Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3

17/05/2015
(VBSP News) Như tin đã đưa, ngày 17/5/2015, tại Lâm Đồng, NHNN phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3.
Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Đến dự Hội nghị có Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên Đại tướng Trần Đại Quang; Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cùng đại diện lãnh đạo các địa phương tại Tây Nguyên.

Nhiều tiềm năng, thế mạnh

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh…

Nhờ vậy trong thời gian qua, sản xuất nông, lâm nghiệp tại khu vực này từ tự cung tự cấp đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và xuất khẩu nhất là một số sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu và nhiều loại cây công nghiệp, rau, hoa, quả xuất khẩu. Trong 10 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất của nước ta thì Tây Nguyên đã đóng góp đến 4 sản phẩm là cà phê, điều, cao su, hồ tiêu… Thu nhập và đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc Tây Nguyên không ngừng được cải thiện…

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Bộ Công Thương, đến cuối năm 2013, trong khoảng 268 dự án thủy điện lớn nhỏ đang vận hành ở nước ta thì khu vực miền Trung - Tây Nguyên chiếm khoảng 44% số lượng dự án. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có thế mạnh về kinh tế lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng và dịch vụ du lịch…

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng đến nay theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nguyên mới đóng góp khoảng 4,5% GDP của cả nước và so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển. Nhu cầu để phát triển Tây Nguyên rất lớn nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, phần lớn phải huy động từ các nguồn khác như ODA, FDI…

Tuy nhiên theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tây Nguyên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn FDI so với các khu vực khác trong cả nước, nguyên nhân do: Thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống còn thấp.

Tính lũy kế đến 31/12/2014 mới có 148 dự án FDI đầu tư vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký 819 triệu USD. Bình quân một dự án là 5,5 triệu USD (thấp hơn so với mức bình quân của cả nước là 14,2 triệu USD/dự án).

Trong giai đoạn từ 2011-20/4/2015 vùng Tây Nguyên có 38 dự án FDI được cấp phép với tổng số vốn đầu tư là 122 triệu USD. Trong đó Lâm Đồng đang đứng đầu vùng với 29 dự án với tổng vốn 74,9 triệu USD; tiếp đến là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông…

Ngân hàng luôn đồng hành

Để thực khơi dậy và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của khu vực này, cũng như đưa Tây Nguyên trở thành vùng động lực kinh tế, thì ngoài sự quan tâm về chính sách, nguồn lực của Nhà nước, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, rất cần có sự liên kết, đầu tư, hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhìn lại chặng đường phát triển các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua, có thể nhận thấy sự tiếp bước và đồng hành của ngành Ngân hàng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hiện mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đã trải rộng khắp địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt Agribank, NHCSXH và các Quỹ Tín dụng nhân dân đã có các Điểm giao dịch đến tận xã trong khu vực nhằm mang tiện ích ngân hàng đến tận tay người dân ở làng xã, thôn, bản.

Ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy tín dụng trên địa bàn như chương trình cho vay tái canh cây cà phê, cho vay theo chuỗi giá trị, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…

Số liệu thống kê cho thấy trong 3 năm gần đây dù tăng trưởng huy động của khu vực lên đến 16%/năm, nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ mới đáp ứng được khoảng 57% nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong khi dư nợ cho vay của các TCTD tại các tỉnh Tây Nguyên đến cuối quý I/2015 đã đạt trên 152.000 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với cuối năm 2012. Những số liệu trên thể hiện những nỗ lực không ngừng của ngành Ngân hàng trong việc đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn cho phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên.

Ngay như việc Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với NHNN Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên này cũng đã phần nào cho thấy ngành Ngân hàng luôn kề vai, sát cánh, đồng hành cũng Tây Nguyên trong chặng đường phát triển.

“Việc Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với NHNN Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Tây Nguyên, góp phần phát triển tiềm năng kinh tế khu vực nhanh và bền vững, đồng thời cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên”, Đại tướng Trần Đại Quang bày tỏ.

Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ trao Quyết định đầu tư của 5 tỉnh Tây Nguyên cho 13 doanh nghiệp thực hiện 13 dự án tiêu biểu tại các tỉnh với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỷ đồng, trong đó tỉnh Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất lên đến 7.700 tỷ đồng và tỉnh Gia Lai có số lượng dự án nhiều nhất (4 dự án).

Các ngân hàng ký kết hỗ trợ tín dụng đầu tư vào Tây nguyên

Các ngân hàng ký kết hỗ trợ tín dụng đầu tư vào Tây nguyên

Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác của 8 NHTM với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi,…

Bài và ảnh Hoa Thanh Huyền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác