Ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng ĐBSCL

25/11/2013
(VBSP News) Website NHCSXH trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2013 (tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long, sáng ngày 25/11/2013).

Untitled-2

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã kết luận mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) là: “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu”. Cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, chính sách tín dụng ngân hàng được xem như giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định nhằm động viên và khai thác các nguồn lực to lớn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như vùng ĐBSCL.

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước; là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực này, xác định cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn được coi là một trong các lĩnh vực ưu tiên, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL, NHNN Việt Nam đã và đang chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cả nước nói chung, và khu vực ĐBSCL nói riêng. NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động huy động vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân; điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; quy định áp dụng trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (hiện nay tối đa là 9%/năm); hỗ trợ các Ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên), thông qua hình thức tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm mở rộng nguồn vốn cho vay và có điều kiện hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan triển khai có kết quả chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo Vụ Đông Xuân và Vụ Hè Thu ở khu vực ĐBSCL với khối lượng thu mua tạm trữ hàng năm lên tới hàng triệu tấn; thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo các quy định của Chính phủ;… Bên cạnh đó, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, NHNN đã chỉ đạo 5 NHTM Nhà nước xem xét gia hạn nợ và cho vay mới đối với các lĩnh vực này với lãi suất phù hợp (tối đa hiện nay là 9%/năm). Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tinh giản thủ tục cho vay nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay đối với hộ nông dân, hộ sản xuất ở khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; đi đôi với đó là tiếp tục phát triển các dịch vụ ngân hàng đa dạng, tiện ích cho bà con nông dân, như dịch vụ bảo lãnh vay vốn, dịch vụ thanh toán biên mậu, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trồng lúa, sản xuất và chế biến thủy sản, chăn nuôi, trồng cây ăn trái.

Đối với các tỉnh ĐBSCL, trong nhiều năm qua, hệ thống Ngân hàng đã tích cực chủ động, linh hoạt triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm huy động vốn tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ nguồn vốn trong toàn hệ thống, tăng cường đầu tư vốn cho nền kinh tế và vùng ĐBSCL.

Đến ngày 31/10/2013, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012 và chiếm 6,5% tổng nguồn vốn huy động trên toàn quốc. Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ tín dụng đối với khu vực ĐBSCL đến 31/10/2013 đạt 230 ngàn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012. Dư nợ cho vay với khu vực chiếm 9,3% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại khu vực ĐBSCL đạt 124 ngàn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ trọng 17,4%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm 40,4% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn khu vực.

Vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại tại vùng ĐBSCL đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Vốn tín dụng cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ, phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại phục vụ phát triển kinh tế của khu vực, ngành Ngân hàng còn đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách và công tác an sinh xã hội nhằm góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân trong khu vực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội tại Khu vực ĐBSCL. Đến 31/10/2013, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) khu vực các tỉnh ĐBSCL đã cho vay với tổng dư nợ đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, tăng 8,4% so với 31/12/2012 và chiếm 16,5% tổng dư nợ cho vay toàn quốc của NHCSXH, với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Thông qua vay vốn tại NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, thu nguồn ngoại tệ về cho đất nước, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, hệ thống Ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với các khu vực khó khăn tại vùng ĐBSCL. Tính riêng từ năm 2008 đến nay, ngành Ngân hàng đã đóng góp tài trợ an sinh xã hội cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 4.864 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động ngân hàng phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng với trách nhiệm xã hội rất cao, năm 2013 các TCTD vẫn quyết định giành 1.283 tỷ đồng để cam kết tài trợ an sinh xã hội. Riêng năm 2013, các ngân hàng vừa đóng góp 612 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho đồng bào Tây Nam bộ, chiếm trên 47% tổng tài trợ an sinh xã hội cho cả nước năm 2013.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng tích cực đầu tư vào các dự án lớn, dự án trọng điểm của khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Tính đến 31/10/2013, các TCTD đã ký hợp đồng cam kết đầu tư tín dụng đối với 7 dự án trên địa bàn 04 tỉnh khu vực ĐBSCL với tổng số vốn cam kết đầu tư khoảng 28 ngàn tỷ đồng. Riêng tại Hội nghị này, ngành ngân hàng thực hiện ký kết 83 hợp đồng đầu tư vốn tín dụng với số tiền lên tới 21 ngàn tỷ đồng để đầu tư, cho vay các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như sản xuất, chế biến lúa gạo, thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi,…

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực ĐBSCL, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng với ĐBSCL trong việc đẩy mạnh cho vay, đầu tư tín dụng để các địa phương có điều kiện phát triển nhanh và bền vững. Một số định hướng lớn như sau:

1 - Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; trong đó trọng tâm là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, hoa quả để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong vùng.

2 - Tổ chức, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gắn liền với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tại khu vực ĐBSCL, như:

- Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ;

- Chính sách cho vay hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012;

- Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-CP ngày 14/11/2013 (thay thế Quyết định số 63 ngày 15/10/2010 và Quyết định 65 ngày 2/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ);

- Nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp đối với lĩnh vực lúa gạo, thủy sản; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở khu vực ĐBSCL, như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết, sổ vay vốn thay cho hợp đồng tín dụng đối với người trồng lúa;… 

3 - Mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất đồng bào các dân tộc thiểu số để thực hiện được các mục tiêu đề ra của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

4 - Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa trong khu vực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL.

Tiềm năng và lợi thế của ĐBSCL là rất lớn. NHNN chỉ đạo, đề nghị các TCTD tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn vốn, cung cấp dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển và thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 là: Xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; là địa bàn cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, để đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL đạt hiệu quả cao, NHNN đề nghị các Bộ, ngành, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy và chính quyền địa phương của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch, lựa chọn các lĩnh vực thế mạnh của khu vực để đầu tư, tổ chức sản xuất, có chính sách mạnh mẽ thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào khu vực ĐBSCL; đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai thực hiện; bảo đảm thực hiện có hiệu quả những nội dung và mục tiêu phát triển.

Nguồn SBV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác