Ngỡ ngàng Y Tý vào xuân
Từ thành phố Lào Cai theo hướng Bát Xát, qua dốc A Lù đi thẳng tới Y Tý. Con đường dài khoảng 100km, lắm dốc cao và vực thẳm, để dặn dò nhau dân “phượt” có câu “dốc A Lù, mây mù Y Tý”. Theo Bí thư Đảng ủy xã Ly Giờ Có, cuộc sống của người dân thực sự thay đổi từ năm 2001, khi con đường tỉnh lộ Lào Cai - Y Tý thông xe. Xưa muốn ra tỉnh phải mất 2 ngày trên lưng ngựa (hoặc đi bộ), giờ ngồi xe ô tô mất 3 giờ. Con đường như ngắn lại. Y Tý gần hơn với huyện lỵ Bát Xát, với thành phố Lào Cai và cả nước. Có đường là có giao thương, kinh tế - xã hội phát triển, khách du lịch tìm về Y Tý ngày một đông để khám phá một vùng đất biên cương kỳ vĩ.
Y Tý tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San, có đỉnh cao 2.660m. Phía Tây giáp Trung Quốc, suối Lũng Lô là ranh giới tự nhiên với chiều dài đường biên khoảng 17km. Vào mùa đông nơi đây thường xuất hiện những biển mây đẹp mê hồn. Những bản làng của người Hà Nhì, người Mông, người Dao lúc ẩn, lúc hiện chìm trong biển mây trắng xóa. Đến với Y Tý là đến với những “lâu đài đất”, đó là những mái nhà trình tường hình chữ nhật, tường đất, chỉ một cửa ra vào, mái tranh nhọn hình kim tự tháp - kiến trúc độc đáo của cộng đồng người Hà Nhì đen, một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống tại đây.
“Ngày trước, trụ sở UBND xã Y Tý cũng “xây” bằng tường trình, lợp mái tranh”, Chủ tịch Tráng A Lử cho biết. Mấy năm qua, thông qua các chương trình 134, 135, 30b, xây dựng nông thôn mới… xã được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để có được khu nhà làm việc khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ nhân dân. Riêng năm 2014 vừa qua, xã được đầu tư 20 tỷ đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Y Tý có 16 thôn, bản, thì có tới 7 thôn giáp biên, có những bản làng cách trung tâm gần 20km xuyên qua rừng già. “Phải tiếp tục làm đường giao thông để mời gọi khách du lịch, để “kéo” các bản làng về gần với trung tâm, giữ vững biên cương Tổ quốc”, Chủ tịch xã Tráng A Lử khẳng định. Xưa không thị trường, không hàng quán, ngày nay chợ phiên Y Tý họp vào ngày thứ Bảy hàng tuần, không ít những khách hàng từ bên kia biên giới cũng sang mua và bán. Cách Đồn biên phòng Y Tý không xa, có cả quán ăn, nhà nghỉ tuy chưa đẹp, chưa khang trang nhưng phục vụ kịp thời cho du khách.
Cùng với sự đổi thay, vùng cao Y Tý đang ra đời một lớp người mới. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nông Thị Xướng, dân tộc Dáy, được Bí thư Đảng ủy Ly Giờ Có đánh giá là người phụ nữ “thành đạt” ở địa phương. Chị Xướng lấy chồng người Mông. Từ hai bàn tay trắng đôi vợ chồng trẻ được xã giúp đỡ cấp đất làm nhà, đi làm thuê, mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH chăn nuôi lợn. Có vốn, chị mua máy xay xát ngô, lúa phục vụ bà con dân bản, tăng thu nhập cho gia đình. Không dừng lại, khi nhìn thấy nhu cầu xây dựng ngày một tăng chị mua máy ép gạch không nung, thu lãi 20 - 30 triệu đồng/năm. Chị Xướng còn có một “gia sản” lớn hơn rất nhiều, đó là 4 đứa con. Con gái lớn tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hiện đang dạy tại một trường THPT, lấy chồng ở Sa Pa; một cháu đang học Đại học luật Hà Nội; một cháu học xong cao đẳng đang ở nhà giúp bố mẹ làm gạch; cậu út đang học cấp ba. Đảm việc nhà, lo toan việc xã, chị kể: “Cách đây khoảng 10 năm khi có vốn NHCSXH về xã, đến vận động từng nhà nhưng bà con không vay. Vì “vay cái vốn ngân hàng mình không biết làm gì”. Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện phải xuống “cắm bản” như cô giáo, thầy giáo… Phải đến những năm gần đây, bằng chủ trương của chính quyền địa phương, phát huy thế mạnh của xã, động viên mọi nhà trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Ông Phu Lò Dé ở bản Sín Chải là người đầu tiên “xung phong” vay vốn NHCSXH trồng thảo quả. “Ngày trước tôi cũng nghèo lắm. Đói ăn, thiếu mặc, mù chữ, không bao giờ dám nghĩ có tiền. Nhờ cái vốn ưu đãi của Nhà nước, lăn lộn với rừng, giờ mình thừa tiền cho người khác vay”, ông Dé tâm sự. Thoát nghèo từ vốn vay 30 triệu đồng của NHCSXH, ông Phu Lò Dé hiện có 8ha thảo quả, cho sản lượng 1 - 1,5 tấn quả khô/năm, một đàn trâu vài chục con và mỗi vụ lúa thu từ 12 - 14 tấn thóc. Tiền thu được ông không gửi ngân hàng, mỗi năm cho 9 - 14 hộ trong bản, trong xã vay không tính lãi, theo hình thức luân chuyển, với số tiền từ 2 - 10 triệu đồng/hộ. Sau 1 năm những hộ này mang tiền đến trả, ông tiếp tục chuyển số tiền đó cho hộ khác vay. Không biết chữ, ông Dé “làm sổ sách” theo cách của riêng mình. Mỗi lần xuất vốn, ông vạch một vệt than lên tường, mỗi bắp ngô treo trên gác bếp khi được chuyển từ phải qua trái nghĩa là đã cho vay 1 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng vay được tiền của ông, bởi “người nào rượu chè, cờ bạc ở đất này mình biết cả. Không cho những người đó vay, vì có tiền là say rượu, là đánh đập vợ con. Như vậy, mình có tội”, ông Dé nói. Cũng có những hộ nghèo ông Dé “mời” vay tiền nhưng không thành. Vì, cầm tiền họ không biết làm gì, sợ tiêu mất không có trả. Ông chuyển sang mời “nuôi trâu rẽ”. Nhờ đó mà 8 hộ nghèo ở Y Tý đã có trâu cày.
Y Tý có 854 hộ, đến nay 100% số hộ vay vốn NHCSXH. Năm 2014 đạt tổng dư nợ 6,564 tỷ đồng, với 7 chương trình cho vay, trong đó dư nợ lớn nhất cho vay hộ nghèo 5,031 tỷ đồng; tiếp đến hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 547 triệu đồng; hộ cận nghèo 275 triệu đồng. Bà con vay vốn chủ yếu nuôi trâu bò, khai hoang ruộng nước, trồng thảo quả (trên 400ha). Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13%. Y Tý vẫn còn nghèo, nhưng người Hà Nhì, người Mông đã biết thành thạo “vay ngân hàng một con trâu để thành hai con trâu. Thảo quả là cây trồng cho nhiều tiền nhất dưới tán rừng già”.
Hơn bất cứ một địa phương nào, Y Tý còn giữ được 8.000ha rừng đại ngàn. “Ngày trước cả xã hơn 4.000 con người chỉ trong mong vào 280ha ruộng bậc thang bạc màu, “treo” trên núi chen lẫn với đá, quanh năm chỉ làm được một vụ. Mùa đông buốt giá dài lê thê, thỉnh thoảng tuyết rơi trắng xóa, cỏ cây úa tàn, sóc chồn co mình trong hang đá. Nên đói nghèo cứ đeo đẳng (!) Mấy năm qua Tết đến, Xuân về nhà nào cũng có thịt để ăn, có rượu để uống nhờ có thảo quả. Tiềm năng này còn lớn lắm, vì cả xã mới trồng được 400ha thảo quả. Năm mới, rừng đang gọi và dân đang chờ được vay vốn nhiều hơn từ NHCSXH”, Bí thư Đảng ủy Ly Giờ Có tâm sự.
Ngoài rượu và thịt mùa xuân của người Hà Nhì sẽ kém vui nếu như năm đó lễ cúng rừng chưa trọn vẹn. Người Hà Nhì ở 8/16 thôn, bản; chiếm 54,2% dân số xã Y Tý. Nhưng, bản nào cũng có một khu rừng thiêng để thờ. Một năm mới được bắt đầu bằng lễ tạ ơn rừng và đó cũng là dịp đón xuân của bản Hà Nhì. Những bậc cao niên có tiếng nói quan trọng trong bản đứng ra làm chủ tế. Lễ được diễn ra từ sớm đến giữa trưa, khi sương tan, mây bay. Những gốc cây đại thụ được chọn làm mâm, những tảng đá rêu phong được chọn làm nơi đặt lễ. Người Hà Nhì quan niệm rừng là sự sống! Và, điều linh thiêng đối với dân bản, đi chân đất trong buổi lễ là cách để hòa tiếng nói của con người vào thiên nhiên. Từ bao đời nay coi trọng việc tạ ơn rừng như là một triết lý sống của người Hà Nhì. Nhờ vậy, nơi thượng nguồn của Tổ quốc rừng vẫn xanh màu xanh bạt ngàn, bốn mùa che chở cho đất mẹ.
Ký sự của Thành Đại
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tản mạn mùa xuân
- » Ngày hẹn của ngân hàng với người nghèo
- » Tản mạn về Tết Nguyên đán
- » Người nghèo ở Hà Tĩnh có chòi tránh lũ đón Tết
- » Hà Giang: Trăn trở tín dụng giảm nghèo
- » Nâng mức cho vay, giảm lãi suất: Người nghèo thêm phần phấn khởi
- » Điểm sáng* chính sách tín dụng giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách xã hội - Một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Đại biểu Quốc hội phân tích về “điểm sáng” tín dụng chính sách
- » Thư chúc mừng năm mới của Thống đốc NNHNN Việt Nam