Chuyện thoát nghèo, an cư nơi “rốn lũ”

06/02/2014
(VBSP News) Trở lại miền Trung sau những ngày trận lũ lịch sử quét qua hồi tháng 11/2013, dấu vết tàn phá của thiên nhiên vẫn in hằn trên những vạch tường nhà. Song ở nhiều nơi, người và cảnh vật vùng “rốn lũ” này cũng đã có nhiều thay đổi. Dù vẫn còn đó những mất mát, khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn kiên cường khắc phục khó khăn, để khoác lên vùng đất quê hương tấm áo mới trong những ngày xuân này...
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Á thoát nghèo nhờ nuôi cá trên đầm Cầu Hai

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Á thoát nghèo nhờ nuôi cá trên đầm Cầu Hai

Làm kinh tế trên đầm phá

Ông Nguyễn Ngọc Á ở thôn Hiền Vân 2, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) là hội viên CCB. Năm 2008, sau nỗ lực đầu tư nuôi cá từ số vốn ban đầu là 20 triệu đồng vay từ NHCSXH, gia đình ông đã thoát nghèo. Từ đó đến nay, ông vẫn tiếp tục đặt cả sản nghiệp của mình vào những lồng cá ngoài đầm Cầu Hai. Theo lời ông Á, đầm phá là môi trường thuận lợi để nuôi trồng thủy hải sản, nhưng bên cạnh đó, cũng phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Trước trận lũ xảy ra hồi tháng 11/2013, gia đình ông có tổng cộng 10 lồng cá. Cũng may mắn vừa kịp bán đi hai lồng thì trận lũ quét qua khiến nhà ông bị thiệt hại mất hai lồng. Vậy là Tết này, gia đình ông trông chờ vào sáu lồng còn lại để mong một cái Tết no đủ, cũng như tính tiếp kế hoạch đầu tư cho năm sau.

Cùng với đầm Cầu Hai, huyện bãi ngang Phú Lộc còn có đầm nước nổi tiếng khác là đầm Lăng Cô, cũng thích hợp cho nghề nuôi trồng thủy hải sản. Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền Võ Văn Lợi cho biết, Vinh Hiền là một trong những xã khó khăn của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Xã có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá đang được xác định là một trong những thế mạnh nhằm phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân nơi đây. Hiện nay, các hộ dân trong xã đang tập trung nuôi cá hồng, cá mú, tôm và đặc biệt là cá vẫu - một đặc sản vùng cửa biển Tư Hiền được người dân trong vùng và những tỉnh lân cận biết đến. Cá vẫu giống từ biển, mùa gió trôi vào phá, bà con bắt về nuôi lồng. Vì con giống chưa sản xuất được, nên “đầu vào” phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, cũng như quy trình nuôi lồng cũng phụ thuộc vào tự nhiên do giống cá này đòi hỏi nước phải có độ mặn cơ bản. Vì vậy, ông Lợi không khỏi xót xa khi nhắc tới hậu quả nặng nề của các đợt bão lũ trong năm, gây thiệt hại tới 30% vùng nuôi, ước tính thiệt hại lên tới cả tỷ đồng.

Mặc dù, nuôi cá lồng phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nhưng do không phải đầu tư vốn quá nhiều, phù hợp điều kiện kinh tế khó khăn của bà con nên nhiều hộ dân nơi đây vẫn lựa chọn mô hình kinh tế này để thoát nghèo. “Với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng vay từ NHCSXH, nếu thời tiết mưa thuận gió hòa, mỗi vụ cá từ năm đến bảy tháng có thể cho thu lãi tới 30 triệu đồng/lồng, đầu ra thì luôn sẵn sàng do nhu cầu tại địa phương và Đà Nẵng rất cao”, ông Á chia sẻ.

Làm nhà nơi “rốn lũ”

Trận lũ lịch sử hồi tháng 11/2013 cũng gây thiệt hại nặng nề cho xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Xã có bảy thôn thì có tới sáu thôn chạy dọc sông Vệ. Vì vậy, khi nước đổ về nhanh, nơi đây trở thành một trong những vùng bị ngập sâu nhất. Trong trận lũ lụt này, 1.690 trong tổng số 1.743 hộ dân ở Hành Thiện bị ngập, trong đó 33 nhà bị sập, hư hại; thiệt hại toàn xã lên tới gần 25 tỷ đồng. Theo nhiều người dân nơi đây, chưa năm nào, Hành Thiện lại phải hứng chịu một trận lũ lớn như thế. Lũ lên rất nhanh, cuồn cuộn từ 16 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, mọi ứng cứu, sơ tán đều diễn ra trong đêm tối… Theo ghi nhận của địa phương, đỉnh lũ đợt này cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới gần nửa mét.

Căn nhà gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện nằm ngay sát sông Vệ. Trận lũ vừa rồi, nước ào ào lên nhanh khiến cả nhà trở tay không kịp, kéo sập chuồng bò, rồi dâng ngập tầng một, mấp mé bậc cầu thang trên cùng. “Cả nhà đưa hết tài sản ít ỏi lên căn gác mới xây, vừa trú vừa lo nếu nước lên nữa thì không biết đường nào mà chạy”, chị Hiệp nhớ lại. Căn gác này, gia đình chị được hỗ trợ xây trong chương trình thí điểm xây chòi tránh lũ cho các tỉnh miền trung theo Quyết định 716/QĐ-TTg năm 2012 của Chính phủ. Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ 6 triệu đồng, và NHCSXH cho vay ưu đãi 10 triệu đồng. Cùng với số tiền do gia đình gom góp, vay mượn thêm của anh em họ hàng, chị Hiệp xây được căn gác kiên cố, rộng rãi, vừa để tránh lũ vừa là có thêm diện tích sinh hoạt. Được xây dựng từ tháng 10/2012, tới tháng 1/2013 hoàn thành, và căn gác này đã thể hiện rõ công dụng ngay trong mùa lũ đầu tiên.

Trưởng thôn Mễ Sơn Bùi Văn Thảo cho biết thêm, vì nơi này là vùng thấp, dễ bị ngập sâu nên toàn thôn có tới 11 hộ được tham gia thí điểm xây chòi tránh lũ. Còn ở thôn Ngọc Dạ kế bên, căn gác tránh lũ nhà ông Phạm Vàng còn trở thành chỗ trú an toàn cho cả người, lợn, gà của cả nhà ông và các gia đình chung quanh..

Theo Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Mai Duy Tuấn, thực tế sau trận lũ lịch sử giữa tháng 11/2013 cho thấy, hiệu quả của các căn chòi tránh lũ rất rõ ràng. Lũ năm nay mặc dù cao hơn đỉnh lũ năm 1999 đến nửa mét, nhưng không căn chòi nào bị ngập. Tính mạng của người dân được bảo toàn. Nhờ căn chòi tránh lũ, không chỉ các hộ nghèo bảo vệ được người, một phần tài sản, mà còn là chỗ trú an toàn của bà con xóm giềng chung quanh. Tính toán sơ bộ, Hành Thiện còn khoảng 170 hộ có nhu cầu xây chòi tránh lũ. Nhưng thiết kế chòi hiện nay mới phù hợp với các hộ gia đình riêng lẻ, vì thế, từ những trải nghiệm thực tế tại địa phương, ông Tuấn kiến nghị, nếu kết hợp hài hòa giữa chính sách xóa nhà tạm theo Chương trình 167 và xây chòi tránh lũ theo Chương trình 716 để người dân vừa được ở nhà bảo đảm, tránh lũ tránh bão an toàn, với thiết kế phù hợp điều kiện cơn lũ, nâng cao, cấu trúc lớn hơn, diện tích rộng hơn… thì ngoài việc bảo toàn về người, chòi tránh lũ còn có thể bảo toàn cả tài sản của người dân.

Bài và ảnh Hồng Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác