ThS. Phạm Văn Thắng
ThS. Nguyễn Đăng Kiệm
Ngân hàng Chính sách xã hội
Tóm tắt
Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại; tỉnh có gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp. Việc quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp không chỉ đóng góp những giá trị về kinh tế - xã hội mà còn có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, nâng cao chất lượng nước và ứng phó với biến đồi khí hậu; phát triển du lịch, dịch vụ, bảo vệ quốc phòng an ninh của tỉnh. Bài viết nhằm phân tích thực trạng tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân; từ đó, đề xuất các giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Từ khóa: nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phát triển lâm nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội.
1. Đặt vấn đề
Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 55% và nâng cao chất lượng rừng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt khoảng 6%/năm, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 15.000 ha rừng trồng sản xuất… Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu đề ra. Từ năm 2020 - 2023, bằng đa dạng các nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, dư nợ đạt 774 triệu đồng, năm 2021 dư nợ đạt 760,7 triệu đồng, năm 2022 dư nợ đạt 874 triệu đồng, năm 2023 đạt 963,4 triệu đồng. Số hộ vay vốn để trồng rừng, bảo vệ rừng có tăng từng năm với tổng số 15.247 hộ với dư nợ bình quân 53 triệu đồng/hộ. Cụ thể, năm 2020 có 16.517 hộ có dư nợ, năm 2021 có 15.397 hộ dư nợ, năm 2022 có 15.446 hộ có dư nợ, năm 2023 có 15.508 hộ có dư nợ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đối với lĩnh vực phát triển lâm nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng. Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay lâm nghiệp chỉ đạt 963,4 tỷ đồng, chiếm 20,25% tổng dư nợ của chi nhánh, dư nợ bình quân/hộ chỉ đạt 62,1 triệu đồng. Vốn tín dụng đầu tư để phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay giải quyết việc làm, các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo rất thấp. Vì vậy, việc nghiên cứu để đề xuất các giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là hết sức cần thiết.
2. Phân tích thực trạng tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
2.1. Theo các tiêu chí định lượng
(1) Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay:
Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp tăng hàng năm nhưng không đồng đều, có lúc sụt giảm mạnh, cụ thể: Năm 2020, dư nợ đạt 774 triệu đồng, tăng 27,7% so với năm 2019; năm 2021 dư nợ đạt 760,7 triệu đồng, giảm 1,7 % so với năm 2020; năm 2022 dư nợ đạt 874 triệu đồng, tăng 14,9% so với năm 2021 và dư nợ đến 31/12/2023 đạt 963,4 triệu đồng, tăng 10,2% so với năm 2022; tăng 59% so với năm 2019. Nhìn chung tăng trưởng dư nợ những năm gần đây chưa tương xứng với tiềm năng phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.
(2) Thu nợ gốc đến hạn:
Hàng năm, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đối với các món vay trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt 100%, không làm phát sinh nợ quá hạn. Doanh số thu nợ, cụ thể: năm 2020 đạt 27.085 triệu đồng; năm 2021 đạt 27.573 triệu đồng; năm 2022 đạt 35.004 triệu đồng; năm 2023 đạt 34.338 triệu đồng.
(3) Tỷ lệ nợ quá hạn:
Tỷ lệ (%) nợ quá hạn tại chi nhánh liên tục giảm qua các năm, cụ thể: nợ quá hạn giảm 2.341triệu đồng năm so với năm 2019, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,12% năm 2019 xuống còn 0,024% năm 2023. Cụ thể: năm 2020 là 2.780 triệu đồng giảm 694 triệu đồng so với năm 2019; năm 2021 là 2.143 triệu đồng giảm 637 triệu đồng so với năm 2020; năm 2022 là 1.409 triệu đồng giảm 734 triệu đồng so với năm 2021; năm 2023 là 1.133 triệu đồng giảm 276 triệu đồng so với năm 2022.
(4) Số hộ dư nợ:
Số hộ vay vốn để trồng rừng, bảo vệ rừng… có tăng nhưng không nhiều, bình quân số hộ được vay là 15.247 hộ, cụ thể: năm 2020 có 16.517 hộ có dư nợ, tăng 3.149 hộ được vay vốn so với năm 2019; năm 2021 có 15.397 hộ dư nợ, giảm 1.120 hộ vay so với năm 2020; năm 2022 có 15.446 hộ có dư nợ, tăng 49 hộ so với năm 2021; năm 2023 có 15.508 hộ có dư nợ, tăng có 62 hộ được vay vốn.
Bảng 1. Dư nợ cho vay phát triển lâm nghiệp
Đơn vị tính: triệu đồng
TT |
Chỉ tiêu |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Đến 31/12/2023 |
|
Số dư |
Tăng so với năm 2019 |
||||||
1 |
Dư nợ |
748,3 |
774 |
760,7 |
847 |
963,4 |
+215,1 |
2 |
Số hộ dư nợ |
13.368 |
16.517 |
15.397 |
15.446 |
15.508 |
+2.140 |
3 |
Dư nợ bình quân 01 hộ |
56 |
46,9 |
49,4 |
54,8 |
62,1 |
6,1 |
Nguồn: Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh
(5) Tỷ trọng cho vay phát triển lâm nghiệp trong tổng dư nợ:
Tỷ trọng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho phát triển lâm nghiệp so với tổng dư nợ của Chi nhánh là 20,25%, cụ thể: năm 2019 chiếm 20%; năm 2020 chiếm 23,6% tăng 2,3% so với năm 2019; năm 2021 chiếm 24,4% tăng 0,8% so với năm 2020; năm 2022 chiếm 23% giảm 1,4% so với năm 2021 và năm 2023 chiếm 20,25 giảm 2,75% so với năm 2022.
Bảng 2. Tỷ trọng cho vay phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023
Đơn vị tính: tỷ đồng
Số TT |
Chỉ tiêu |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
1 |
Dư nợ cho vay phát triển lâm nghiệp |
605,6 |
773,6 |
860,2 |
933,4 |
963,4 |
2 |
Tổng dư nợ |
3.016,6 |
3.272,3 |
3.525 |
4.056,1 |
4.756,6 |
3 |
Tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển lâm nghiệp/ tổng dư nợ (%) |
20 |
23,6 |
24,4 |
23 |
20,25 |
Nguồn: Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh
(6) Dư nợ bình quân/hộ:
Số dư nợ bình quân/hộ vay trong lĩnh vực Lâm nghiệp là 53 triệu/hộ, có mức khá thấp, cụ thể: năm 2020 dư nợ bình quân là 46,9 triệu/hộ, giảm 9,1 triệu so với năm 2019; năm 2021 dư nợ bình quân là 49,4 triệu/hộ, tăng 2,5 triệu/hộ so với năm 2020; năm 2022 dư nợ bình quân là 54,8 triệu/hộ, tăng 5,4 triệu/hộ so với năm 2021 và năm 2023 dư nợ bình quân là 62,1 triệu/hộ, tăng 7,3 triệu/hộ so với năm 2022.
(7) Số doanh nghiệp chế biến lâm sản/Chủ rừng trong lĩnh vực Lâm nghiệp:
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 50 chủ rừng là các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động được giao 159.168,46 ha để thực hiện trồng rừng. Hiện nay, NHCSXH mới chỉ cho vay được 02 đơn vị là Hợp tác xã Hưng Dung và Hợp tác xã Thanh Phúc với số tiền 717 triệu đồng.
2.2. Theo các tiêu chí định tính
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 350 phiếu đối với 03 đối tượng là (1) Hộ chưa vay NHCSXH, (2) Chủ rừng đã vay (bao gồm hộ gia đình và các tổ chức…) (3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã và tổ chức chính trị - xã hội. Nhóm đã tổng hợp, phân tích và đánh giá, kết quả cụ thể như sau:
(1) Góp phần nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng:
Chính sách tín dụng phát triển lâm nghiệp đã tạo động lực để nhiều hộ dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các huyện vùng cao tích chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, phủ xanh những vùng đất trống, đồi núi trọc. Diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt, chất lượng rừng từng bước được cải thiện, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã có trữ lượng từ trung bình đến giàu; diện tích rừng trồng sản xuất tiếp tục được phát triển, trữ lượng cao, đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, từng bước gắn với công nghiệp chế biến gỗ; các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen động vật rừng, thực vật rừng được thực hiện tốt đã góp phần bảo vệ các hệ sinh thái rừng, nâng cao độ che phủ rừng; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; các tổ chức, thành phần kinh tế trong xã hội, chủ rừng về vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng;
(2) Góp phần hỗ trợ ổn định xã hội, cải thiện thu nhập cho người dân vùng núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số:
Thông qua thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi để cho vay phát triển trong lâm nghiệp đã khẳng định tín dụng chính sách là một giải pháp hữu hiệu góp phần thực hiện thành công các mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đã đẩy lùi nạn tín dụng đen thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng. Bên cạnh đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, làm giàu trên chính quê hương mình, cải thiện thu nhập cho chính gia đình mình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, những hộ bám rừng.
(3) Góp phần khai thác có hiệu quả nguồn “tài nguyên rừng”, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp:
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua phát triển lâm nghiệp cũng là động lực, tạo cơ hội trong việc đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng, hình thành một ngành kinh tế - kỹ thuật phát triển theo chuỗi giá trị từ quản lý, bảo vệ, khai thác và thương mại lâm sản; Đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản với nhiều thành phần kinh tế; duy trì ổn định mức tăng trưởng cao tín dụng cho phát triển lâm nghiệp tăng đều hàng năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của ngành lâm nghiệp nghiệp và phát triển nông thôn nói tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
(4) Góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới:
Nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh nói chung và tính dụng chính sách phát triển lâm nghiệp góp phần giúp cho Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc có thị xã Đông Triều đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, xã Việt Dân (thị xã Đông Triều) là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên cả nước. Tỉnh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong ban hành các cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các mô hình mới. Nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình được triển khai và đạt kết quả tốt, một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc, như, xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%. Đến năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13/13 đơn vị cấp huyện hoàn nông thôn mới. Những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đã góp phần làm cho diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, khu vực nông thôn.
3. Đánh giá thực trạng mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
3.1. Những kết quả đạt được
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể là:
a) Về công tác tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp:
- Bám sát nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH, định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bản tỉnh, tập trung triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, vì thế trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, tích cực, tăng trưởng đi đôi với chất lượng ổn định, bền vững. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh tham gia tích cực, hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, từ năm 2021, theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh triển khai thí điểm tại thành phố Hạ Long và huyện Ba Chẽ, đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng được hơn 1.718 ha cây gỗ lớn, cây bản địa. Tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn đánh giá đầy đủ hiệu quả chính sách để xem xét mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách theo phương thức trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, sản xuất nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, trồng cây nông nghiệp trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày … về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách tín dụng xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai đến các cấp ủy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.
b) Về hoạt động chuyên môn:
Kết quả về nguồn vốn thực hiện cho vay trồng rừng tại Chi nhánh giai đoạn 2019-2023, doanh số cho vay đạt 1.127 tỷ đồng với 17.215 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ là 143,2 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2023 đạt 963,4 tỷ đồng tỷ đồng, chiếm 28% trên tổng dư nợ chương trình có vay trồng rừng, với 15.508 khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ thu nợ đến hạn trong lâm nghiệp luôn đạt 100%, không để phát sinh nợ quá, hoặc xử lý nghiệp vụ tín dụng. Tỷ lệ nợ quá hạn liên tục giảm, đảm bảo chất lượng tín dụng của chi nhánh. Dư nợ bình quân hộ vay trong lĩnh vực lâm nghiệp tăng hàng năm.
3.2. Những tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những kết qủa đạt được, việc mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn những tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, nguồn vốn trung ương cũng như nguồn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay đối với lĩnh vực lâm nghiệp còn thấp, đến 31/12/2023, dư nợ nguồn vốn trung ương cho vay lâm nghiệp là 679 tỷ đồng, chiếm 17,99% tổng nguồn vốn cuối năm 2023;
Thứ hai, dư nợ từ nguồn vốn địa phương dành cho lâm nghiệp 18,7% tổng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chuyển sang.
Thứ ba, số hộ dư nợ và dư nợ bình quân thấp: Số hộ được vay vốn để phát triển lâm nghiệp tăng hàng năm rất thấp, trong năm 2022, 2023 tăng lần lượt 49 và 62 hộ. Mức cho vay bình quân/hộ quá thấp: đạt 53 triệu đồng/hộ chưa bằng mức cho vay tối đa của hộ nghèo, cận nghèo là 100 triệu đồng/hộ.
Thứ tư, số lượng chủ rừng là doanh nghiệp, tổ chức được vay vốn từ NHCSXH quá nhỏ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh có 50 chủ rừng, với 159.168,46 ha rừng được giao, nhưng NHCSXH mới chỉ cho vay được 02 đơn vị là Hợp tác xã Hưng Dung và Hợp tác xã Thanh Phúc (chiếm 4% trên tổng số doanh nghiệp), với số tiền 717 triệu đồng.
Thứ năm, việc cho vay để phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, còn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay rất thấp. Đến 30/12/2023, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực Lâm nghiệp là 963,4 tỷ đồng, trong đó, chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 629,3 triệu đồng, chiếm 65,28%, dư nợ hộ nghèo là 30,5 tỷ đồng, chiếm 3,16%, dư nợ hộ cận nghèo 57,3 tỷ đồng, chiếm 5,94%, dư nợ hộ mới thoát nghèo 90,8 tỷ đồng, chiếm 9,4% trên tổng dư nợ cho vay lâm nghiệp.
Thứ sáu, diện tích trồng rừng lớn, tuy nhiên việc phân bổ cho vay chưa đồng đều, cự thể chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh mới tập trung cho vay chủ yếu tại thành phố Hạ Long (120 tỷ), huyện Ba Chẽ (265,9 tỷ), Bình Liêu (208,3 tỷ), Tiên Yên (100 tỷ), còn các huyện khác cho dưới 100 tỷ.
4. Giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Từ những phân tích trên, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bên vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như sau:
4.1. Tập trung huy động nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh
a) Khai thác triệt để nguồn vốn Trung ương:
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh tham mưu UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các cơ quan có liên quan phối hợp với NHCSXH xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn vốn các chương tín dụng chính sách xã hội sát và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tổng hợp, báo cáo UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phê duyệt và trình Tổng Giám đốc NHCSXH phân bổ vốn hằng năm. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng của Tổng Giám đốc, chấp hành định mức Quỹ an toàn chi trả, nâng cao hệ số sử dụng vốn, phân bổ chỉ tiêu vốn, đôn đốc các đơn vị cơ sở giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời, không để tồn đọng, gây lãng phí.
b) Tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương:
- NHCSXH tỉnh chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thông báo số 989-TB/TU ngày 15/8/2023 của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 07/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Công văn số 3657/UBND-KTTC ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các Sở, ban ngành tham mưu bổ sung nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách phát triển lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh tại Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 337/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Tập trung huy động các nguồn vốn khác:
Chi nhánh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp nhận ủy thác các nguồn quỹ của các tổ chức hội hiện đang quản lý, gồm Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và nguồn vốn VIE 011, 540; Tích cực huy động nguồn vốn từ cộng đồng dân cư, Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để tạo lập nguồn vốn cho vay thông qua các loại hình, sản phẩm hiện có. Bên cạnh đó, tích cực thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng với chỉ đạo giải ngân nhanh chóng kịp thời chỉ tiêu vốn mới, đảm bảo hoàn thành sớm các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Căn cứ định hướng phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, các đơn vị tham mưu kịp thời cho Ban đại diện HĐQT các cấp phân bổ vốn đến các đơn vị cơ sở.
4.2. Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội để góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững
Một là, làm tốt công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng được giao
- Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo từng năm, từng giai đoạn, chi nhánh NHCSXH tỉnh tham mưu UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, Ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các cơ quan có liên quan phối hợp với NHCSXH xây dựng kế hoạch vốn tín dụng chính sách xã hội sát và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tổng hợp, báo cáo UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phê duyệt và trình Tổng Giám đốc NHCSXH phân bổ vốn hằng năm. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được giao, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Chủ động báo cáo, tham mưu kịp thời Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát của Thành viên Ban đại diện hằng năm, đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát…
Hai là, tăng cường công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực
Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tốt về đạo đức nghề nghiệp. Chủ động tổ chức tập huấn chuyên sâu mỗi khi có chủ trương, chính sách, văn bản nghiệp vụ mới và đào tạo kỹ năng giao tiếp giúp thu hút khách hàng, phục vụ nhiều khách hàng hơn với chất lượng tốt hơn trong giai đoạn mới.
Ba là, thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục cho vay, xử lý nợ đến hạn
Tuân thủ chặt chẽ quy trình cho vay: từng cán bộ nghiệp vụ cần thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục cho vay theo quy định từ việc kiểm tra hồ sơ trước khi cho vay, trong khi giải ngân; Tổ chức thực hiện hiệu quả việc thu nợ đến hạn, kể cả thu nợ theo phân kỳ trả nợ; thực hiện việc xử lý nợ bị rủi ro kịp thời. Để góp phần thực hiện việc thu hồi nợ xấu đạt hiệu quả, chi nhánh cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên làm tốt việc phân tích, đánh giá từng khoản nợ xấu để có giải pháp xử lý phù hợp và xử lý dứt điểm; Phân bổ vốn cho vay phát triển lâm nghiệp theo hướng tập trung hiệu quả, tránh tập trung cho vay vào một khu vực, địa bàn trên tỉnh, gây mất cân đối về nguồn vốn và hiệu quả vốn vay tạo ra…
Bốn là, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền
NHCSXH phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Hội đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ TK&VV tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân, chính sách về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế từ lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đông thời, quán triệt cho người dân hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của người vay trước, trong và sau khi vay vốn, để họ không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, thực hành tiết kiệm và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn vay đúng thời hạn, trả lãi theo định kỳ hàng tháng.