Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL 2013

25/11/2013
(VBSP News) Ngày 25/11/2013, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2013 đã được tổ chức tại Vĩnh Long trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2013.
1

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình; Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp; Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú; lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh thành phố Tây Nam Bộ… cùng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2

Hội nghị xúc tiến đầu tư ĐBSCL 2013 nhằm thúc đẩy, tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực này thông qua hình thức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, trao đổi song phương với ngoại giao đoàn, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam… để đi đến thỏa thuận, ký kết hợp tác đầu tư với các địa phương. Tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án, hợp đồng tín dụng. Tổ chức khu trưng bày và cung cấp thông tin bên lề Hội nghị.

Tại Hội nghị, thay mặt NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước; là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Thời gian qua, kinh tế - xã hội trong vùng đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên còn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, chính sách tín dụng ngân hàng được xem như giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định nhằm động viên và khai thác các nguồn lực to lớn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như vùng ĐBSCL. Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL, NHNN đã và đang chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng.

NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động huy động vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân; điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; quy định áp dụng trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (hiện nay tối đa là 9%/năm); hỗ trợ các Ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) thông qua hình thức tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm mở rộng nguồn vốn cho vay và có điều kiện hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;…

Bên cạnh đó, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, NHNN đã chỉ đạo 5 NHTM Nhà nước xem xét gia hạn nợ và cho vay mới đối với các lĩnh vực này với lãi suất phù hợp (tối đa hiện nay là 9%/năm). Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tinh giản thủ tục cho vay đối với hộ nông dân, hộ sản xuất ở khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; phát triển các dịch vụ ngân hàng đa dạng, tiện ích cho bà con nông dân, như dịch vụ bảo lãnh vay vốn, dịch vụ thanh toán biên mậu, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu,…

Đối với các tỉnh ĐBSCL, trong nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực chủ động, linh hoạt triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm huy động vốn tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ nguồn vốn trong toàn hệ thống, tăng cường đầu tư vốn cho nền kinh tế và vùng ĐBSCL. Đến ngày 31/10/2013, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012 và chiếm 6,5% tổng nguồn vốn huy động trên toàn quốc; tổng dư nợ tín dụng đạt 300 ngàn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012. Dư nợ cho vay với khu vực chiếm 9,3% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực đạt 124 ngàn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ trọng 17,4%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc và chiếm 40,4% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn khu vực.

Vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại, ngành Ngân hàng còn đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách và công tác an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội tại khu vực ĐBSCL. Đến 31/10/2013, NHCSXH khu vực các tỉnh ĐBSCL đã cho vay với tổng dư nợ đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với 31/12/2012. Thông qua nguồn vốn của NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, hệ thống ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với các khu vực khó khăn tại vùng ĐBSCL. Riêng năm 2013, các ngân hàng vừa đóng góp 612 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho đồng bào Tây Nam bộ, chiếm trên 47% tổng tài trợ an sinh xã hội cho cả nước năm 2013.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng tích cực đầu tư vào các dự án lớn, dự án trọng điểm của khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Tính đến 31/10/2013, các TCTD đã ký hợp đồng cam kết đầu tư tín dụng đối với 7 dự án trên địa bàn 04 tỉnh khu vực ĐBSCL với tổng số vốn cam kết đầu tư khoảng 28 ngàn tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2015, 83 dự án đã đang và dự kiến đầu tư tại khu vực Tây Nam Bộ với số tiền lên đến 19.813 tỷ đồng. Các dự án tập trung đầu tư, cho vay các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như chế biến lúa gạo, thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi.

Riêng tại Hội nghị, các ngân hàng đã thực hiện ký kết 11 hợp đồng với tổng giá trị lên tới 5.508,4 tỷ đồng.

Ký kết Biên bản ghi nhớ Tăng cường nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ giữa NHCSXH và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ

Ký kết Biên bản ghi nhớ Tăng cường nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ giữa NHCSXH và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ

5

 6

7

Ký kết các hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đánh giá cao tính thiết thực hiệu quả của Hội nghị xúc tiến đầu tư ĐBSCL 2013. Phó Thủ tướng ghi nhận vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, NHNN, Bộ Kế hoạch đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị, qua đó góp phần tìm ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững. Qua 7 lần diễn đàn kinh tế thường niên của vùng ĐBSCL được tổ chức, đã có nhiều đóng góp thiết thực cho việc tăng cường liên kết vùng, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển vùng theo hướng tăng trưởng xanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL trong một thực thể chung.

Nguồn SBV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác