn…

Đề án đưa ra mục tiêu tổng quát, đồng thời xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đáng chú ý là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS đến năm 2025 tăng hơn 2 lần so với năm 2020; đến 2030 bằng ½ thu nhập bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, sau 10 năm thực hiện Đề án, hộ nghèo sẽ giảm xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động

Phóng viên: Để đạt được mục tiêu trên cần có giải pháp như thế nào, thưa ông?

Trả lời: Nhìn lại chặng đường dài chúng ta nỗ lực cho công cuộc giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, mới thấy thành tựu to lớn của đất nước. Thành tựu đó không chỉ chúng ta thừa nhận với nhau mà thế giới cũng đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thời điểm này, chúng ta chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn giảm nghèo bền vững nên cách thức và giải pháp phải có sự thay đổi, nhằm thích ứng với tình hình mới. Quan điểm của tôi, ngoài việc đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm thì cách thức cũng phải chuyển từ cho không sang cho vay có điều kiện nhằm phát huy năng lực nội sinh của đồng bào DTTS và miền núi.

Trong Đề án cũng nêu khá chi tiết các giải pháp thực hiện. Tôi hoàn toàn đồng tình với việc chúng ta phải khẩn trương giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc. Bên cạnh đó, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi để phục vụ côngtác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc.

Phóng viên: Một trong những giải pháp nêu trong Đề án là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Tôi cho rằng, đây là giải pháp hoàn toàn phù hợp và khả thi. Suốt nhiều năm qua, kết quả giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giảm nghèo đều cho thấy vai trò quan trọng của NHCSXH. Đây là một kênh giảm nghèo hiệu quả, đắc lực của Chính phủ.

Điểm sáng lớn nhất của NHCSXH chính là mô hình tổ chức quản trị đặc thù - hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của chúng ta. Nó lôi cuốn cả hệ  thống chính trị vào cuộc; kết nối một cách sâu sắc, bền vững giữa người nghèo với các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Chính yếu tố này đã giúp NHCSXH huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và mang lại những tác động tích cực đến khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng chính sách, đối tượng vay, Chính phủ cần sớm hoàn thiện, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 88; tiến hành nhanh việc phân công nhiệm vụ tới các cơ quan hữu quan để đưa Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, hướng dẫn các Bộ, ngành, HĐND, UBND tỉnh, thành phố triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Trong suốt quá trình thực hiện, có 10 triệu lượt hộ được vay vốn, như vậy NHCSXH đã bao phủ toàn bộ thôn bản, xã phường. Đặc biệt, nợ quá hạn và nợ khoanh của NHCSXH chỉ chiếm 0,7%. Tôi cho là đây là thành tựu nổi bật và rất đáng lưu ý”. Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết.

 

 

Bài và ảnh Vũ Bình

Các tin bài khác