Tác động lớn từ Chỉ thị của Đảng trên vùng biên cương

19/09/2019
(VBSP News) Giai đoạn 2014 - 2019, cùng với nhiều chính sách giảm nghèo của Trung ương, địa phương như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đã được triển khai rộng rãi, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên đại bàn tỉnh Lào Cai.
Hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở Lào Cai được tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình

Hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở Lào Cai được tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự đồng thuận, vào cuộc sâu sát của cả hệ thống chính trị, đến nay, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã thực hiện 20 chương trình tín dụng, tăng 6 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40, với tổng dư nợ đạt trên 2.800 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp gần 40 nghìn hộ thoát nghèo; trong đó có 3 huyện 30a là Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 18,2% giữa năm 2019, 44/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày… ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới được tiếp cận thuận lợi tới đồng vốn tín dụng ưu đãi, có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đạt được những kết quả đó, trước hết Tỉnh ủy Lào Cai chú trọng tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chỉ thị số 40 và đề ra kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mới cả nhận thức lẫn hành động trong các cấp, các ngành, các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác tín dụng chính sách. Theo đó, MTTQ trên địa bàn gắn việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát cộng đồng đối với hoạt động tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện nghiêm túc công tác ủy thác như bình xét dân chủ, công bằng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi, lồng ghép phong trào thi đua sản xuất giỏi, ứng dụng tiến bộ KHKT với đảm bảo chất lượng tín dụng.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai Hà Thị Khánh Nguyệt đánh giá: Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đến 30/6/2019, Hội Phụ nữ các cấp đã quản lý 783 tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng dư nợ ủy thác với 18.673 hộ vay vốn thuộc 613 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội Phụ nữ tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cấp hội đã quan tâm đến việc quản lý vốn vay, thu nợ, lãi đúng quy định… Do vậy, tỷ lệ nợ quá hạn hiện chỉ chiếm 0,07%, giảm 0,06% so với cuối năm 2014 (trước khi có Chỉ thị). Riêng Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà không có nợ quá hạn 5 năm liền. Mặt khác, Hội Phụ nữ các cấp còn phối hợp với các đơn vị khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật tổ chức được 615 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho 30.788 lượt hội viên, hỗ trợ chị em chủ động về vốn liếng, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế giá đình.

Song, cùng việc chuyển biến nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nêu cao trách nhiệm của MTTQ; các hội, đoàn thể; các ban ngành trong thực hiện Chỉ thị số 40, tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện cơ sở vật chất tăng nguồn lực, nâng cao sức mạnh, hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Tất cả các địa phương, kể cả 3 huyện nghèo 30a và 139/164 xã thuộc vùng khó khăn đã hỗ trợ vật chất, phương tiện, bố trí nơi làm việc ổn định, an toàn, tiện ích cho NHCSXH. Từ khi có Chỉ thị số 40, bên cạnh nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương chuyển về kịp thời, các cấp chính quyền, ban ngành đã bố trí vốn ngân sách ủy thác và tiền gửi tiết kiệm để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện tại, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Lào Cai đạt 2.834 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với cuối năm 2014; trong đó, nguồn vốn ngân sách lên gần 90 tỷ đồng. Đặc biệt, tại kỳ họp đầu năm 2019, HĐND tỉnh Lào Cai còn ban hành Nghị quyết bổ sung ngân sách tỉnh tối thiểu 1 tỷ đồng/năm và ngân sách huyện ít nhất 300 triệu đồng/năm ủy thác sang NHCSXH để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trong giai đoạn 2019 - 2025. Đây được coi là một chính sách có tính đột phá của Lào Cai thể hiện sự quan tâm thiết thực đối với vùng nghèo và công tác tín dụng chính sách.

Nguồn vốn ưu đãi đã cũng tập trung đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên. Đơn cử về xã Tân An, huyện Văn Bàn, hơn 200 hộ đồng bào DTTS ở 12 thôn, bản được vay vốn chính sách đến 21,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, tăng mức thu nhập bình quân 31 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 11,5%. Chủ tịch UBND xã Tân An Trần Thị Liên cho biết, 05 năm qua, UBND xã tập trung quán triệt, tích cực thực hiện Chỉ thị số 40 thông qua việc bố trí địa điểm rộng rãi, an toàn cho NHCSXH huyện đặt Điểm giao dịch; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả nợ, lãi đúng quy định; củng cố kiện toàn Ban giảm nghèo của địa phương, làm tốt công tác thống kê, xác định đúng đối tượng vay vốn, xét duyệt vay vốn công khai, minh bạch, phối hợp các hoạt động tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ với sử dụng vốn ưu đãi của Nhà nước.

Trong giai đoạn tiếp theo 2020 - 2025, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với quyết tâm thực hiện hiệu quả hơn Chỉ thị 40, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay chính sách; chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của NHCSXH, tiến hành rà soát các nguồn vốn cho vay ưu đãi có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, các nguồn tài trợ chuyển giao hoặc ủy thác tập trung vào một đầu mối thực hiện là NHCSXH quản lý và cho vay theo một phương thức thống nhất, góp phần thiết thực trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng nơi vùng biên cương của Tổ quốc.

Đông Dư

Các tin bài khác