Đón xuân mới quanh những câu chuyện thoát nghèo của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng
Thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
Vào một buổi chiều của đầu xuân năm mới, qua lời giới thiệu của lãnh đạo NHCSXH thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), chúng tôi ghé thăm gia đình ông Sơn Mập - 1 trong số 10 hộ dân tộc Khmer ở ấp Xung Thum B, xã Lai Hòa vừa được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển mô hình nuôi cua biển. Với 3 công đất sản xuất nhưng không có vốn trong tay nên ông Mập đành ngậm ngùi để đất hoang hóa và câu chuyện thoát nghèo của gia đình ông càng trở nên khó khăn. Hiểu được điều đó, nên khi có đồng vốn vay từ NHCSXH, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi cua biển. Muốn thoát nghèo, nếu chỉ có vốn không thôi là chưa đủ, mà còn phải có kiến thức khoa học, kỹ thuật và nhất là sự cần cù, chịu khó. Đó cũng chính là “bí quyết” giúp gia đình ông thoát nghèo. Cũng nhờ áp dụng kỹ thuật trong việc nuôi cua nên ước tính sau khi kết thúc mô hình, trừ tất cả chi phí, gia đình ông Mập còn lãi trên 40 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Mập tâm sự: “Với mô hình nuôi cua biển, gia đình tôi được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng để mua 3.000 con cua biển giống. Đất không phụ lòng người, sau hơn 2 tháng nuôi, hiện nay tôi đang thu hoạch, theo ước tính sau khi trừ tất cả chi phí gia đình tôi sẽ lãi trên 40 triệu đồng. Giờ thì gia đình tôi cũng ổn định rồi, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn NHCSXH nhiều lắm”.
Chia tay gia đình ông Mập trong niềm vui thoát nghèo, chúng tôi đến với gia đình người thợ mộc dân tộc Khmer có tên Kim Tế, ở ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) để cảm nhận được niềm vui của gia đình khi vừa vươn lên thoát nghèo. Vì thiếu vốn, nên hơn 10 năm bám nghề mộc, gia đình ông Tế cũng chỉ thuộc dạng “đủ ăn” chứ chưa thể thoát được cảnh nghèo khó. Nguyên nhân chính là không có tiền để đầu tư máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho nghề mộc, nên tất cả các khâu từ bào, đục cho đến đóng ván đều phải làm bằng thủ công; từ đó năng suất kém, giá thành không cạnh tranh. Khi Quyết định số 74 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai, ông Tế được NHCSXH huyện Kế Sách xét cho vay 10 triệu đồng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để ông mua sắm dụng cụ hành nghề mà lâu nay ông hằng ao ước như: Bào điện, máy cưa, xe đẩy… để vừa phát triển nghề mộc, vừa làm thêm nghề cưa củi và kéo lúa mướn. Sự hỗ trợ từ các phương tiện, máy móc không chỉ giúp gia đình ông nâng cao năng suất lao động, tính cạnh tranh của sản phẩm, mà còn tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, nên cuộc sống cứ thế nâng dần lên và kể từ mùa xuân này, gia đình ông Tế đã “thoát nghèo một cách tự nhiên”, như cách nói của ông. Mùa xuân năm nay, gia đình ông đã có thể hưởng một cái tết trọn vẹn hơn.
Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng thoát nghèo từ đồng vốn NHCSXH. Giám đốc NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Dương Đình Lạng cho biết: Đồng vốn vay được phát huy hiệu quả không chỉ từ sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của hộ dân mà còn có sự hỗ trợ đắc lực từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội, đoàn thể, các cấp chính quyền thông qua việc lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao công nghệ. Từ đây, hộ nghèo được nâng cao hiểu biết và biết áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và sử dụng đồng vốn đúng mục đích để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Quách Việt Tùng khẳng định: “Nguồn vốn đầu tư từ NHCSXH thời gian qua đã giúp cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh”.
Cú “huých” tiếp sức cho hộ cận nghèo Khmer
Thực hiện theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã dành một phần vốn để hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận vốn ưu đãi phát triển sản xuất, hạn chế nguy cơ tái nghèo. Trước đây, trong khi các hộ nghèo được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là ưu đãi về tín dụng thì các hộ cận nghèo lại không được hưởng bất kỳ một chính sách nào dù cuộc sống của họ cũng chẳng khá hơn các hộ nghèo, đặc biệt hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc Khmer, nên khi được tiếp cận nguồn vốn vay, các hộ cận nghèo như được thêm “đôi cánh” để phát triển kinh tế gia đình.
Niềm vui vẫn còn nguyên vẹn trên gương mặt của lão nông dân tộc Khmer Thạch Ương, ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) - một nông dân thuộc hộ cận nghèo suốt đời lam lũ chật vật kiếm sống. Quanh năm, ông Ương “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuối cùng cuộc sống của gia đình ông vẫn phải “chạy ăn từng bữa”. Dù có khỏe mạnh đến đâu, ông cũng bị những công việc nặng nhọc như làm phụ hồ, khuân vác vắt kiệt sức. Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Ương xúc động kể: “Hôm nhận được đồng vốn, tôi không dám nhận tiền mặt vì sợ mang về nhà là chi tiêu hết nên nhờ chính quyền mua giùm hai con bò. Từ khi nhận về nuôi đến nay, chúng khỏe mạnh không có biểu hiện dịch bệnh nào cả, cán bộ thú y thường xuyên xuống kiểm tra nên cũng yên tâm lắm”. Cùng chung tâm trạng đó, ông Thạch Hoàng Quân, cũng ngụ ấp Phụng Hiệp không kém vui mừng khi được hỗ trợ vốn vay theo Quyết định số 15. Theo lời ông Quân, nếu xét theo tiêu chí, thì gia đình đã thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ông ao ước có được số vốn mua bò để có thêm nguồn lực ổn định kinh tế gia đình nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ vay vốn, muốn vay các Ngân hàng thương mại thì phải có tài sản thế chấp, còn vay “nóng” ở ngoài thì lãi suất cao nên không có khả năng chi trả. Đúng lúc đó, Nhà nước có chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi. Khi được tìm hiểu nguyện vọng, ông trình bày phương án sản xuất chăn nuôi, được địa phương hỗ trợ 2 con bò cùng chi phí làm chuồng, tổng mức vốn là 30 triệu đồng. Bằng sự cần mẫn trong lao động, ông Quân đang có nhiều niềm tin vào cuộc sống ấm no hơn.
Không chỉ tạo được sinh khí phấn khởi cho những hộ cận nghèo còn khó khăn trong đời sống, Quyết định số 15 cũng đã góp phần giúp địa phương thoát khỏi vòng luẩn quẩn của hộ nghèo và hộ cận nghèo, bởi tiêu chí xét mức thu nhập hai đối tượng này chỉ cách nhau có 1.000 đồng.Theo lời bà Nguyễn Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, toàn xã hiện có 474 hộ cận nghèo, trong đó có 103 hộ được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 15. Những đối tượng này không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn và tư liệu sản xuất nên họ mới chỉ đủ điều kiện thoát nghèo, nếu có những biến động nhỏ về kinh tế hay gia đình có người đau ốm là ngay lập tức tái nghèo. Ông Huỳnh Thái Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cũng bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương hỗ trợ vốn vay cho hộ cận nghèo, đồng thời cho biết, NHCSXH đã cho 132 hộ cận nghèo trong xã vay với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được 15 triệu đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi, buôn bán nhỏ, mua sắm trang thiết bị sản xuất… Còn đồng chí Trương Ngọc Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành thì cho rằng: “Mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa (hiện nay mức cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo là 30 triệu đồng/hộ), lãi suất ưu đãi hơn 0,78%/tháng. Chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người dân, tiếp thêm động lực mới để họ vươn lên phát triển kinh tế, thoát khỏi nguy cơ tái nghèo góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ được nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đồng tình. Hộ cận nghèo được hỗ trợ vốn ưu đãi đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, dù chỉ là khởi đầu nhưng bà con đã gởi gắm vào đó biết bao ước mơ về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay vốn cần được Cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để nguồn vốn ưu đãi trở thành động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định để đón một năm mới trọn vẹn và một mùa xuân đầy ý nghĩa.
Bài và ảnh Lưu Quang Bình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân
- » Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chúc mừng năm mới NHCSXH
- » Để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đạt hiệu quả bền vững
- » Thủ tướng và nỗi trăn trở xóa đói, giảm nghèo
- » Tết này sẽ đầy đủ hơn
- » Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của NHCSXH”
- » Vốn và cán bộ đồng hành với nhà nông
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thăm và làm việc tại tỉnh Lai Châu
- » Mang Tết sớm đến người nghèo vùng cao
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình làm việc và tặng quà Tết tại tỉnh Sơn La