Động lực thoát nghèo cho hàng triệu nông dân
Động lực thoát nghèo của nông dân
Gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Kim Lâm, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) là một trong những điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. Chị Dung cho biết, thời điểm giữa năm 2021, gia đình chị được hỗ trợ vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để duy trì sản xuất phát triển chăn nuôi vịt. “Đây là năm thứ ba, gia đình tôi được vay vốn chính sách. Nhờ nguồn vốn này, từ hộ nghèo, gia đình tôi đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế”, chị Dung tâm sự.
Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bắc thông tin, vốn vay chính sách đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển SXKD, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của huyện. Năm 2021 toàn huyện Thanh Oai có 143 hộ thoát nghèo, 318 hộ thoát cận nghèo.
Trên địa bàn huyện Hoài Đức, nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất, Hội Nông dân các cấp đã tích cực phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện cho hội viên xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể, các hình thức liên kết sản xuất hiệu quả. Điển hình như mô hình trồng rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên đạt 600 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả từ nguồn vốn ủy thác
Mới đây, NHCSXH tổ chức giao ban hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Năm 2021, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 244 nghìn tỷ đồng, chiếm 98,68% tổng dư nợ, tăng 19.609 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam có dư nợ ủy thác lớn thứ 2 trong 4 tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể, dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội Nông dân đạt 74.099 tỷ đồng tổng, chiếm 30,28% tổng dư nợ ủy thác.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm và phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến 31.12.2021 có 169.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn và gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ; 99,99% số tổ tham gia gửi tiền với số dư 14.730 tỷ đồng.
Đánh giá kết quả hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để SXKD, đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, NHCSXH tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao và các chính sách cho vay ưu đãi trong Chương trình phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Bài và ảnh Thu Hà
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » TP Hồ Chí Minh triển khai cho vay an sinh xã hội hỗ trợ lãi suất 2%
- » Đồng bào DTTS thoát nghèo từ chính sách vay vốn
- » Long An xoa dịu mất mát cho trẻ mồ côi vì COVID-19
- » Hiệu quả của chương trình cho vay nhà ở xã hội ở Tây Ninh
- » Bình Định triển khai tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phục hồi sau đại dịch
- » Bạc Liêu nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách
- » Nghệ An triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP
- » Giải ngân vốn đúng đối tượng
- » Tín dụng chính sách tạo đà giúp Ninh Thuận giảm nghèo bền vững