Nét đẹp riêng có về một dấu ấn đặc thù

27/01/2014
(VBSP News) Nhìn lại chặng đường 38 năm cầm bút của một phóng viên báo Đảng được chuyên theo dõi, bám sát tình hình, viết tin, bài trên lĩnh vực chuyên trách khối “mậu - tài - ngân”, tôi thấy đời mình thật là hạnh phúc, có nhiều kỷ niệm quý báu không bao giờ quên.
Đồng bào dân tộc Tây Nguyên sử dụng vốn vay hiệu quả vào trồng cây công nghiệp

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên sử dụng vốn vay hiệu quả vào trồng cây công nghiệp

Đó là, khi đất nước ồ ạt bước vào thời kỳ đổi mới - sau Đại hội VI của Đảng, các hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung, trong đó có Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là NHCSXH) nói riêng đã lôi cuốn tôi về một sự đam mê nghề nghiệp mới trước sự đóng góp to lớn của ngân hàng này. Đồng vốn tín dụng của ngân hàng về các vùng quê, đồng ruộng góp phần giúp hàng triệu hộ nông dân có điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo năng suất mới cao hơn. Đặc biệt, đồng vốn của NHCSXH đã hoàn toàn không có một hướng đi nào khác ngoài mục tiêu xóa nghèo. Từ hai, ba chương trình tín dụng ưu đãi đến nay đã lên tới 19 chương trình tín dụng trong nước và 6 chương trình nhận ủy thác của nước ngoài, đối tượng được thụ hưởng vẫn không ai khác là các cá nhân, hộ gia đình chính sách trong diện đói nghèo. Có người bình luận: Một ngân hàng “chưa giàu, lại sinh sau đẻ muộn” nhưng nội dung hoạt động, xuyên suốt là “xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng”, thực sự là một nét đặc thù riêng có rất đáng trân trọng. Sự xuất hiện các gia đình, hộ nghèo là do nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau, nơi nhiều, nơi ít nhưng phổ biến và đông nhất là đồng bào dân tộc ở các vùng sâu, vùng cao, vùng xa trong cả nước. Điều đó có nghĩa là: Địa bàn hoạt động chính của NHCSXH chủ yếu là ở các tỉnh lẻ, bản, làng xa xôi. Hay nói cách khác, ở đâu có nghèo đói, ở đó có NHCSXH. Trong thực tế, thông qua Ngân hàng Phục vụ người nghèo (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước đây và NHCSXH ngày nay, tôi mới có dịp được vượt qua dốc núi, lội suối, leo đèo dài ngắn khác nhau ở các địa phương để đến thăm hỏi chuyện trò, phỏng vấn nhiều hộ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc nghèo vùng cao, vùng xa của Tổ quốc như Xín Mần (Hà Giang), Điện Biên Đông (Điện Biên), Sốp Cộp (Sơn La), bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), trực tiếp phỏng vấn các ông, bà Chủ tịch hội, đoàn thể cánh tay dài của NHCSXH làm nhiệm vụ ủy thác cho NHCSXH tại các chi nhánh Cao Bằng, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Chuyện thật như bịa mà tôi được nghe cán bộ tín dụng NHCSXH kể lại là trong những năm đầu khởi nghiệp chương trình này, không ít hộ dân vùng cao, vùng xa mà phổ biến là đồng bào các dân tộc thiểu số được chính quyền và bản, làng bình xét thuộc diện hộ nghèo… Ðược vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng không dám vay, vì không biết làm gì để cho đồng vốn sinh sôi, an toàn. Mặc dù, đã có sự hướng dẫn, bày vẽ, gợi ý cách làm của cán bộ NHCSXH, chính quyền sở tại. Cho nên, không ít người cứ ký sổ nhận tiền nhưng đưa về nhà lại cho người khác tạm dùng hoặc cho vào ống tre đậy kín gác trên mái nhà, đến hạn là mang trả lại cho ngân hàng cả gốc và… “lãi”.

Tất nhiên, chuyện xưa là vậy, chứ bây giờ thì đã khác xa. Nhờ có sự hướng dẫn, chỉ bảo cụ thể của cán bộ các ngành nông nghiệp, ngân hàng, hội, đoàn thể các cấp nên nhiều hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa của đất nước đã biết sử dụng đồng vốn vay ngày một hiệu quả hơn. Tùy năng lực và điều kiện thực tế của từng hộ nghèo mà áp dụng đồng vốn tín dụng ưu đãi, từng bước được chuyển hóa thành vườn rau, vườn cây ăn quả, ao cá, đàn gia súc, gia cầm, mở mang thêm ngành nghề phụ… Cứ thế, đồng vốn được quay vòng suôn sẻ, số lượng, sản lượng ngày một tăng cao, nông sản hàng hóa ngày một nhiều. Mơ ước xóa nghèo của nhiều hộ nông dân cơ bản đã thành hiện thực, được các cơ quan thông tin, báo chí biểu dương, chụp hình, đưa tin liên tục không thể kể hết vào bài viết này được. Hiệu quả tín dụng hộ nghèo ngày một cao. Bức tranh kinh tế nông thôn ngày một khởi sắc. Theo đánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau 11 năm hoạt động, NHCSXH đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc xóa nghèo. Từng hộ dân nghèo đã chủ động sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng ưu đãi, “tạo thêm việc làm cho gia đình, tăng thời gian lao động có ích của hộ lên 30 - 50%, thu nhập của hộ nghèo tăng khoảng từ 1,5 - 2 lần… Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% xuống còn khoảng 10% (Năm 2012) góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu của thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo cùng cực”. Điều đó, cũng được chứng minh thêm qua báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra “Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7,8% năm 2013 theo chuẩn nghèo quốc gia. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện”. Rõ ràng, đây là một thành quả to lớn bước đầu của toàn Đảng, toàn dân tộc ta, trong đó có đóng góp không nhỏ của toàn thể cán bộ nhân viên NHCSXH.

Tuy nhiên, không có vấn đề gì hoàn thiện 100%. Bên cạnh những thành tựu nổi bật và xuyên suốt nêu trên, hoạt động của NHCSXH vẫn còn một số hạn chế do cả chủ quan và khách quan gây ra như nguồn vốn ngân sách cấp còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của cuộc sống, kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, bền vững, đồng vốn thu về ở một số nơi còn chậm, nợ quá hạn có nơi còn cao như khu vực Tây Nam Bộ, mặc dù sau 2 năm khắc phục đã có nhiều chuyển biến tích cực…

Song, chúng ta vẫn tin rằng, bắt đầu từ mùa Xuân Giáp Ngọ 2014 này, bức tranh kinh tế NHCSXH sẽ có thêm nhiều điểm sáng, vững bước đi lên trên con đường nhân đạo, nhân văn là giảm nghèo bền vững cho cộng đồng.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác