Hiệu quả cho vay giải quyết việc làm ở Hà Nam

11/12/2014
(VBSP News) Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của NHCSXH tỉnh Hà Nam, hàng nghìn lao động có việc làm mới, tăng thêm thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn ưu đãi đã GQVL cho nhiều lao động nông thôn của tỉnh Hà Nam

Nguồn vốn ưu đãi đã GQVL cho nhiều lao động nông thôn của tỉnh Hà Nam

Tính riêng 11 tháng năm 2014, doanh số cho vay ở miền quê đồng bằng sông Hồng này đạt trên 15 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên gần 66 tỷ đồng, với khoảng 3.200 khách hàng còn dư nợ. Như vậy là bình quân mỗi năm, chương trình đã tạo việc làm mới và ổn định thu nhập cho trên 1.500 lao động. Ngoài tạo thêm việc làm mới, từ nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình, các chủ dự án có thêm phương thức sản xuất, kinh nghiệm quản lý, cách sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Thực tế ở các huyện Duy Tiến, Lý Nhân cho thấy, vòng quay vốn vay trung bình là từ 24 - 36 tháng, chất lượng tín dụng cũng được nâng cao, tỷ lệ thu hồi vốn đến hạn đạt từ 95 - 97%.

Cũng từ Chương trình cho vay GQVL, nhiều cơ sở Tổ hợp tác và hộ gia đình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng được mô hình mẫu chứng minh cho tác dụng của nguồn vốn chính sách và ý chí vươn lên giảm nghèo, làm giàu tại khu vực nông thôn. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lương ở xã Xuân Khang, huyện Lý Nhân. Những năm trước đây, gia đình chị chỉ có 1 Tổ hợp tác may thêu thủ công. Năm 2012, được NHCSXH huyện tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL, chị Lương đã mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng thành lập Công ty TNHH Nhật Tháp. Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời, dự án sản xuất hàng may mặc gia công xuất khẩu của gia đình chị Lương đã phát huy tác dụng tốt, thường xuyên giải quyết việc làm, cho 25 - 30 lao động với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/tháng/người. Hay như gia đình ông Nguyễn Đức Chiến ở thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại, huyện Lý Nhân đã sử dụng 20 triệu đồng vốn vay từ Chương trình GQVL để “khởi nghiệp” làm kinh tế VAC tổng hợp: Giờ đây “gia tài” của ông Chiến đã có 2 dãy chuồng nuôi lợn thịt, 1 ao cá rộng tới 300m2 thả cá nước ngọt và vườn nhãn trên 100 cây xanh tốt, sai quả… cho thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Có thể khẳng định rằng, với những lợi ích mang lại, nguồn vốn vay của Chương trình GQVL là “cú hích” và hỗ trợ kịp thời để người dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện việc giảm nghèo bền vững và tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập ngay ở nơi đất chật người đông thuộc tỉnh Hà Nam.

Tuy việc cho vay vốn chính sách của Chương trình tín dụng GQVL đạt hiệu quả rõ ràng nhưng do nguồn vốn bổ sung hàng năm rất hạn hẹp, cụ thể là hiện tại tổng số vốn của chương trình giao cho NHCSXH tỉnh Hà Nam quản lý, cho vay chưa đến 70 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vốn từ Trung ương là 53,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ thấp nhất tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn nên “cung” không đủ “cầu”, làm cho chương trình gặp không ít khó khăn.

Không những khó khăn về nguồn vốn, Chương trình cho vay GQVL cũng còn nhiều bất cập trong cơ chế, quản lý, điều hành vốn. Mặc dù theo quy định của Nhà nước, đối tượng thụ hưởng của chương trình khá rộng nhưng mức vay lại quá thấp so với nhu cầu thực tế của giá cả, thị trường hiện nay. Bởi vậy, NHCSXH cùng với đông đảo khách hàng của Chương trình GQVL mong sao các cấp, các ngành chung tay giải quyết những bất cấp, như nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình này từ 20 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ và từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng đối với dự án cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ sản xuất, hợp tác xã… để Chương trình cho vay GQVL thực sự mang lại lợi ích về giảm nghèo bền vững, về an sinh xã hội.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác