Tín dụng chính sách tạo đà giúp Ninh Thuận giảm nghèo bền vững

24/02/2022
(VBSP News) Nằm ở Nam Trung bộ, Ninh Thuận được ví như “Tây Á thu nhỏ” tại Việt Nam. Những năm gần đây, cùng với cả nước Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực từ thiên tai, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Trong điều kiện địa phương gặp “khó khăn kép”, với vai trò “cầu nối” trong công cuộc giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành, đoàn thể, tập trung huy động được nguồn lực tài chính lớn, khơi thông dòng chảy nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến tận vùng núi cao.
Ninh-Thuan

NHCSXH tỉnh Ninh Thuận thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng

Nổi bật trong cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở Ninh Thuận thể hiện rõ về tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đến nay, dư nợ đạt trên 2.534 tỷ đồng, tăng 196 tỷ đồng so với cuối năm 2020, với hàng chục nghìn hộ còn dư nợ.  Trong đó, nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH đạt 69,4 tỷ đồng, tăng 12,7 tỷ đồng so với năm 2020 đã được chi nhánh chuyển tải nhanh chóng, an toàn về tận xã phường, đến đúng đối tượng thụ hượng, giúp họ kịp thời đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, môi trồng đánh bắt hải sản.
Cùng với đó, những cán bộ tín dụng chính sách ở Ninh Thuận đã thường xuyên bám thôn bản, sát dân, triển khai đầy đủ các chính sách về tín dụng ưu đãi như: nâng mức vay, kéo dài hạn vay đối với hộ nghèo, hộ tái nghèo hay ưu tiên về lãi suất vay đối với các gia đình DTTS đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh cho vay kịp thời người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động theo nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn do đại dịch COVID-19. Từ nét nổi bật về tăng trưởng dư nợ và khơi thông dòng chảy nguồn vốn tín dụng của NHCSXH mà người nghèo và các đối tượng chính sách ở Ninh Thuận được hưởng lợi, có thêm điều kiện để chủ động khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng các loại hình kinh tế phù hợp, đạt kết quả.
Đơn cử tại huyện miền núi Bác Ái, gia đình ông Ka Tơ Hậu ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình đã sử dụng đồng vốn vay chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn để cải tạo, thâm canh 2ha bưởi da xanh, sầu riêng, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, dê, cừu thịt. Sau ba vụ thu hoạch năng suất, sản phẩm bán được giá, ông Hậu có đủ tiền trả hết nợ vay ngân hàng, xây được nhà, đạt danh hiệu nông dân thi đua SXKD giỏi cấp huyện.
Với gia đình ông Ka Tơ Hà Khanh mới ngày nào còn nằm cuối bảng danh sách hộ nghèo của xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc nhưng hiện đã trở thành ông chủ của một mô hình kinh tế. Từ 50 triệu đồng vốn ưu đãi vay của NHCSXH, ông Khanh đã mạnh dạn nuôi trâu bò, cừu, dê nhốt chuồng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo và chủ động nguồn thức ăn dự trữ, công việc chăn nuôi của ông gặp thuận lợi, phát triển. Đến nay, ông đã sở hữu 6 con bò, 17 con dê sinh sản, thu nhập đến cả trăm triệu đồng/năm. “Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước do NHCSXH cho vay đã thực sự là “đòn bẩy” giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững”, ông Khanh tâm sự.

nhcsxh-ninh-thuan-2-145

Nhiều hộ gia đình huyện Ninh Hải vay vốn NHCSXH để phát triển trồng nho

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành một trong những động lực chính góp phần đổi thay vùng quê Ninh Thuận, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn hơn 5%/năm, đời sống người dân được cải thiện không ngừng. Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận thuận lợi đồng vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua mạng lưới 65 Điểm giao dịch xã và 1.580 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải dài khắp thôn, bản, khu phố.
Cuộc hành trình bền bỉ của tín dụng chính sách ở Ninh Thuận tuy gian khó nhưng đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện hiệu quả Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đóng góp hiệu quả nhiều hơn vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh bền vững.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác