Tín dụng chính sách ở vùng lõi nghèo xứ Nghệ: Bài cuối - Tận tâm và tận lực
Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi giảm sâu
Phóng viên: Xin ông cho biết, việc giảm nghèo ở các vùng lõi nghèo của Nghệ An diễn ra như thế nào?
Trả lời: Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Thủ tướng Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã triển khai 21 chương trình tín dụng với số dư nợ 9,6 nghìn tỷ đồng với 273 nghìn khách hàng. Trong đó, khách hàng là đồng bào DTTS và đồng bào khu vực miền núi chiếm tới 52%.
Chi nhánh đã kịp thời bám sát chỉ đạo của NHCSXH Trung ương để giải ngân kịp thời nguồn vốn cho các đối tượng, đặc biệt là các hộ DTTS và miền núi ở vùng lõi nghèo của địa phương. Ngoài 21 chương trình cho vay bình thường, chúng tôi còn triển khai cho vay theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dành riêng cho nhóm người vay vốn là đồng bào dân tộc thiểu số…
Phóng viên: Các chương trình cho vay chắc chắn đã làm cuộc sống của đồng bào khởi sắc, thưa ông?
Trả lời: Chắc chắn nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động và làm thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS của địa phương. Nguồn vốn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi của tỉnh từ 24,04% đầu năm 2015 xuống còn 12,8% cuối năm 2020, các huyện nghèo 30a giảm bình quân 5%/năm giai đoạn 2015 - 2020.
Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; thành lập mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn để giúp bà con tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước ngay tại nơi cư trú nhanh gọn, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Nhờ các tổ chức này, dòng vốn chính sách đã đến sâu từng hộ dân; giúp họ sử dụng vốn có hiệu quả và thông qua đó, bảo toàn nguồn vốn một cách tối đa nhất. Đến nay, số hộ đồng bào DTTS còn dư nợ với NHCSXH là 70.000 hộ, với số tiền gần 2.500 tỷ đồng để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Đến 31.10.2021, huy động tiền gửi của chi nhánh NHCSXH Nghệ An đạt 1.876 tỷ đồng, tăng trên 217 tỷ đồng so với 31.12.2020, trong đó, tiền gửi qua tổ tiếp tục tăng mạnh với trên 88 tỷ đồng, đạt gần 150% kế hoạch cả năm; huy động từ tổ chức - cá nhân tăng 129 tỷ, đạt 86% kế hoạch.
Đổi mới để tăng tính bền vững
Phóng viên: Hiện nay, các chính sách cho vay đang được thiết kế theo hướng hỗ trợ có điều kiện chứ không cho không. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Trả lời: Với chính sách “cho cần câu hơn cho xâu cá”, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc và kịp thời trong giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ là sự hỗ trợ một phần đối với người nghèo và các hộ chính sách trong việc thoát nghèo. Phần còn lại phụ thuộc vào sự hướng dẫn của các ngành chức năng như nông nghiệp, lâm nghiệp, công thương… để giúp bà con nắm bắt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, làm ăn kinh tế và tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh nhất.
Đặc biệt, một phần không thể thiếu đó là chính đồng bào phải có ý thức vươn lên; thay đổi cách nghĩ, cách làm; biết tính toán trong chi tiêu, biết cách sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất…
Phóng viên: Vậy còn các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số hồi hương do ảnh hưởng COVID-19 thì sao, thưa ông?
Trả lời: Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An, hiện đã có gần 76.000 lao động/100.000 người con Nghệ An làm việc xa quê hồi hương tránh dịch, chiếm tới 76%. Trong đó, lao động là đồng bào DTTS có tới 29.054 người.
Trước tình hình đó, bám sát sự chỉ đạo của HĐQT NHCSXH Trung ương và Ban đại diện NHCSXH tại địa phương, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con, nhất là những người muốn ở lại địa phương lập nghiệp để bố trí nguồn lực giúp họ vay vốn một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Đến nay, chưa có trường hợp nào có nhu cầu mà không được tiếp cận với nguồn vốn.
Phóng viên: Là người trực tiếp gắn bó với người nghèo, đồng bào DTTS và công tác giảm nghèo, ông có đề xuất gì với Trung ương?
Trả lời: Với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước hiện nay, việc Đảng, Quốc hội, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt cho người nghèo, gia đình chính sách nói chung và đồng bào DTTS nói riêng là cả một nỗ lực rất lớn. Chúng tôi ý thức rõ điều đó nên trong thực thi nhiệm vụ luôn đặt mình ở chế độ làm việc cao nhất, tận tâm và tận lực nhất để nguồn vốn phát huy tối đa hiệu quả.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm có các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, có chính sách tín dụng ưu đãi. Bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước dành cho tín dụng chính sách xã hội thực hiện Chương trình mục tiêu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần được đổi mới theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay và dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Xin cảm ơn ông!
Thái Bình thực hiện
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách ở vùng lõi nghèo xứ Nghệ: Bài 2 - Nhân lên giá trị của vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách ở vùng lõi nghèo xứ Nghệ: Bài 1 - Khởi sắc Tương Dương, Con Cuông
- » Về nơi khởi đầu con đường Hồ Chí Minh lịch sử
- » “Cú hích” lớn ở Phú Đô
- » Đưa vốn chính sách về vùng đồng bào DTTS Kiên Giang
- » Quế Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Trang trại trù phú trên vùng đất nhiễm mặn
- » Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Phú thực hiện giảm lãi suất cho vay
- » Tiếp nối ước mơ đến trường cho HSSV nghèo
- » Tiếp thêm nguồn lực để giảm nghèo bền vững