Về nơi dòng vốn nồng đậm tình người
Gieo hạt mầm no ấm
Chúng tôi đến xã Hỏa Tiến - nơi chiếm đến 20% diện tích tự nhiên thành phố Vị Thanh (2.380ha), song có hơn 80% dân số của xã sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Dương Minh Truyền cho biết thời gian trước đây, tuy đã được quan tâm tạo điều kiện và giúp đỡ nhưng số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã vẫn còn cao.
Nhiều hộ chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp. Một trong những nguyên nhân khiến sản xuất của người dân khó phát triển đó chính là thiếu vốn. Cũng bởi vậy nhiều hộ không chuyên tâm sản xuất mà chủ yếu sống bằng nghề làm thuê hoặc bỏ địa phương đi nơi khác làm thuê, con cái không có điều kiện học hành, nhất là đối với các hộ đồng bào DTTS. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Chính bởi vậy từ khi NHCSXH hoạt động, Đảng ủy, UBND xã xác định đây là một nguồn lực, một giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội nên rất quan tâm trong việc chỉ đạo, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách được cấp trên giao cho địa phương. Hiện xã Hỏa Tiến có 23 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ đạt trên 22 tỷ đồng với 936 hộ vay. Nhìn lại hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên mảnh đất này, đã có trên 1.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp 108 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 100 lao động; giúp cho 100 HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trên 780 công trình NS&VSMTNT. Đây cũng chính là một nền tảng quan trọng để 7 mùa xuân qua xây dựng NTM, xã Hỏa Tiến đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017, sớm hơn 3 năm so với lộ trình.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chia sẻ cùng với các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ, công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM của tỉnh, các chính sách giảm nghèo đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH đang triển khai thực hiện hiệu quả đến người nghèo và các đối tượng chính sách đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển Hậu Giang.
Từ 2 chương trình tín dụng chính sách đến nay, NHCSXH tỉnh Hậu Giang thực hiện 16 chương trình và một số chương trình cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương với tổng dư nợ đạt 2.403 tỷ đồng. “Tín dụng chính sách xã hội có tác động tích cực và thiết thực đối với đời sống của nhân dân, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng ghi nhận. Nhìn lại trong 17 năm qua đã có 480 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần giúp cho trên 60 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo (tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 2% - 3%); thu hút tạo việc làm cho hơn 15 nghìn lao động; hơn 33 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 190 nghìn công trình cung cấp NS&VSMTNT; hỗ trợ 8.000 căn nhà ở cho hộ nghèo; hơn 3.000 căn nhà cho hộ nghèo phòng, tránh lũ lụt; hơn 35 nghìn lượt hộ SXKD vùng khó khăn được được vay vốn…
Đặc biệt, “kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 đã có tác động tích cực đối với hoạt động của NHCSXH về tập trung nguồn vốn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH”, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng cho biết. Nguồn vốn ưu đãi ngày càng được quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Xuân Thanh cho biết, để 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm từ 12% trở lên, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm đạt và vượt theo chỉ tiêu được giao. Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ mỗi năm từ 12%; tập trung cho vay các chương trình cho vay phát triển sản xuất, tạo việc làm và NS&VSMTNT để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức dưới 0,5%.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40. Phó Chủ tịch Đồng Xuân Thanh cũng chỉ đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, trọng tâm là chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn cho vay; thành viên Ban đại diện các cấp tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ địa phương tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động tín dụng chính sách; Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát để chỉ đạo Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay trên địa bàn.
Bài và ảnh Lê Linh
Các tin bài khác
- » Nghị lực thoát nghèo của phụ nữ vùng DTTS
- » Bước chuyển lớn trong nhận thức và hành động
- » Dưỡng mạch nguồn vốn xoay chuyển đói nghèo
- » Quảng Nam: Tạo sức bền phát triển kinh tế
- » Đà Nẵng: Chỉ thị số 40 đi vào thực tế cuộc sống
- » Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên hành trình giảm nghèo của Cao Bằng
- » Quyết sách mang tính đột phá
- » Hưng Yên: Tín dụng chính sách thúc đẩy kinh tế địa phương
- » Hải Dương: Động lực phát triển kinh tế bền vững