Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL

27/11/2013
(VBSP News) Trong khuôn khổ “Diễn đàn Hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long” (MDEC) 2013, ngày 25/11/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú; Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp đồng chủ trì Hội thảo.

1

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của quốc gia, là nơi cung cấp trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước. Trong hai năm gần đây, kinh tế quốc tế, trong nước phục hồi chậm và tiếp tục khó khăn, nhưng ĐBSCL vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 10,13% (năm 2012) cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. Mặc dù vậy, tốc độ phát triển của khu vực ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng, việc thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập,… quy hoạch sản xuất, đầu tư phát triển và các chính sách, cơ chế cho việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng còn khá ngổn ngang; vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. 

2

Trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng cho các tỉnh vùng ĐBSCL, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ nông dân mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa… Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai nhiều chương trình cho vay các đối tượng chính sách, xóa đói giảm nghèo; tài trợ an sinh xã hội tại khu vực, góp phần tích cực vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo.

Tuy nhiên, hoạt động của các TCTD tại vùng ĐBSCL còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được hết nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực (mới đáp ứng được khoảng 78%); hiệu quả đầu tư vốn tín dụng chưa cao, các sản phẩm tín dụng chưa phong phú,…

Do đó, việc NHNN phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL” có ý nghĩa quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp cho việc thúc đẩy tín dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong vùng.

Tại Hội thảo, các tham luận tập trung vào các nội dung chính, gồm: Đánh giá thực trạng huy động vốn và cho vay của các TCTD trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL; Phân tích, đánh giá chính sách tín dụng của Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội; Thực trạng công tác quy hoạch, liên kết vùng ĐBSCL, phát triển mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; Những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; Giải pháp tăng cường năng lực huy động vốn và cho vay tại các TCTD trên địa bàn; Giảp pháp tăng cường tính liên kết giữa vốn tín dụng ngân hàng với các nguồn vốn khác; Các giải pháp tín dụng chính sách xã hội có hiệu quả hơn để hỗ trợ, phối hợp tín dụng thương mại giải quyết bài toán vốn cho nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến 31/8/2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012; tổng dư nợ tín dụng đạt trên 300 nghìn tỷ, tăng 9,1% so với cuối năm 2012. Nhìn chung, tỷ lệ nguồn vốn huy động tại chỗ của khu vực chỉ đạt khoảng gần 77% nhu cầu vốn đầu tư cho vay trên địa bàn.

Các ý kiến cũng đánh giá hoạt động tín dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp- nông thôn, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Nguồn vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ nông dân mở rộng, phát triển sản xuất nông nghiệp. Có thể nói, các chương trình tín dụng chính sách đã từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực; cơ sở hạ tầng và bộ mặt các vùng nông thôn khu vực có những thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, các tham luận chỉ ra những nguyên nhân thuộc về đặc thù tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội như thiên tai, dịch bệnh, điều kiện địa lý, khí hậu, trình độ dân trí thấp, sự nghèo khó và chậm phát triển kinh tế của vùng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, nguyên nhân thuộc về phía khách hàng vay cũng tác động đến việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh, như quản lý, sử dụng vốn, năng lực tài chính, điều hành còn yếu; không có phương án vay vốn khả thi; doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tự tìm kiếm các giải pháp; hàng tồn kho đang ở mức cao, sức tiêu thụ hàng hóa chậm;…

Các ý kiến tham luận cũng phân tích các nguyên nhân thuộc về phía các TCTD đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, như mức độ phát triển mạng lưới; các sản phẩm dịch vụ tín dụng chưa đa dạng; thủ tục cho vay còn chưa phù hợp…

Trên cơ sở đánh giá thực trạng huy động vốn và cho vay của các TCTD trong khu vực, phân tích, đánh giá chính sách tín dụng cũng như các những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, các tham luận đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp tăng cường năng lực huy động vốn và cho vay tại các TCTD trên địa bàn, tăng cường tính liên kết giữa vốn tín dụng ngân hàng với các nguồn vốn khác; cũng như các giải pháp phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ, phối hợp tín dụng thương mại giải quyết vốn cho nông nghiệp nông thôn. Theo đó, các TCTD cần bám sát chủ trương quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực để có chiến lược và định hướng tín dụng vào những khu vực, những ngành nghề trọng điểm nhằm khai thác được tiềm năng của vùng, đảm bảo chất lượng các khoản vay. Các ngân hàng cũng cần phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù địa phương, áp dụng các điều kiện cho vay linh hoạt; đồng thời tăng cường các nguồn vốn khác, đặc biệt là những nguồn vốn ưu đãi, các nguồn tín dụng ưu đãi nước ngoài FDI, ODA… Việc phát triển mạng lưới TCTD trong vùng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa cũng sẽ góp phần tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng;…

Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần tích cực nâng cao năng lực quản lý điều hành; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chú trọng công tác xúc tiến thương mại chào bán sản phẩm tồn kho và mở rộng thị trường mới; điều chỉnh lại hoạt động, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo tính khả thi cao.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Hoạt động tín dụng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL. NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực, mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và an sinh xã hội. Phó Thống đốc cũng cho rằng để phát triển kinh tế các địa phương ĐBSCL cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, chi tiết cho vùng, cho từng tỉnh, cũng như quy hoạch ngành nghề là rất cần thiết để trên cơ sở đó, ngành Ngân hàng có thể thực hiện việc cơ cấu nguồn vốn tín dụng hợp lý cho đầu tư phát triển. NHNN cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, và kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng và tiếp cận được các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Nguồn SBV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác