“Đòn bẩy” mới từ tín dụng chính sách
Anh Hù Văn Vàng chia sẻ: Mấy năm trước, mặc dù trên địa bàn xã đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiệu quả. Gia đình tôi cũng như một số hộ dân trong thôn cũng rất muốn học hỏi để làm, nhưng “lực bất tòng tâm” vì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn. Từ năm 2017, gia đình tôi được tiếp cận nguồn tín dụng chính sách với số vốn vay 100 triệu đồng. Gia đình mạnh dạn góp chung vốn vay với các hộ thành viên trong Hợp tác xã, tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu đã tạo việc làm ổn định cho 2 lao động chính trong gia đình và mở hướng phát triển kinh tế gia đình, tăng cao nguồn thu nhập.
Không chỉ có gia đình anh Vàng được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi của Đảng và Nhà nước mà 10 hộ dân là thành viên Hợp tác xã Song Kim và 2 hộ dân ở xã Cốc Mỳ đã được tiếp cận nguồn vốn của địa phương. Năm 2017, NHCSXH huyện Bát Xát đã thực hiện giải ngân từ ngân sách địa phương, tạo thêm việc làm cho 24 lao động mới với số vốn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, 20 lao động ở Hợp tác xã Song Kim đã góp vốn thực hiện đầu tư mô hình nhà lưới trồng rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; 4 lao động ở xã Cốc Mỳ góp vốn để đầu tư nhà xưởng, trồng cây đao riềng và chế biến sản phẩm miến đao.
Chúng tôi có mặt tại khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Song Kim khi vụ dưa lê Kim Cô Nương, dưa lưới vàng Nam Mỹ đang đến kỳ ra hoa đậu quả. Đây là vụ sản xuất đầu tiên trong năm 2018 sau thành công của mô hình từ năm trước. Năm 2017, Hợp tác xã Song Kim đã thực hiện trồng 2 vụ dưa lê Kim Cô Nương và dưa lưới vàng Nam Mỹ. Với giá bán tại vườn 60.000 đồng/kg, 1 vụ thu 3.000 quả (mỗi quả 1,5kg), trừ chi phí mỗi gốc dưa cho thu lãi 50.000 đồng. Ngoài ra, còn thực hiện trồng 1 vụ dưa chuột chùm với hơn 4.000 gốc dưa. Mỗi gốc dưa thu hoạch trung bình từ 10 - 12kg, giá bán 15.000 đồng/kg. Trừ chi phí và công lao động cũng cho nguồn thu lãi từ trồng dưa 50% giá trị sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay rất được nhiều người nông dân quan tâm bởi sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững, đầu ra sản phẩm ổn định, giá trị hàng hóa sản phẩm, lợi nhuận kinh tế mang lại tăng cao gấp nhiều lần so với canh tác nông nghiệp đại trà trước đây.
Khẳng định lợi ích và hiệu quả của nguồn vốn tín dụng từ ngân sách địa phương, ông Trần Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang thực sự trở thành “đòn bẩy” trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Đặc biệt, rất phù hợp để các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã phát huy hiệu quả trong triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với Quang Kim mô hình trồng rau quả sạch trong nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tăng nguồn thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất đầu tư ban đầu lớn, rất cần sự chung sức của đồng vốn tín dụng giải quyết việc làm như NHCSXH đang thực hiện để tiếp thêm động lực cho nông dân thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Bởi đây đang là hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững.
Cũng như các địa phương trong tỉnh, những năm qua, huyện vùng cao Bát Xát đã triển khai hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách, tiếp thêm nguồn lực cho nhiều hộ dân, đồng bào DTTS thực hiện ước mơ thoát nghèo, đổi đời và vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh nguồn vốn từ trung ương giao kế hoạch hằng năm được phân bổ qua hệ thống NHCSXH, cấp ủy đảng địa phương cũng đã tăng quan tâm đến tín dụng chính sách, đồng hành với NHCSXH huyện thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc NHCSXH huyện Bát Xát cho biết: Nguồn vốn vay từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH khẳng định hiệu quả cấp ủy vào cuộc, người dân hưởng lợi. Trong năm qua, NHCSXH huyện Bát Xát đã xây dựng kế hoạch giải ngân, lựa chọn mô hình và đưa đồng vốn đến đúng đối tượng vay, giúp người nông dân hiện thực hóa những ước mơ làm giàu. Đồng thời, đã phối hợp trong quản lý vốn vay, giám sát người dân sử dụng vốn đúng mục đích và hướng người nông dân đầu tư vào những mô hình kinh tế nông nghiệp triển vọng. Điển hình như mô hình trồng rau quả an toàn trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao tại Quang Kim, thực sự đồng vốn tín dụng chính sách đã phát huy sức mạnh. Từ hiệu quả của nguồn ngân sách địa phương, năm 2018, NHCSXH huyện Bát Xát tiếp tục thực hiện cho vay 500 triệu đồng. Dự kiến, số vốn này sẽ giải ngân chương trình giải quyết việc làm cho người lao động, tập trung vào các dự án nuôi trâu, trồng rừng, các dự án phát triển và trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bài và ảnh Minh Hà
Các tin bài khác
- » Cần lắm sự sẻ chia với hộ nghèo
- » Lợi ích kép từ việc gửi tiền tiết kiệm
- » Thoát nghèo từ vốn vay chính sách
- » Dấu ấn đồng vốn chính sách ở Văn Lãng
- » Đồng bào DTTS huyện Lộc Bình thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Tạo đà giúp nông dân khởi nghiệp, làm giàu
- » Vốn tín dụng ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn
- » “Bà đỡ” của người nghèo ở huyện Krông Pa
- » Huyện nông thôn mới Kim Bảng
- » Cầu nối tín dụng cho người nghèo