Để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đạt hiệu quả bền vững
Nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời đầu tư rất lớn về sức người, sức của để thực hiện các chủ trương, chính sách đó; chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, ủng hộ nên đã đạt được những thành tựu rất to lớn, được dư luận thế giới ca ngợi; nhiều tổ chức phi Chính phủ đã đến Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Những thành tựu to lớn thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau đây:
Đã ban hành tương đối đầy đủ chính sách, pháp luật về xóa nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; các chính sách ban hành đã tác động đến mọi mặt đời sống của người nghèo, cận nghèo, của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nói riêng như: chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách tín dụng ưu đãi; chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, trợ giúp pháp lý; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiền điện, tiền dầu đèn thắp sáng; chính sách chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Trong số hơn 10 Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, 30 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hơn 30 Thông tư và Thông tư liên tịch của các Bộ, ngành có 2 văn bản quan trọng đó là: Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2020. Trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách nêu trên, các cơ quan chức năng đã rất quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sai phạm phát sinh…
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Quốc hội: Tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005 - 2012 là 496.527 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước là 169.521 tỷ đồng; vốn ODA và trái phiếu Chính phủ là 114.632 tỷ đồng; vốn hợp tác quốc tế khoảng 7.486 tỷ đồng; vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp trên 2.200 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án cho mục tiêu giảm nghèo khoảng 1.500 tỷ đồng; “Quỹ vì người nghèo” là 2.158 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2011 và năm 2012, ngân sách Nhà nước đã chi 22.303 tỷ đồng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 29 triệu lượt người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, HSSV và trẻ em dưới 6 tuổi; chi 1.838 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; chi 2.741 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hơn 500.000 hộ nghèo; chi 12.457 tỷ đồng hỗ trợ học phí, học bổng, chi phí học tập, tiền ăn cho học sinh bán trú; chi 2.213 tỷ đồng để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn…
Tính đến hết năm 2012, đã có: 71.713 hộ được hỗ trợ đất ở; 83.563 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 214.466 hộ được hỗ trợ xây dụng công trình nước sạch; xây dựng được 5.573 công trình nước sạch tập trung; 12.953 hộ nghèo được nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng kinh phí hỗ trợ gần 80 tỷ đồng và 6.258 tấn lương thực. Đã tổ chức khai hoang 2.200ha, phục hóa 1.700ha đất và tạo 1.600ha ruộng bậc thang để giao cho các hộ gia đình sản xuất, tạo thu nhập ổn định cuộc sống và thoát nghèo…
Đến 31/12/2013, tổng dư nợ của NHCSXH là 121.699 tỷ đồng; trong đó có gần 8,7 triệu hộ nghèo, hộ chính sách còn dư nợ; hơn 97,1% dư nợ thuộc 7 chương trình chủ yếu, trong đó: Chương trình cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng lớn nhất (34,2%), tiếp đó là chương trình cho vay HSSV (28,2%), chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (10,8%), chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (10,0%)… Mặc dù, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng cho đến nay, Nhà nước đã cấp đủ 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho NHCSXH, hàng năm đều cấp bổ sung nguồn vốn để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định, hiện nguồn vốn này đạt 24.841 tỷ đồng. Tổng 2 nguồn vốn nêu trên chiếm khoảng 19,3% tổng nguồn vốn của NHCSXH. Nhằm tạo lập nguồn vốn ổn định của NHCSXH, Chính phủ quy định các tổ chức tín dụng Nhà nước, tín dụng cổ phần do Nhà nước chi phối duy trì số dư tiền gửi ở NHCSXH bằng 2% số dư tiền gửi bằng VNĐ của tổ chức tại thời điểm 31/12 năm trước. (Tại thời điểm 31/12/2013 số dư này là 25.744 tỷ đồng, chiếm 20,0% tổng nguồn vốn của NHCSXH); cho phép NHCSXH phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, nhận tiền gửi của cá nhân và tổ chức kinh tế, Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất vay thương mại và lãi suất cho vay ưu đãi. (Đến thời điểm 31/12/2013, tổng nguồn vốn này đạt 29.407 tỷ đồng, chiếm 23,0% tổng nguồn vốn)…
Bên cạnh những mặt đã làm được, việc thực hiện chương trình xóa nghèo trong thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Chính sách xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội hiện do quá nhiều cơ quan tham mưu ban hành nên vừa chồng chéo, vừa thiếu đồng bộ; một số chính sách mang tính hỗ trợ sản xuất một khâu, một mặt, nhất thời, ví như cho người nghèo cá mà chưa cho cần câu và dạy cách câu nên ăn hết cá lại đói, lại nghèo; việc chỉ đạo, phối hợp thực hiện chương trình giữa các cơ quan còn thiếu thống nhất, chồng chéo nhau; hiệu quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tình trạng tái nghèo còn khá phổ biến; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo của cả nước; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách còn tồn tại ở không ít người nghèo và nhiều địa phương; việc xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất cho phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo nhiều lúc còn chưa phù hợp, nhiều hộ chỉ được hỗ trợ một cây, một con giống nên không phát huy được hiệu quả; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, nhưng lại không tập huấn, hướng dẫn, nếu có tập huấn hướng dẫn thì cũng qua loa, không có cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, cầm tay chỉ việc dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao; nhiều địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, thăm quan học hỏi mô hình sản xuất có hiệu quả ở nơi khác nhưng người nghèo do mải lo chuyện làm ăn, không có điều kiện để tham gia; nhiều chính sách ban hành từ lâu, cử tri kiến nghị sửa đổi bổ sung nhiều lần nhưng việc giải quyết vừa chậm, vừa chưa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri…
Từ thực tiễn thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xin kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền một số giải pháp sau:
Thứ nhất, việc ban hành chính sách giảm nghèo phải nhằm mục tiêu bảo đảm cho tất cả hộ nghèo đều có nhà để ở, có đất để sản xuất, không có đất thì có việc làm phù hợp; bảo đảm để người nghèo biết cách làm ăn, không trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách xóa nghèo đã ban hành hiện không còn phù hợp với giai đoạn mới; thu gọn đầu mối các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến xóa đói, giảm nghèo thành một chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, xây dựng cơ chế huy động, quản lý, phân bổ nguồn vốn dành cho chương trình xóa đói, giảm nghèo theo hướng tập trung toàn bộ nguồn vốn hiện nay do nhiều cơ quan, tổ chức quản lý vào “Quỹ giảm nghèo quốc gia”, trong đó: Ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành quỹ; hàng năm dành một tỷ lệ thích đáng từ nguồn vượt thu ngân sách để bổ sung vào quỹ; toàn bộ nguồn vốn thu được từ các cuộc vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đóng góp… đều tập trung vào quỹ này; việc quản lý, phân bổ vốn từ quỹ cho các địa phương, đơn vị cụ thể do Ban chỉ đạo quốc gia về giảm nghèo bền vững chịu trách nhiệm, được công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhằm nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo, cận nghèo để giúp họ có ý thức vươn lên thoát nghèo, xem đây là những tiền đề quan trọng nhất để thực hiện giảm nghèo bền vững. Nhưng trước mắt, Nhà nước cần bảo đảm những hỗ trợ cần thiết, mang tính thúc đẩy người nghèo tự bảo đảm cuộc sống; nghiên cứu, giảm dần các chính sách mang tính chất hỗ trợ, thay vào đó là các chính sách khuyến khích sự tham gia chủ động của người nghèo, cận nghèo.
Thứ tư, coi trọng các giải pháp tạo việc làm cho người nghèo, cận nghèo; quan tâm tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ và quản lý chặt chẽ tình trạng lao động phổ thông vào các thành phố, thị xã tìm việc làm; gắn việc dạy nghề với việc hỗ trợ vốn tạo công ăn việc làm để phát huy hiệu quả chương trình dạy nghề hiện nay; đa dạng hóa các ngành nghề ở nông thôn, khuyến khích hoạt động tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động, nhất là đối với người dân ở các vùng khó khăn.
Thứ năm, tăng kinh phí đầu tư cho các chương trình, dự án, nhất là các dự án về giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tăng hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho người nghèo; có chính sách trợ cấp cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; việc tổ chức nghiên cứu về vấn đề đói nghèo để có những hiểu biết đúng và toàn diện về tâm lý, xã hội, kinh tế của người nghèo, cận nghèo cần phải được coi trọng, lấy kết quả nghiên cứu để xây dựng chính sách, tạo cơ sở vững chắc cho việc nâng cao hiệu quả và tính thực tiễn của các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Thứ sáu, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên trách về giảm nghèo, tạo điều kiện cho họ để tận tâm với người nghèo, vùng nghèo; đồng thời nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc của cán bộ giảm nghèo ở cơ sở thông qua các lớp tập huấn; phân công trách nhiệm rõ ràng cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các chương trình, dự án liên quan đến công tác giảm nghèo.
Hà Công Long
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thủ tướng và nỗi trăn trở xóa đói, giảm nghèo
- » Tết này sẽ đầy đủ hơn
- » Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của NHCSXH”
- » Vốn và cán bộ đồng hành với nhà nông
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thăm và làm việc tại tỉnh Lai Châu
- » Mang Tết sớm đến người nghèo vùng cao
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình làm việc và tặng quà Tết tại tỉnh Sơn La
- » Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự mới tại NHCSXH
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ năm 2014
- » NHCSXH “bội thu” chỉ tiêu chất lượng