Góp sức xây dựng Đà Nẵng nhân văn, hiện đại

02/02/2020
(VBSP News) Chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước do NHCSXH triển khai tại TP Đà Nẵng đã góp phần giải quyết những vấn đề dân sinh đặc thù của đô thị như: nhà ở xã hội, chuyển đổi nghề khi bị giải tỏa đất, việc làm cho người mới ra tù để hòa nhập xã hội…
Bà Trần Thị Kim Quy đón các cán bộ NHCSXH đến thăm ngôi nhà mới.

Bà Trần Thị Kim Quy đón các cán bộ NHCSXH đến thăm ngôi nhà mới.

An cư lạc nghiệp
Xuân Canh Tý 2020 này, gia đình bà Trần Thị Kim Quy ở tổ 25, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ được đón Tết trong ngôi nhà mới xây 02 tầng khang trang. Bà Quy thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Nhà có hai mẹ con, trước khi cậu con trai đi làm thì gia đình sống dựa vào mức lương 6 triệu đồng/tháng của bà Quy tại một công ty dịch vụ dọn dẹp nhà. Bà Quy chia sẻ, nhà cũ dột nát nhưng chưa có đủ tiền nên cũng chưa định xây. Nhờ được vay NHCSXH 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trong 10 năm theo Nghị định 100 của Chính phủ nên bà mới cố gắng xây nhà mới cho con trai chuẩn bị cưới vợ.
Điều đặc biệt là con trai bà Quy học đại học ngành du lịch cũng được NHCSXH cho vay vốn để đi học theo chương trình dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, em ra trường và đi làm, mức lương 9 triệu đồng/tháng lại trở thành một nguồn trả nợ vốn vay xây nhà ở xã hội. Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đồng hành và giúp gia đình bà Quy tự lực vươn lên ổn định như hiện tại.
Về phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hôm nay, khách mới đến hẳn sẽ ngạc nhiên bởi bộ mặt đô thị khang trang, hạ tầng đồng bộ đến mức “không có hẻm”. Nhưng cùng với việc di dời giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án xây dựng đô thị, vấn đề tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất cũng đặt ra và được chính quyền thành phố rất quan tâm. Chính sách tín dụng ưu đãi trở thành một công cụ hữu hiệu để giúp các hộ dân chuyển từ nông nghiệp sang các ngành nghề phù hợp.
Những ngày giáp Tết, xưởng may gia công của bà Trần Thị Ánh Phượng ở tổ 24, phường Hòa Xuân rộn rã tiếng máy cho kịp các đơn hàng. Cách đây 10 năm, bà Phượng thuộc diện hộ cận nghèo, khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường bằng một lô đất ở, bà được vay vốn dành cho hộ bị di dời giải tỏa của thành phố. Bà Phượng đầu tư mua máy móc để may gia công quần áo cho các công ty. Khi cơ sở may dần phát triển, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH tiếp tục trợ lực cho bà đầu tư các máy may mới. Bà Phượng còn được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Tổ của bà hiện có 36 hộ viên, dư nợ đạt 1,1 tỷ đồng và không có nợ quá hạn.

Bà Trần Thị Ánh Phượng (hàng đầu) đầu tư mới gần 10 triệu đồng/máy may.

Bà Trần Thị Ánh Phượng (hàng đầu) đầu tư mới gần 10 triệu đồng/máy may.

Cũng ở tổ 24, phường Hòa Xuân, ông Nguyễn Thành Lâm lại tất bật với công việc bán hoa cây cảnh dịp Tết. Ông Lâm có 02 vườn hoa với khoảng 2 nghìn chậu hoa cúc, hồng, hướng dương, thược dược… Trước khi trở thành ông chủ vườn hoa thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, ông Lâm thuộc diện hộ nghèo, xoay xở mưu sinh với đủ nghề. Năm 2014, sau khi học lớp tập huấn trồng hoa do UBND phường Hòa Xuân tổ chức, ông Lâm được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để khởi nghiệp. UBND phường cũng cho ông mượn các diện tích đất dự án chưa triển khai để làm mặt bằng đặt chậu hoa. Những sự hỗ trợ thiết thực đó đã giúp ông Lâm thành công với nghề trồng hoa, hiện vườn hoa của ông tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp các hộ vay vươn lên mà còn tạo sự lan tỏa khi có thêm nhiều việc làm mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Thành Lâm giới thiệu hoa Tết với cán bộ NHCSXH.

Ông Nguyễn Thành Lâm giới thiệu hoa Tết với cán bộ NHCSXH.

Đồng vốn nhân văn
Với tín dụng thương mại, tiền án tiền sự của người vay được xem là có hệ số rủi ro rất cao. Nhưng với tín dụng chính sách xã hội, đối tượng hoàn lương đủ điều kiện và có nhu cầu đều sẽ được đáp ứng vay vốn mà không cần tài sản thế chấp. Thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), UBND TP Đà Nẵng đã bàn giao Quỹ hỗ trợ cho vay hoàn lương sang NHCSXH quản lý với 293 trường hợp, dư nợ hơn 775 triệu đồng.
Với phương thức quản lý vốn đặc thù, dựa vào sự giám sát của chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, vốn ưu đãi dành cho các đối tượng hoàn lương đã đem lại kết quả mang tính nhân văn sâu sắc. Chúng tôi đến thăm gia đình ông N.Đ.Q, một người có tiền án vì bán số đề ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Vừa nói chuyện, vợ chồng ông N.Đ.Q vừa luôn tay bốc dỡ phế liệu từ chuyến xe mới về. Ông Q cho biết sau khi ra tù, năm 2017, ông được vay 30 triệu đồng để trở lại làm nghề thu mua phế liệu. Ông không tính được thu nhập cụ thể bao nhiêu nhưng sau khi trừ chi phí nuôi con ăn học mỗi tháng ông để dành được 3 - 4 triệu đồng. Đến nay, vốn vay ông Q đã trả gần hết và ông sẽ làm thủ tục đề nghị tiếp tục được vay vì muốn mở rộng thu mua phế liệu rất cần thêm vốn.
Cũng như ông Q, gia đình bà N.T.L.H ở cùng phường Thanh Khê Tây đã bỏ hẳn nghề bán số đề, được vay vốn hoàn lương từ tháng 12/2018 để mở quán cà phê giải khát, nay đã có cuộc sống ổn định. Bà H chia sẻ vốn vay có lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp nên rất phù hợp với hoàn cảnh gia đình bà. Không chỉ với chương trình dành cho các đối tượng hoàn lương, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng phủ khắp các xã, phường của thành phố, làm “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng sống. Tính đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ở TP Đà Nẵng là 2.402 tỷ đồng với 67.311 hộ còn dư nợ. Trong đó, thành phố ủy thác cho NHCSXH 882 tỷ đồng và nhiều sự hỗ trợ khác từ các cấp chính quyền để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung khẳng định, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 có thể nhận thấy rằng, để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội thì thực tế đã chứng minh vai trò: Đảng lãnh đạo – chính quyền điều hành – NHCSXH tham mưu – MTTQ giám sát – Hội, đoàn thể phối hợp. Nhờ đó, chất lượng và quy mô tín dụng được nâng cao, thêm nhiều đối tượng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, góp phần nâng cao đời sống, ổn định trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi tín dụng đen.
Chia tay Đà Nẵng, chúng tôi vui với niềm tự hào của Giám đốc Đoàn Ngọc Chung về việc thực hiện mục tiêu thành phố “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội) có sự góp sức không nhỏ của những người làm tín dụng chính sách.

Trong năm 2019, NHCSXH TP Đà Nẵng đã cho vay 4.202 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; cho vay tạo việc làm cho 16.197 lao động; cho vay 1.436 HSSV có hoàn cảnh khó khăn; cho vay xây dựng 2.918 công trình nước sạch, 2.842 công trình vệ sinh ở huyện Hòa Vang; cho vay 293 khách hàng xây và sửa chữa nhà ở xã hội, 41 khách hàng hoàn lương; cho vay 338 cán bộ, công chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…

Bài và ảnh Mai Khôi

Các tin bài khác