Những vườn đào đơm hoa từ vốn tín dụng chính sách

19/09/2019
(VBSP News) Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được NHCSXH thành phố Hà Nội triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời.
Nông dân ở Nhật Tân chuẩn bị đào cho Tết nguyên đán

Nông dân ở Nhật Tân chuẩn bị đào cho Tết nguyên đán

Cùng đoàn cán bộ NHCSXH quận Tây Hồ đến khảo sát vườn đào của gia đình chị Đào Thị Bình ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, chúng tôi được biết hơn 300 gốc đào này đang cần thêm vốn để cuối năm đơm hoa phục vụ bà con chơi Tết.
Chị Bình hồ hởi chia sẻ, nghề trồng đào tuy vất vả nhưng đến vụ thu hoạch thấy đào nở là vui nhất. Vì nó là nghề truyền thống và cũng là đam mê của hai vợ chồng nên dù vất vả gia đình cũng cố gìn giữ. “Tôi mới thuê thêm diện tích trồng đào nên còn thiếu vốn. Qua Hội Phụ nữ, tôi biết có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH và rất muốn được vay. Nhu cầu của gia đình hiện cần hơn 100 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cây đào và thuê nhân công khi vào vụ”, chị Bình chia sẻ.
Nắm được nguyện vọng của chị Bình, cán bộ NHCSXH quận Tây Hồ đã chia sẻ và hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ vay vốn. “Ban đầu khi được biết có nguồn vốn ưu đãi từ NHCXSH tôi không biết phải làm gì để được vay. Khi được hướng dẫn, tôi thấy thủ tục vay đơn giản, cán bộ hướng dẫn chi tiết nên không còn băn khoăn gì nữa. Tuy nhiên, nếu được vay số tiền cao hơn thì tốt hơn nhiều. Dù sao được vay như thế này là quý lắm rồi”, chị Bình nói.
Những trường hợp như chị Bình còn rất nhiều ở phường Nhật Tân. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu dân cư số 7, phường Nhật Tân Nguyễn Kim Nguyệt cho hay: Tổ có hơn 200 hội viên thì có hơn 1 nửa có nhu cầu vay giải quyết việc làm. Hiện tại đã có 50 hội viên được vay và còn hơn 60 hội viên khác đang trong thời gian làm thủ tục.
Chị Nguyệt cho biết thêm, nghề trồng đào rất mất công và cần nhiều chi phí. Cứ sau mỗi vụ phải thay đất khác, lúc đó cần nhiều vốn để thuê nhân công chở đất đi và mua đất về. Ngoài ra, đến thời điểm tuốt lá cũng cần thuê người. Quanh năm người dân ở đây gắn bó với cây đào mà vốn thì lúc nào cũng thiếu. Chính vì vậy bà con luôn có nhu cầu vay vốn.
Giám đốc NHCSXH quận Tây Hồ Nguyễn Tiến Hưng cho biết: nguồn vốn vay chương trình giải quyết việc làm dù đã được bổ sung hàng năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn quận. Tính đến hết tháng 8/2019, số hộ gia đình trên địa bàn quận Tây Hồ đang vay vốn tín dụng chính sách là 2.615 hộ, trong khi đó tổng số hộ dân trên địa bàn quận theo số liệu tổng hợp năm 2018 là 152.800 hộ. Như vậy, tỷ lệ số hộ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách trên tổng số hộ dân của quận Tây Hồ mới đạt khoảng 1,7%.
Theo số liệu từ NHCSXH Hà Nội, đến ngày 31/8/2019, doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt 1.259 tỷ đồng với 29.813 lượt khách hàng vay vốn, góp phần duy trì ổn định và tạo việc làm cho trên 34.000 lao động; dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 3.307 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,4%/tổng dư nợ, tăng 53 tỷ đồng so với đầu năm với 87.000 khách hàng đang dư nợ.
Phó Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết khẳng định: Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập, làm giàu cho người lao động, gia đình và cộng đồng xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,64% đầu giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 0,59% đầu năm 2019 và giúp 4/18 huyện, thị xã và 325/386 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Vốn tín dụng chính sách cũng giúp ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn; đồng thời giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự vươn lên, thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả hơn để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Rời khỏi những vườn đào xanh tít tắp, chị Nguyễn Kim Nguyệt nói với chúng tôi: “Chỉ mấy tháng nữa thôi, các nhà báo ghé qua đây sẽ thấy khác và đây sẽ là một vùng hoa rực rỡ; trong đó có phần đóng góp của vốn tín dụng chính sách”.

Đỗ Huyền - Trọng Đạt

Các tin bài khác