Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 2: Tháo gỡ bất cập để chính sách thuận đường tới đích)

05/01/2019
(VBSP News) Từ thực tiễn thực hiện chính sách cho vay ưu đãi chương trình nhà ở xã hội (NỞXH), cho thấy, còn tồn tại không ít vướng mắc cần tháo gỡ để chính sách an sinh xã hội quan trọng này thuận đường tới đích.

noxh_rksd

Thiếu quỹ đất sạch và lợi nhuận ít ỏi không hấp dẫn nhà đầu tư

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 30/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, cung, cầu NỞXH đang mất cân đối, trong đó, nhà cho công nhân đang thiếu trầm trọng.

Được biết, tính đến nay cả nước đã hoàn thành 1.189 dự án NỞXH với diện tích gần 4 triệu mét vuông, mới chỉ đạt 30% trong Chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2020.

Khẳng định quan điểm rõ ràng của Đảng, Hiến pháp và Luật pháp về nhà ở cho người dân, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đưa ra câu trả lời rút ra từ giám sát thực tiễn cho câu hỏi “Tại sao chính sách rất cần thiết, rất nhân văn và rất hợp lòng dân nhưng vẫn khó khăn để thực thi?”.

Theo ông Lợi, thứ nhất, thủ tục đất làm nhà rất khó khăn, do các vấn đề liên quan đến chuyển đổi đất, đất thổ cư, đất bao canh, thủ tục chuyển quyền sở hữu đất, cấp quyền sử dụng đất cho đồng bào DTTS, giao đất, giao rừng cho đồng bào miền núi, đồng bào DTTS. Khó khăn thứ hai là đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch. Hầu hết các tỉnh từ TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bình Dương… rất vất vả để có quỹ đất sạch giao cho các chủ đầu tư xây NỞXH.

Một khó khăn nữa, theo ông Lợi, là ưu đãi đối với các dự án NỞXH chưa thực sự thu hút nhà đầu tư do lợi nhuận định mức không quá 10%, “tức là không hấp dẫn, làm sao nhà đầu tư vào cuộc?”.

Qua thực tế giải ngân cho vay chương trình NỞXH thực hiện qua NHCSXH cho thấy, đa số hồ sơ đã được giải ngân là các hồ sơ vay xây mới, cải tạo nhà ở. Các hồ sơ mua nhà từ dự án NỞXH, nhất là từ công nhân Khu công nghiệp, vẫn còn rất hạn chế.

Gỡ khó về vốn: Nhìn nhận vai trò của các địa phương

Một trong những vấn đề quan trọng thu hút nhiều quan tâm của cả các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và người dân là nguồn ngân sách thực hiện chương trình NỞXH.

Từ khi Nghị định 100/2015/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực, phải mất hơn 2 năm, những khoản vay đầu tiên chương trình NỞXH mới được giải ngân. Một trong những khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn cho vay NỞXH. Từ năm nay tới năm 2020, Chính phủ bố trí được khoảng 2.326 tỷ đồng (riêng năm nay là 1.000 tỷ đồng) cho các đối tượng vay mua NỞXH, nhưng theo khảo sát của Bộ Xây dựng thì nhu cầu tới năm 2021 đã lên tới 18.000 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề xuất Chính phủ bố trí thêm 3.000 tỷ đồng. “Trong thời gian tới, tôi hy vọng Quốc hội, Chính phủ có thể cân đối thêm, bởi đây cũng là chương trình nhân văn, nhu cầu chính đáng, sẽ góp phần tạo an ninh xã hội, bảo đảm phát triển xã hội”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý chia sẻ tại Tọa đàm “Cho vay mua NỞXH - Hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

“Chính sách đi liền với ngân sách thì phải như thế nào? Đầu tiên, phải rà soát lại hệ thống chính sách của chúng ta đối với nhà ở cho thu nhập thấp và NỞXH. Chính sách phải gắn liền với thực tiễn đời sống. Từ thực tiễn cơ sở chúng ta đánh giá quá trình xây dựng chính sách. Chính sách phải có tính hấp dẫn, thông thoáng, thủ tục phải gọn nhẹ và thuận lợi, hấp dẫn thì mới có tính thu hút, khả thi”, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, có 4 phương thức để tăng vốn cho chương trình NOXH, trong đó trước tiên các địa phương có nguồn thu nhập tốt có thể dành khoản đó để chuyển sang NHCSXH ủy thác cho vay, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn, vừa bảo toàn được vốn của địa phương.

Thứ hai, bản thân các NHTM cần có chính sách thực hiện bù lãi suất cho phù hợp, vừa đảm bảo an toàn, độ mở và độ chắc chắn để NHTM thấy được lợi ích và tham gia vào thực hiện chính sách này.

Một giải pháp khác được ông Lưu Bình Nhưỡng đưa ra là, cần lồng ghép được chương trình NOXH với các chương trình khác. “Các địa phương đô thị hóa nhiều, có vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới vậy tại sao chúng ta không điều chỉnh nguồn vốn này, chuyển một phần vốn cho NHCSXH để thực hiện NỞXH? Đương nhiên phải có vì chúng ta đang hưởng lợi từ các Khu công nghiệp, mà xây dựng nông thôn mới thì phải gắn liền với chương trình này”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Một giải pháp khác được ông Nhưỡng nêu cụ thể: “Tính đến năm 2020, chúng ta thiếu 15.764 tỷ đồng. Chúng ta muốn tăng vốn nhưng lại vướng là trong vốn trung hạn chúng ta phân bổ xong. Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13, sau đó sửa Quyết định 40/2015/QĐ-TTg nhằm bảo đảm căn cơ và lâu dài. Hiện giờ chỉ còn một “khe cửa hẹp”, đó là chúng ta cần xem xét khả năng bố trí được một phần vào vốn dự phòng được không? Vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ĐBQH đã phát biểu, NỞXH, nhà ở Khu công nghiệp là vấn đề rất cấp bách giống như lũ lụt, lở đất. Vậy cắt ra vài nghìn tỷ trong 180.000 tỷ đồng vốn dự phòng cho thực hiện vấn đề này thì vấn đề sẽ được giải quyết”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Nhiệm vụ thiết thực nhất là phải đúng đối tượng

Ngay sau khi chính sách được ban hành, NHCSXH - đơn vị được Chính phủ chỉ định thực hiện chương trình cho vay NỞXH - đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để tập huấn cho cán bộ, từng bước xử lý vướng mắc. “Hiện nay, hầu hết các địa phương lượng NỞXH chưa nhiều, do đó nguồn cung để NHCSXH cho vay còn hạn chế, nhiều tỉnh còn không có NỞXH. Đó là chưa kể nhiều dự án chủ đầu tư đã gọi vốn NHTM, buộc chúng tôi phải giải chấp mới cho vay theo diện NỞXH được”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý nói.

Theo NHCSXH, thực hiện Chương trình cho vay NỞXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, riêng năm 2018 kế hoạch vốn giải ngân là 1.000 tỷ đồng. Đến nay đã triển khai trong toàn quốc, có 55 chi nhánh cho vay với dư nợ 336 tỷ đồng, 1.287 khách hàng được vay vốn, bình quân dư nợ một người được vay 260 triệu đồng. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho hay, từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ giải ngân hết 700 tỷ đồng còn lại. “NHCSXH đi rất sát và tích cực để đưa chính sách này tới từng đối tượng. Nhiệm vụ thiết thực nhất là phải đúng đối tượng. Hiện nay điều kiện giải ngân thông thoáng hơn, thủ tục và thời gian cũng nhanh chóng hơn”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý nói.

Một nguyên nhân liên quan đến tiến độ giải ngân vốn vay chương trình này, đó là về phía người vay cũng nhiều người có nhu cầu nhưng không đáp ứng được điều kiện được ngân hàng để vay vốn được như đất một nơi, hộ khẩu một nơi, hoặc đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất xây dựng không theo quy hoạch… “Chúng tôi xác định rằng, vốn của Chính phủ để bảo đảm an sinh xã hội song cũng phải chấp hành quy tắc về pháp luật nhà ở, đất đai, xây dựng. Hơn nữa, đây là chương trình dài hạn, tạo sự tin tưởng cho người dân, khác với gói hỗ trợ cho vay trước đây nên nhiều đối tượng cũng cân nhắc hơn”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho biết.

Song, những vướng mắc này được đánh giá là không đáng kể và dần dần sẽ giải quyết được, nếu ngân hàng, chính quyền địa phương hướng dẫn cụ thể hơn và người vay vốn phải tự đáp ứng yêu cầu để được vay vốn.

Bài và ảnh Hoàng Thủy

Các tin bài khác