Vốn và cán bộ đồng hành với nhà nông

22/01/2014
(VBSP News) Chị Mùa Thị Lanh ở bản Lồng A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tâm sự: “Vốn vay tuy không nhiều, nhưng lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, cán bộ ngân hàng và cán bộ Hội Nông dân bám dân để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng vốn nên đạt hiệu quả cao”.
Từ vốn vay NHCSXH, nhiều nông dân ở Tuần Giáo đầu tư vào chăn nuôi

Từ vốn vay NHCSXH, nhiều nông dân ở Tuần Giáo đầu tư vào chăn nuôi

Tuần Giáo là huyện có địa hình đồi núi cao đan xen với những thung lũng nhỏ bên khe suối hẹp, bởi vậy việc phát triển kinh tế của bà con trong huyện không mấy thuận lợi, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao.

Tiếp sức hộ nghèo

Trước thực trạng ấy, Hội Nông dân huyện đã tìm nhiều giải pháp giúp nông dân làm kinh tế, thoát nghèo đói. Như việc hội phối hợp với ngành khuyến nông tập huấn, hướng dẫn nông dân thâm canh lúa, ngô, cà phê; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với phương châm “nội lực làm trọng, làm giàu từng bước, không vội vàng”.

Nói thì đơn giản vậy nhưng cái khó là nông dân nghèo thì lấy đâu ra vốn dù chỉ là mua dăm con gà, con lợn nái, chưa nói gì tới trâu, bò giống hay làm trang trại. Để giúp nông dân tháo gỡ khó khăn này, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với NHCSXH huyện Tuần Giáo xây dựng quy chế phối hợp, thành lập 69 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản; phân công cán bộ hội làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Ông Mùa A Tu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuần Giáo cho biết: Riêng năm 2013, toàn huyện đã có 2.585 hộ nông dân được vay vốn từ NHCSXH thông qua các chương trình: Vay hỗ trợ sản xuất, vay hộ nghèo, HSSV… Số dư nợ NHCSXH trên địa bàn hiện hơn 54 tỷ đồng.

Tết này có nhiều lợn, gà bán

Bản Lồng này bây giờ có hàng nghìn con gà, lợn, mấy chục con trâu, bò, nhiều nương táo mèo, cây sa nhân là nhờ vốn ưu đãi đấy. Chỉ vài ba năm nữa, số hộ nghèo sẽ giảm nhanh, nhiều hộ trở nên giàu có đấy - Chị Mùa Thị Rùa cho hay.

Đến xã vùng cao Tỏa Tình, ông Mùa A Lầu - cán bộ Hội Nông dân xã cho biết: “Nhiều hộ nông dân vay vốn của NHCSXH và đã thoát nghèo. Cán bộ ngân hàng tích cực lắm, bám bản, bám dân kiểm tra việc sử dụng vốn, hướng dẫn nông dân cách làm cho tốt hơn nên tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Hầu hết bà con làm ăn hiệu quả nên trả lãi, trả gốc đúng hạn. Nhờ vốn ưu đãi mà số gia súc, gia cầm, thủy sản trong xã tăng mạnh, tết này bà con phấn khởi lắm bởi có cái tết tươm tất hơn”.

Trên sân nhà anh Mùa A Tinh ở bản Lồng, đàn gà Mông cả trăm con với những cái đầu xù lông như quả cầu đang chạy lốc nhốc theo chân chủ. Anh Tinh bảo: “Nhờ vốn vay NHCSXH đấy.  Hai năm qua, tôi đầu tư hơn 5 triệu đồng vào đàn gà này, bây giờ đã có giá khoảng 15 triệu đồng, đó là chưa kể số gà bán lẻ. Trong bản, nhiều hộ vay vốn để chăn nuôi rất thành công. Bây giờ, nhất là dịp Tết Giáp Ngọ này, gà bản, lợn bản bán chạy, được giá lắm. Cách chăn nuôi này tuy nhỏ lẻ nhưng phù hợp với nông dân nghèo, lại thu hồi vốn nhanh”.

Còn chị Mùa Thị Rùa ở gần nhà anh Tinh thì chia sẻ: “Không có vốn NHCSXH, bà con vùng cao chẳng biết vay ở đâu vì làm gì có cái để thế chấp với Ngân hàng thương mại. Mà vay vốn Ngân hàng thương mại lãi suất cũng cao, không giỏi làm ăn là lỗ vốn ngay. Bản Lồng này bây giờ có hàng nghìn con gà, lợn, mấy chục con trâu, bò… là nhờ vốn ưu đãi đấy. Chỉ vài ba năm nữa, số hộ nghèo sẽ giảm nhanh, nhiều hộ trở nên giàu có”…

Kiều Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác