Bước đột phá xóa nghèo ở vùng sơn thẳm
Thời xa vắng đó, nơi đây đất đai khá màu mỡ nhưng do nạn đốt phá rừng làm nương rẫy và lấy củi đun nên bị xói mòn, bạc màu đến mức báo động. Quỹ đất cùng với chất lượng đất giảm sút nhanh chóng kéo theo cảnh túng thiếu, nghèo đói bao quanh khắp thôn xóm, đến từng nhà dân. Vào năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Văn Luông vẫn còn cao, tới 57 - 58%. Nhiều hộ dân tộc Dao, Thái, Mông… đã tính chuyện di dời đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.
Thực hiện chủ trương định canh, định cư, tạo điều kiện cơ sở vật chất giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo tại chỗ, lãnh đạo chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể, ban ngành triển khai nhiều giải pháp ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án, nhất là tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, trong đó có xã Văn Luông phát triển kinh tế, xóa nghèo, ổn định đời sống nhân dân.
Nguồn vốn chính sách như cho vay hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… trên vùng núi cao Văn Luông được giải ngân ngay khi NHCSXH huyện thành lập đến nay đã trải qua gần 12 năm, từ 800 triệu đồng lên hơn 20 tỷ đồng để người nghèo và các đối tượng chính sách khác chủ động cải tạo đồng ruộng, dẫn nước ngọt từ nguồn về gieo trồng lúa nước và khai phá đồi hoang hóa, phát triển cây Sơn, cây Quế. Một số hộ đồng bào dân tộc như Lý A Phấy, Hà Công Quý, Hoàng Thị Luyến… đã có lần định khăn gói bỏ núi rừng, rời làng quê đi tha phương đến nơi khác làm ăn nhưng nghe theo lời khuyên nhủ, hướng dẫn của chính quyền đã ở lại nơi “chôn rau cắt rốn”, và được giúp đỡ vay vốn chính sách thuận lợi mua sắm cây giống, con giống, vật tư về phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Việc làm đó không chỉ làm cho đất đai màu mỡ trở lại mà mùa màng còn thêm nhiều lúa ngô, đồi rừng xanh tốt hơn, cuộc sống của người dân cũng tươi vui, no đủ dần.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Luông Phùng Mạnh Tuất, cho biết: Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền, ban ngành các cấp, nhất là sự ưu tiên đầu tư phát triển vốn chính sách cho vùng dân tộc miền núi, nên trong vòng 5 năm trở lại đây, hộ đói ở Văn Luông không còn nữa. Hiện xã chú trọng động viên nhân dân mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi tập trung phát triển sản xuất, ông Tuất cho biết thêm: Chính đồng vốn ưu đãi đã tiếp sức kịp thời cho 115 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn khôi phục phát triển nghề trồng cây công nghiệp như chè, quế, sơn. Riêng về cây Sơn, hiện toàn xã có gần 80ha đang khai thác, có gia đình như ông Nhuẫn, ông Quế, chị Hường… trồng từ 1ha đến 2ha giống cây Sơn mới giữa vùng núi đồi, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, vừa thoát nghèo bền vững, vừa làm giàu nhanh chóng.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, nộp lãi, trả nợ gốc đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng. Thời gian qua, hầu hết hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc ở vùng sơn thẳm Văn Luông còn được NHCSXH hỗ trợ vay hơn 700 triệu đồng để xóa bỏ nhà tranh tre dột nát, dựng xây những ngôi nhà ở vững chãi, giúp cho cuộc sống “an cư lạc nghiệp”, đón chào Xuân mới 2015.
Bài và ảnh Trần Ngọc Tú
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng vốn trợ lực vượt ngưỡng nghèo
- » Hộ nghèo ở Phú Yên được vay vốn xây nhà phòng, tránh bão, lụt
- » Huyện Ba Bể hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách
- » Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống
- » Thái Bình thực hiện giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới
- » Vay vốn được “khuyến mãi” kiến thức
- » Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Điện Biên
- » Giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Quảng Ngãi
- » Khi người nghèo có vốn ưu đãi
- » Điểm tựa cho bà con Khmer nghèo