Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc

04/04/2015
(VBSP News) Ngày 04/4/2015, tại cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp NHNN Việt Nam, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc. Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương và hơn 1.000 khách mời là đại diện các NHTM, NHCSXH, doanh nghiệp từ nhiều địa phương trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trị Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trị Hội nghị

Đa số các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều có chung một quan điểm cho rằng, vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Đầu tư cho vùng Tây Bắc phát triển là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương dự Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương dự Hội nghị

Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ cho vùng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính quyền và nhân dân các địa phương, sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đã có những chuyển biết rõ nét trên từng lĩnh vực. Tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 9,54%, năm 2014 đạt 8,79%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 24,7 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 26 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với năm trước). Kết cấu hạ tầng được quan tâm; nhiều dự án hoàn thành đưa vào khai thác, các trục giao thông đường bộ huyết mạch đã và đang được đầu tư, nâng cấp và phát huy hiệu quả (nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt 7.803 triệu USD, tăng 41,71% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2014 còn 18,2% (giảm 4,3% so với năm trước).

Mặc dù, tiềm năng của các tỉnh Tây Bắc đã được nhìn thấy, nhưng các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung còn yếu kém. Thu ngân sách trên địa bàn mới đáp ứng được gần 1/3 chi ngân sách địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Những mặt hạn chế nêu trên, ngoài những nguyên nhân khách quan do địa hình chia cắt phức tạp, xa cách trung tâm kinh tế - xã hội, còn do những yếu tố chủ quan trong công tác quản lý, trong việc cải cách thủ tục hành chính và các cơ chế, chính sách, môi trường chưa thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế cho đầu tư phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị về đầu tư tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, ngành Ngân hàng đã bám sát chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước để có những chính sách đầu tư tín dụng phù hợp khai thác tiềm năng lợi thế của vùng, từng bước nâng cao đời sống người dân, đồng thời kết hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thống đốc cho biết, thời gian qua, một số chính sách tín dụng đặc thù của NHNN có tác động không nhỏ trong việc khai thác thế mạnh, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, đơn cử như chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được ngành Ngân hàng triển khai từ đầu năm 2014 được coi là công cụ hiệu quả mà ngành Ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất. Qua chương trình này, ngành Ngân hàng đã cùng các cấp chính quyền địa phương trong khu vực tổ chức được 41 Hội nghị kết nối. Thông qua các Hội nghị này đã có hơn 2.200 doanh nghiệp được các ngân hàng ký cam kết cho vay với số tiền lên đến gần 21.000 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, đến nay đã giải ngân được hơn 15.400 tỷ đồng. Nếu không có chương trình kết nối này thì hơn 15.000 tỷ đồng này đã không được giải ngân”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2014, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của vùng Tây Bắc đạt trên 26.666 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 18% tổng dư nợ vay của toàn hệ thống NHCSXH, với hơn 1 triệu khách hàng còn dư nợ.

Các đại biểu dự Hội nghị

Các đại biểu dự Hội nghị

Để Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng theo định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra tại Nghị quyết 37-NQ/TW, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực. NHNN sẽ cùng với các ngành, các cấp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo sự gắn kết giữa khu vực Tây Bắc và các khu vực khác.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các NHTM tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh cho vay và cung ứng dịch vụ ngân hàng đến các khu vực cửa khẩu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại các vùng kinh tế cửa khẩu”. Đồng thời cho biết thêm, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh trong khu vực, các Bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài (ODA, FDI…). Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo NHCSXH đẩy mạnh cho vay có hiệu quả đối với  hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại khu vực Tây Bắc nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp những chiến lược, kinh nghiệm quý báu của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các đại biểu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Hội nghị quan trọng này đối với đồng bào vùng cao Tây Bắc. “Tổng mức đầu tư được đưa ra tại Hội nghị này với khu vực Tây Bắc là 24.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, về an sinh xã hội đã có 502 tỷ đồng được các ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ, sẽ góp phần tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, nhất là vùng biên giới.

Phó Thủ tướng đề nghị sau Hội nghị này, các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư các nhà tài trợ trong và ngoài nước tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về Tây Bắc. Trên cơ sở đó, phát huy tiềm năng về vốn, công nghệ… để đầu tư vào khu vực trọng yếu này.

Các Bộ, ban, ngành và các tỉnh trong vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện thể chế chính sách tạo điều kiện để phát triển vùng. “Các tỉnh cần huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết các hợp đồng tài trợ vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp với tổng mức tài trợ được ký kết dự kiến lên tới hơn 3.500 tỷ đồng. Cụ thể, VietinBank ký tài trợ vốn 4 dự án với tổng mức tài trợ 1.832 tỷ đồng, BIDV ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 954 tỷ đồng, Agribank ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 410 tỷ đồng, ngân hàng An Bình ký tài trợ vốn 2 dự án với tổng mức tài trợ 340 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chứng kiến Lễ ký các hợp đồng tài trợ vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chứng kiến Lễ ký các hợp đồng tài trợ vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp

 

Thống đốc tặng quà

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao tặng quà cho gia đình ông Lò Văn Quân ở bản Phiêng Tiến, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu

Ngày 03/4/2015, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình đã đến thăm và tặng quà cho 02 gia đình hộ nghèo là bà Lò Thị Viên, dân tộc Thái ở bản Phiêng Hạ và gia đình ông Lò Văn Quân, dân tộc Thái ở bản Phiêng Tiến, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Ông Lò Văn Quân là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời là hộ nghèo vay vốn chương trình giải quyết việc làm và chương trình hộ nghèo từ năm 2014 của NHCSXH với 50 triệu đồng. Sau khi được vay vốn gia đình ông đã đầu tư ngay vào trồng chè và chăn nuôi bò sinh sản. Hiện nay gia đình ông đã có 5.000m2 chè đang cho thu hoạch và 4 con bò.

Thăm hỏi, động viên các hộ gia đình, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình đề nghị NHCSXH, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng vốn vay hiệu quả để đóng góp tích cực vào giảm nghèo bền vững của địa phương.


PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác